Dự luật dự kiến được đưa ra thảo luận tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV, với nhiều điểm mới đáng chú ý nhằm đổi mới toàn diện công tác quản lý, sử dụng và phát triển đội ngũ cán bộ, công chức.
Bộ trưởng Bộ Nội Vụ Phạm Thị Thanh Trà
Một trong những nội dung quan trọng được chỉnh lý trong bản dự thảo mới là tiếp tục giữ quy định về vị trí việc làm và ngạch công chức. Đây là căn cứ để đổi mới các khâu từ tuyển dụng, đánh giá, quy hoạch đến bổ nhiệm, điều động và đào tạo. Theo đó, khi được bố trí vào vị trí việc làm chuyên môn, nghiệp vụ hoặc chức vụ lãnh đạo, công chức sẽ được xem xét bổ nhiệm vào ngạch tương ứng, không còn phải qua kỳ thi nâng ngạch như hiện hành.
Vị trí việc làm được phân loại thành ba nhóm: lãnh đạo, quản lý; chuyên môn, nghiệp vụ; và hỗ trợ, phục vụ. Việc bố trí phải đảm bảo phù hợp với tiêu chuẩn về trình độ, gắn với sản phẩm và kết quả cụ thể, theo nguyên tắc "có vào có ra, có lên có xuống".
Dự thảo cũng quy định lại các ngạch công chức gồm: chuyên viên cao cấp và tương đương; chuyên viên chính và tương đương; chuyên viên và tương đương; cán sự và tương đương; nhân viên; và các ngạch khác theo quy định của Chính phủ. Điểm mới ở đây là bỏ quy định thi nâng ngạch, thay vào đó là việc xem xét bổ nhiệm ngạch phù hợp với vị trí được tuyển dụng hoặc điều động.
Về tuyển dụng, dự luật đổi mới phương thức theo hướng gắn với vị trí việc làm cụ thể. Cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng có thể thực hiện việc này cho tất cả các vị trí thuộc phạm vi quản lý. Người trúng tuyển sẽ được bổ nhiệm vào ngạch công chức phù hợp ngay mà không phải tập sự, nhằm đảm bảo sẵn sàng đáp ứng yêu cầu công việc.
Dự thảo cũng bãi bỏ quy định kiểm định chất lượng đầu vào công chức ở cấp quốc gia. Việc tuyển dụng sẽ được phân cấp mạnh cho các bộ, ngành, địa phương chịu trách nhiệm tổ chức theo thẩm quyền. Điều này nhằm hiện thực hóa tinh thần “Trung ương kiến tạo, địa phương chịu trách nhiệm”.
Công tác đánh giá cán bộ, công chức cũng được quy định lại theo hướng siết chặt, dựa vào kết quả thực chất, sản phẩm cụ thể, để làm cơ sở sàng lọc, loại bỏ các trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ, từng bước khắc phục tình trạng “biên chế suốt đời”.
Dự luật quy định tuyển dụng công chức được thực hiện qua hai hình thức: thi tuyển và xét tuyển. Với người có tài năng trong khu vực ngoài công lập, người làm việc trong lực lượng vũ trang, cơ yếu hoặc doanh nghiệp, việc tuyển dụng được thực hiện qua hình thức tiếp nhận.
Cơ quan quản lý công chức được trao quyền hoặc phân cấp cho các cơ quan sử dụng trực tiếp thực hiện việc tuyển dụng, bổ nhiệm và xếp lương ngạch phù hợp đối với người trúng tuyển.
Với hàng loạt điều chỉnh quan trọng, dự luật mới kỳ vọng sẽ tạo đột phá trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, đảm bảo hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước trong bối cảnh cải cách thể chế và hiện đại hóa nền công vụ.
Hoàng Minh