Năm 2024: Đạt và vượt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu chủ yếu
Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) năm 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, năm 2024, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, tình hình kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục phục hồi rõ nét, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực, nhất là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhưng vẫn kiểm soát tốt lạm phát, không để đời sống nhân dân bị ảnh hưởng, khắc phục kịp thời hậu quả thiên tai, nhất là cơn bão số 3.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.
Việt Nam đã đạt và vượt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó có 12 chỉ tiêu vượt mục tiêu đề ra. Đáng chú ý là chỉ tiêu tăng năng suất lao động vượt kế hoạch đề ra, sau ba năm không đạt.
Thủ tướng nhấn mạnh, năm 2024, kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, bội chi, nợ công được kiểm soát tốt. Kinh tế phục hồi mạnh mẽ, tốc độ tăng GDP đạt 7,09%, cao nhất trong khu vực và thuộc nhóm có tốc độ tăng trưởng cao trên thế giới, nâng quy mô nền kinh tế lên 476,3 tỷ USD, tăng ba bậc, vươn lên vị trí thứ 32 thế giới. GDP bình quân đầu người năm 2024 đạt 4.700 USD, tiếp cận ngưỡng thu nhập trung bình cao . Lạm phát được kiểm soát ở mức 3,63%.
Kinh tế khởi sắc ngay đầu năm 2025
Quang cảnh Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.
Báo cáo của Chính phủ cũng chỉ rõ, tình hình kinh tế trong những tháng đầu năm 2025 có nhiều khó khăn. Các yếu tố quốc tế như việc Hoa Kỳ công bố chính sách thuế đối ứng, khủng hoảng chuỗi cung ứng và căng thẳng trong quan hệ thương mại quốc tế đang tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, Chính phủ đã chủ động và linh hoạt trong các biện pháp ứng phó, với mục tiêu bám sát các nghị quyết của Đảng, Quốc hội và các chỉ đạo của Tổng Bí thư.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh, trước việc Hoa Kỳ công bố chính sách thuế quan mới, chúng ta đã bình tĩnh, bản lĩnh, chủ động tiến hành đồng bộ nhiều biện pháp ứng phó kịp thời, linh hoạt, phù hợp với tinh thần “lợi ích hài hòa - rủi ro chia sẻ” và đạt kết quả bước đầu tích cực khi Việt Nam là một trong những nước đầu tiên Hoa Kỳ đồng ý đàm phán.
Mặc dù gặp thách thức, nhưng kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng mạnh mẽ trong quý I/2025 với mức tăng 6,93%, cao nhất trong 5 năm qua. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trong bốn tháng đầu năm 2025 đạt trên 275 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước.
Thủ tướng cũng chỉ rõ một số hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới. Đó là sức ép điều hành kinh tế vĩ mô, đặc biệt về lãi suất, tỷ giá và kiểm soát lạm phát. Các doanh nghiệp trong nước vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Bên cạnh đó, các động lực tăng trưởng truyền thống vẫn chưa đạt kỳ vọng. Việc giải ngân vốn đầu tư công còn chậm và chưa đạt yêu cầu, làm giảm hiệu quả trong việc phát triển các dự án trọng điểm.
Thủ tướng cũng chỉ ra rằng cần tiếp tục thúc đẩy công tác phòng chống dịch bệnh, nhất là trong bối cảnh các bệnh truyền nhiễm có thể quay trở lại. Các chính sách hỗ trợ an sinh xã hội, đặc biệt là hỗ trợ cho người lao động và các đối tượng khó khăn, cần được triển khai mạnh mẽ hơn nữa để bảo đảm sự ổn định và phát triển lâu dài.
11 nhiệm vụ giải pháp trọng tâm trong năm 2025
Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo 11 nhiệm vụ trọng tâm cho năm 2025, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc gia và nâng cao đời sống nhân dân, cụ thể gồm:
1. Ứng phó với tình hình quốc tế và ổn định kinh tế vĩ mô: Theo dõi sát các biến động quốc tế, đặc biệt là chính sách thuế của Hoa Kỳ, để điều chỉnh chính sách trong nước. Ưu tiên tăng trưởng gắn với kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm cân đối ngân sách. Thực hiện mở rộng cơ sở thu và chống thất thu thuế, phấn đấu tăng thu ngân sách nhà nước trên 15%.
2. Thể chế hóa các Nghị quyết của Bộ Chính trị: Triển khai quyết liệt các Nghị quyết về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia, hội nhập quốc tế và phát triển kinh tế tư nhân. Tiến hành sửa đổi các luật để tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực, giải phóng năng lực sản xuất xã hội.
3. Cải cách hành chính và quản trị nhà nước: Rà soát, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tổ chức chính quyền địa phương và cải cách thủ tục hành chính. Bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện đầu tư kinh doanh và giảm chi phí thủ tục hành chính.
4. Cơ cấu lại nền kinh tế: Triển khai mô hình tăng trưởng mới dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Phát triển các thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp minh bạch, bền vững, phấn đấu nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.
5. Phát triển hạ tầng giao thông: Hoàn thành mục tiêu có trên 3.000 km đường cao tốc và 1.000 km đường ven biển. Đẩy nhanh tiến độ các dự án đường cao tốc Bắc-Nam, các tuyến đường sắt, và các dự án quan trọng khác.
6. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao: Tăng cường đào tạo nhân lực trong các ngành công nghệ cao, như trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, chip bán dẫn. Ban hành chính sách cho vay ưu đãi cho học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh trong các ngành này.
7. Phát triển văn hóa và đời sống tinh thần: Tăng cường các hoạt động văn hóa, đặc biệt là công nghiệp văn hóa và giải trí. Đẩy mạnh các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện trọng đại của đất nước.
8. Ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường: Xây dựng hệ thống thông tin cảnh báo thiên tai và đẩy mạnh dự báo, ứng phó kịp thời với thiên tai, mưa bão.
9. Quốc phòng, an ninh: Hoàn thiện các chiến lược về quốc phòng, an ninh, không để xảy ra tình trạng bất ngờ. Tiếp tục hiện đại hóa quân đội, phát triển khoa học công nghệ quân sự. Tăng cường công tác phòng chống tội phạm và bảo đảm an ninh trật tự.
10. Đối ngoại: Kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa và đa phương hóa quan hệ quốc tế. Triển khai các hoạt động đối ngoại cấp cao, thúc đẩy quan hệ song phương và đa phương.
11. Thông tin tuyên truyền: Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền để tạo động lực xã hội, khuyến khích sáng tạo, đổi mới. Đẩy mạnh truyền thông các chính sách về phát triển kinh tế, an ninh quốc phòng và các sự kiện quan trọng của đất nước trong năm 2025.
Những nhiệm vụ này sẽ là nền tảng vững chắc để Việt Nam tiếp tục phát triển bền vững trong năm 2025.
Trần Nam