Hướng tuyến ngắn nhất, thẳng nhất có thể
Sáng 13/11, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng đã thừa ủy quyền của Thủ tướng trình Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
Theo tờ trình của Chính phủ, Dự án là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, là công trình có tính biểu tượng, ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, xã hội, chính trị, quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế.
Video tổng quan dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được chiếu tại Quốc hội
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng trình bày tờ trình chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
Theo tờ trình, Chính phủ kiến nghị xây dựng mới tuyến đường sắt đôi, khổ 1.435mm, điện khí hóa, tốc độ thiết kế 350km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; chiều dài chính tuyến khoảng 1.541km với 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa.
Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam phục vụ vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết.
Hướng tuyến được nghiên cứu, lựa chọn ngắn nhất có thể và thẳng nhất có thể, và đáp ứng các nguyên tắc: Phù hợp với quy hoạch, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, hạn chế đi qua các khu vực nhạy cảm về môi trường tự nhiên và khu vực tập trung đông dân cư.
Cạnh đó, hướng tuyến dự án bảo đảm liên kết hành lang Đông - Tây, các tuyến đường sắt kết nối Trung Quốc, Lào, Campuchia.
Hướng tuyến tại tờ trình đã được 20/20 tỉnh, thành phố có tuyến đường sắt tốc độ cao đi qua thống nhất.
Cụ thể là qua: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, TP.HCM.
Ảnh minh họa tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Dự án đề xuất sử dụng 3 loại kết cấu chính trên tuyến, kết cấu cầu khoảng 60% chiều dài tuyến; kết cấu hầm khoảng 10% chiều dài tuyến; kết cấu nền đất khoảng 30% chiều dài tuyến.
Kết cấu cầu được áp dụng trong trường hợp tuyến đi qua khu vực đô thị, đông dân cư, vượt sông, đất yếu và các vị trí giao với các công trình khác (đường sắt hiện tại, đường bộ...).
Kết cấu hầm áp dụng khi tuyến đi qua khu vực đồi núi cao.
Kết cấu nền đất áp dụng khi tuyến đi qua khu vực dân cư thưa, không giao cắt với công trình khác, ít bị ảnh hưởng của lũ lụt, động đất, điều kiện địa chất ổn định.
Đoàn công tác đại biểu Quốc hội khảo sát hiện trường tại khu vực dự kiến đặt ga Nam Định đường sắt tốc độ cao (Ảnh: Tạ Hải).
Bố trí ga đảm bảo khả năng kết nối với hệ thống giao thông quốc gia
Về công trình ga, dự án đề xuất bố trí 23 ga hành khách, 5 ga hàng.
Bộ GTVT cho biết: "Nguyên tắc lựa chọn nhà ga là phải phù hợp với điều kiện hiện trạng, quy hoạch phát triển của địa phương, đặc biệt tại vị trí có nhu cầu vận tải đủ lớn".
Mỗi tỉnh bố trí 1 ga tiếp cận khu vực trung tâm đô thị, khu vực quy hoạch đô thị có tiềm năng phát triển, đảm bảo khả năng kết nối tốt với hệ thống giao thông quốc gia đặc biệt là hệ thống đường sắt quốc gia, giao thông công cộng.
Cự ly lựa chọn phải phù hợp nhằm tạo ra không gian phát triển mới, khai thác có hiệu quả nguồn lực quỹ đất đồng thời đảm bảo khai thác có hiệu quả hạ tầng, phương tiện, đảm bảo tác nghiệp kỹ thuật (bảo đảm khoảng cách tăng, giảm tốc).
Trong Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự kiến mỗi vị trí ga quy hoạch không gian vùng phụ cận từ 200-500ha (trừ ga Thủ Thiêm), gồm ba khu chức năng.
Trong đó, khu trực tiếp phục vụ đón, tiễn khách, quảng trường, bãi đỗ xe có diện tích 6-8ha, tương đồng với quy mô nhà ga 4 đường của các tuyến đường sắt tại: Trung Quốc, Indonesia, Hàn Quốc, Nhật Bản...
