Chính phủ tiếp theo ở Đức làm gì để định hình tương lai?

Chính phủ tiếp theo ở Đức làm gì để định hình tương lai?
7 giờ trướcBài gốc
Đặt nền móng cho sự phát triển bền vững
Người Đức có câu nói: “Kết thúc tồi tệ còn hơn những nỗi kinh hoàng không bao giờ chấm dứt”. Câu nói này dường như phản ánh tâm trạng chung của người dân Đức khi họ chứng kiến sự sụp đổ của liên minh “đèn giao thông” – một trong những chính phủ không được lòng dân nhất trong lịch sử gần đây, do Thủ tướng Olaf Scholz lãnh đạo. Mặc dù sự tranh cãi chính trị dữ dội tiếp theo không phải là điều mong muốn, nhưng vẫn tốt hơn việc tiếp tục trì hoãn những thay đổi cần thiết.
Sự sụp đổ của liên minh giữa đảng Dân chủ Xã hội (SPD), đảng Xanh và đảng Dân chủ Tự do (FDP) không phải là điều quá bất ngờ, nhưng diễn biến lại xảy ra quá đột ngột. Chỉ vài giờ sau khi ông Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, Thủ tướng Olaf Scholz đã sa thải lãnh đạo đảng FDP Christian Lindner khỏi vị trí Bộ trưởng Tài chính, tạo tiền đề cho một cuộc bầu cử sớm và đẩy Đức vào hỗn loạn chính trị.
Nguyên nhân mấu chốt của sự rạn nứt là mâu thuẫn về ngân sách. Trong khi ông Scholz nhấn mạnh, sự cần thiết của việc tăng thâm hụt ngân sách để hỗ trợ Ukraine, cải thiện cơ sở hạ tầng xuống cấp và trợ cấp cho các ngành công nghiệp gặp khó khăn, thì bà Lindner kiên quyết phản đối, viện dẫn quy định hiến pháp giới hạn thâm hụt cơ cấu ở mức 0,35% GDP. Mặc dù giới hạn này không phải tuyệt đối và có thể được nới lỏng trong các trường hợp khẩn cấp như đại dịch COVID-19, nhưng bà Lindner không tin rằng, tình hình hiện tại đủ nghiêm trọng để phá vỡ ràng buộc tài chính.
Tranh cãi về ngân sách trở thành nguyên nhân tất yếu dẫn đến sự tan rã của liên minh. Điều mỉa mai là chính liên minh này được hình thành vào năm 2021 dựa trên kế hoạch tái phân bổ các khoản tiền chưa sử dụng từ quỹ ứng phó đại dịch, giúp ba đảng thực hiện các ưu tiên về xã hội và khí hậu mà không cần tăng thâm hụt ngân sách. Tuy nhiên, kế hoạch này đã bị Tòa án Hiến pháp bác bỏ vào năm ngoái, để lại một lỗ hổng ngân sách 60 tỷ euro, đặt áp lực lớn lên các chương trình cải cách. Trong bối cảnh đó, Đức buộc phải tập trung vào việc giải quyết các vấn đề nội tại nhằm xây dựng một nền móng vững chắc cho tương lai.
Để giải quyết những vấn đề nội tại, chính phủ mới cần đưa ra các cải cách táo bạo nhằm hiện đại hóa cấu trúc kinh tế và xã hội. Một trong những vấn đề lớn nhất mà Đức phải đối mặt hiện nay là sự tụt hậu trong lĩnh vực giáo dục. Trong khi các quốc gia châu Âu khác như Phần Lan và Đan Mạch đã chuyển đổi thành công hệ thống giáo dục để tập trung vào kỹ năng kỹ thuật số và sáng tạo, Đức vẫn bám vào các chương trình học truyền thống. Điều này đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt nhân lực chất lượng cao trong các ngành công nghệ tiên tiến. Các chuyên gia nhận định rằng, chính phủ mới cần đầu tư vào các trung tâm đào tạo nghề, đồng thời cải cách chương trình giáo dục ở cấp phổ thông và đại học. Giáo dục không chỉ cần đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động hiện tại mà còn phải chuẩn bị cho những thay đổi trong tương lai. Ngoài ra, việc tăng cường đầu tư vào nghiên cứu và phát triển sẽ giúp Đức không chỉ duy trì vị thế của mình trong lĩnh vực kỹ thuật mà còn tiến xa hơn trong các ngành công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ sinh học.