Khu vực dịch vụ, thương mại có diện tích từ 10-15ha; khu vực đô thị dịch vụ có diện tích 250-300ha.
Trong phạm vi dự án, sử dụng vốn đầu tư công để đầu tư khu chức năng trực tiếp phục vụ đón, tiễn khách, phần phục vụ cho mục đích dịch vụ, thương mại và khu phát triển TOD sẽ do địa phương kêu gọi nhà đầu tư thực hiện.
Riêng đối với ga Ngọc Hồi, là ga đầu mối đường sắt khu vực TP Hà Nội, được tích hợp với các tuyến đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia, được quy hoạch khoảng 250ha.
Ga Thủ Thiêm, tích hợp với các tuyến đường sắt đô thị, quy mô dự kiến khoảng 17,2ha.
Về tiến độ thực hiện dự án, dự kiến trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư vào quý IV/2024; hoàn thành công tác lập và phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật tổng thể (FEED) vào năm 2025-2026; triển khai giải phóng mặt bằng, đấu thầu lựa chọn nhà thầu, khởi công dự án vào năm 2027 và phấn đấu cơ bản hoàn thành toàn tuyến vào năm 2035.
Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án khoảng 1,7 triệu tỷ đồng (khoảng 67,34 tỷ USD), suất đầu tư dự án khoảng 43,7 triệu USD/km.
Bộ GTVT đánh giá đây là mức trung bình so với một số tuyến đường sắt tốc độ cao trên thế giới có cùng dải tốc độ khai thác khi quy đổi về thời điểm năm 2024.
19 chính sách đặc thù, đặc biệt
Để thực hiện thành công và sớm hoàn thành toàn bộ dự án như tiến độ dự kiến, Chính phủ đã đề xuất 19 chính sách đặc thù, đặc biệt.
Đó là: Chính sách về cơ cấu nguồn vốn cho dự án; về bố trí vốn và điều chỉnh kế hoạch đầu tư công để bố trí vốn cho dự án; về việc thẩm định khả năng cân đối vốn của dự án; về phát triển, khai thác quỹ đất và giá trị tăng thêm từ đất vùng phụ cận ga đường sắt tốc độ cao; về khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ dự án.
Chính sách về bãi đổ chất thải rắn xây dựng; phát triển khoa học, công nghệ và tuyển dụng đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực cho dự án; về phát triển công nghiệp và chuyển giao công nghệ; về việc phân chia dự án thành phần; về thẩm quyền quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án.
Về lựa chọn phương án kiến trúc nhà ga thuộc dự án; về công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng; về lập thiết kế kỹ thuật tổng thể (FEED) thay cho thiết kế cơ sở trong Báo cáo nghiên cứu khả thi; về chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác và tạm sử dụng rừng.
Về định mức, khoản mục chi phí; việc bố trí vốn cho dự án; cơ chế, chính sách bảo đảm phòng, chống lãng phí, tham nhũng, tiêu cực; về ban hành Nghị định để hướng dẫn triển khai các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt; về bổ sung cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt sau khi Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư dự án.
Được Thủ tướng ủy quyền báo cáo Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định: Với phạm vi, quy mô, tổng mức đầu tư đặc biệt lớn, thời gian thực hiện kéo dài, tính chất kỹ thuật phức tạp, công nghệ cao, nhiều lĩnh vực mới, lần đầu tiên thực hiện tại Việt Nam; năng lực, kinh nghiệm của tổ chức, cá nhân trong nước đối với việc tổ chức thực hiện Dự án có tính chất như vậy còn hạn chế; tại thời điểm quyết định chủ trương đầu tư chưa thể lường hết được các khó khăn, vướng mắc cũng như yêu cầu đòi hỏi các cơ chế, chính sách đặc thù đặc biệt để tổ chức thực hiện thành công Dự án theo tiến độ đề ra.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị khóa XIII đã cho phép ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt cho Dự án. Vì vậy, việc đề xuất 19 chính sách nêu trên là rất cần thiết.
Trang Trần
Phùng Đô