Bên cạnh giáo dục, cơ sở hạ tầng là một lĩnh vực đòi hỏi sự quan tâm đặc biệt. Hiện nay, nhiều tuyến đường cao tốc và hệ thống đường sắt của Đức đã xuống cấp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất và sự thuận tiện trong giao thông. Các thành phố lớn như Berlin và Hamburg đang đối mặt với áp lực lớn từ dân số gia tăng khiến hệ thống giao thông công cộng trở nên quá tải. Một kế hoạch đầu tư hạ tầng quy mô lớn không chỉ cải thiện tình trạng hiện tại mà còn tạo ra hàng triệu việc làm mới, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và ổn định xã hội. Ngoài ra, chuyển đổi năng lượng là một vấn đề trọng yếu. Cuộc khủng hoảng năng lượng gần đây, xuất phát từ sự phụ thuộc vào nguồn cung từ Nga, đã làm lộ rõ những lỗ hổng trong chiến lược năng lượng của Đức. Chính phủ mới cần đưa ra các biện pháp cụ thể để tăng cường sản xuất năng lượng tái tạo và xây dựng hệ thống lưu trữ năng lượng tiên tiến. Bằng cách giảm sự phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu, Đức có thể đảm bảo an ninh năng lượng và đồng thời đóng góp tích cực vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Cơ hội và thách thức
Trong bối cảnh địa chính trị toàn cầu không ngừng biến động, vai trò của Đức tại châu Âu và thế giới ngày càng trở nên quan trọng và được xem xét kỹ lưỡng. Với tư cách là nền kinh tế lớn nhất châu Âu, Đức đã đóng vai trò đầu tàu trong việc thúc đẩy tăng trưởng và ổn định khu vực. Tuy nhiên, các thách thức nội tại như sự suy yếu cơ cấu hạ tầng và áp lực bên ngoài từ các mối quan hệ quốc tế đã khiến vị trí lãnh đạo này chịu nhiều ảnh hưởng. Chính phủ mới của Đức sẽ cần tái xây dựng niềm tin trong nước và thúc đẩy sự đoàn kết trong Liên minh châu Âu (EU), đặc biệt khi các vấn đề như chính sách tài chính và kinh tế đang gây chia rẽ giữa các quốc gia thành viên. Các biện pháp “thắt lưng buộc bụng”, vốn được Đức áp dụng trong nhiều năm để duy trì ổn định tài chính, đã gặp phải sự phản đối tại các nước Nam Âu như Hy Lạp và Italy. Chính phủ mới phải tìm ra một cách tiếp cận cân bằng hơn, vừa bảo vệ nền tảng kinh tế vững chắc của EU, vừa hỗ trợ tăng trưởng và cải thiện việc làm tại những khu vực chịu nhiều thiệt hại kinh tế. Đồng thời, Đức cần theo đuổi một chính sách ngoại giao linh hoạt hơn để đối mặt với các thách thức địa chính trị. Sự trở lại của Donald Trump tại Nhà Trắng có thể làm gia tăng căng thẳng trong quan hệ xuyên Đại Tây Dương. Trong tình huống này, việc duy trì quan hệ hợp tác chặt chẽ với Mỹ sẽ là một nhiệm vụ đầy thách thức nhưng không kém phần thiết yếu. Song song đó, Đức cũng phải tăng cường hợp tác với các đối tác châu Âu để thúc đẩy một chiến lược quốc phòng độc lập hơn, đáp ứng nhu cầu an ninh ngày càng cao. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã kêu gọi xây dựng một lực lượng quốc phòng chung của châu Âu, và Đức, với vai trò lãnh đạo, cần đóng vai trò trung tâm trong nỗ lực này. Ngoài NATO, Đức có cơ hội mở rộng ảnh hưởng thông qua các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc và G7, góp phần định hình các chính sách toàn cầu từ biến đổi khí hậu, bất bình đẳng kinh tế đến các vấn đề xung đột khu vực. Sự hợp tác sâu rộng với các quốc gia như Nhật Bản, Canada và Australia sẽ là yếu tố chiến lược để tăng cường vị thế toàn cầu của Đức.
Cuộc bầu cử lần này không chỉ mang ý nghĩa chính trị nội bộ mà còn là cơ hội để Đức định hướng lại vai trò trên trường quốc tế. Những quyết định của chính phủ mới sẽ có tác động sâu rộng đến không chỉ nền kinh tế lớn nhất châu Âu mà còn cả sự ổn định của khu vực. Đức hiện đang đứng trước một lựa chọn lớn: vượt qua khủng hoảng để trở thành biểu tượng cho sự phát triển bền vững và đổi mới, hoặc tiếp tục đối mặt với sự trì trệ và mất đi vị trí đầu tàu. Trong nội bộ, chính phủ mới phải giải quyết các vấn đề như cơ sở hạ tầng xuống cấp, cải tổ hệ thống giáo dục, và thúc đẩy đổi mới sáng tạo để giữ vững lợi thế cạnh tranh.
Bên ngoài, Berlin cần phát huy vai trò trung gian hòa giải, góp phần xây dựng một môi trường quốc tế ổn định hơn, từ việc giải quyết cuộc chiến Nga-Ukraine đến đối phó với những thay đổi trong quan hệ Mỹ-Trung. Tuy nhiên, những thách thức không nhỏ đang đặt ra những yêu cầu lớn về sự lãnh đạo. Đức cần cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và trách nhiệm quốc tế, giữa lợi ích trong nước và vai trò toàn cầu. Đây sẽ là phép thử quan trọng đối với chính phủ mới, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các đảng phái chính trị và sự đồng thuận từ người dân.
Một nước Đức mạnh mẽ, ổn định không chỉ là động lực cho chính bản thân quốc gia này mà còn là điểm tựa cho cả châu Âu trong bối cảnh thế giới ngày càng bất định. Đức có cơ hội trở thành hình mẫu kết hợp thành công giữa tăng trưởng bền vững, trách nhiệm xã hội và tầm nhìn quốc tế - nhưng điều đó chỉ có thể đạt được thông qua hành động quyết liệt, cam kết mạnh mẽ và tinh thần lãnh đạo đổi mới. Với những gì đang đối mặt, tương lai của Đức không chỉ là câu chuyện của riêng quốc gia này mà còn là ngọn đèn soi sáng cho cả khu vực và thế giới.
Đặng Hà
Nguồn CAND : https://cand.com.vn/the-gioi-24h/chinh-phu-tiep-theo-o-duc-lam-gi-de-dinh-hinh-tuong-lai--i751304/