Cô Đình Thị Thủy hướng dẫn học trò trong giờ Ngữ văn.
Hiểu đúng cấu trúc đề thi
Với mục tiêu phát triển năng lực, phẩm chất của Chương trình GDPT 2018, cấu trúc đề thi môn Ngữ văn có độ phủ cân bằng ở yêu cầu về kỹ năng đọc hiểu - viết, ở kiến thức, tư duy vấn đề xã hội và vấn đề văn học.
Cụ thể, đề gồm 2 phần:
Phần I - Đọc hiểu (4 điểm) với ngữ liệu là căn bản văn học (thơ/truyện/kí) hoặc văn bản thông tin, văn bản nghị luận. Phần này có 5 câu hỏi có 3 mức độ: Nhận biết - thông hiểu - vận dụng.
Phần II - Viết (6 điểm) với cấu trúc linh hoạt theo văn bản đọc hiểu ở phần I. Nếu phần I là văn bản văn học thì Phần II gồm: - Viết đoạn nghị luận văn học (2 điểm); viết bài nghị luận xã hội (4 điểm).
Nếu phần I là văn bản nghị luận, văn bản thông tin thì Phần II gồm: Viết đoạn nghị luận xã hội (2 điểm); viết bài nghị luận văn học (4 điểm).
Hệ thống hóa kiến thức, kỹ năng
Học sinh đã được cung cấp tri thức nền trong từng bài học cụ thể. Ở giai đoạn cuối, các em cần biết tổng hợp tri thức nền, kỹ năng (công thức) làm các phần/loại câu hỏi trong phần I (Đọc hiểu), II (Viết) của đề.
Với kiến thức về văn học, các em cần hiểu đúng, trọng tâm các đặc trưng về hình thức, nội dung các thể loại văn học: thơ, truyện, kí, kịch.
Kiến thức về bản thông tin, nghị luận, cần hiểu rõ ý nghĩa nhan đề, luận đề, luận điểm, lý lẽ, bằng chứng, phương tiện phi ngôn ngữ, thái độ tác giả…
Kiến thức về tiếng Việt: Chú ý các biện pháp tu từ (tất cả các biện pháp tu từ, chú ý các tri thức mới như: hiện tượng phá vỡ quy tắc ngôn ngữ thường, biện pháp nói mỉa, nghịch ngữ, thủ pháp mơ hồ hóa, một số biện pháp làm tăng tính khẳng định, phủ định…); nghĩa của từ, từ Hán Việt; các lỗi về từ, câu, sử dụng cước chú, thành phần tỉnh lược…
Học sinh cần nhuần nhuyễn kỹ năng đọc các loại văn bản, kỹ năng viết nghị luận văn học, nghị luận xã hội ở cả hai dạng viết bài và viết đoạn (vì cấu trúc đề thi Bộ GD&ĐT công bố linh hoạt - như đã trình bày ở phần trên). Các kỹ năng này học sinh đều được trang bị trong các giờ học trên lớp.
Xây dựng lộ trình học tập
Sau khi tổng hợp tất cả kiến thức, kỹ năng, học sinh nên xây dựng một lộ trình học tập theo giai đoạn, lập kế hoạch chi tiết cho việc học trong tuần/tháng. Ví dụ:
Tuần 1: Tổng hợp kiến thức, kỹ năng.
Tuần 2: Ôn kiến thức, kỹ năng đọc hiểu và kết hợp luyện đề theo cấu trúc đề thi.
Tuần 3: Ôn kiến thức, kỹ năng viết đoạn nghị luận xã hội và kết hợp luyện đề theo cấu trúc đề thi.
Tuần 4: Ôn kiến thức, kỹ năng viết bài nghị luận xã hội và kết hợp luyện đề theo cấu trúc đề thi.
Tuần 5: Ôn kiến thức, kỹ năng viết đoạn nghị luận văn học và kết hợp luyện đề theo cấu trúc đề thi.
Tuần 6: Ôn kiến thức, kỹ năng viết bài nghị luận văn học và kết hợp luyện đề theo cấu trúc đề thi.
Các tuần còn lại: Luyện đề tổng hợp trên giấy thi (như giấy thi của Bộ GD&ĐT), bổ sung kiến thức, kỹ năng còn thiếu (dưới sự hỗ trợ của thầy cô); đọc tham khảo các văn bản ngoài chương trình theo thể loại, cập nhật thông tin thời sự, đáng bàn luận…
Lưu ý: Các bài làm nên có hoạt động chấm/đánh giá chéo với bạn, có hoạt động chấm/đánh giá của thầy cô.
Lưu ý khi làm bài
Với phần Đọc hiểu, các em trả lời ngắn gọn, đúng, trúng, đủ.
Viết nghị luận: Đảm bảo cấu trúc của đoạn/bài, giải quyết đúng, sâu sắc vấn đề cần nghị luận, luận điểm sáng rõ, giữa các luận điểm có sự liên kết mạch lạc, kết hợp lý lẽ, bằng chứng, có tư duy phản biện.
Ngoài ra, học sinh cần chú ý kỹ năng trình bày trong bài làm. Các em nên thực hành viết trên giấy thi giai đoạn luyện đề tổng hợp, đảm bảo các yêu cầu: Ghi rõ các phần, mục, câu; căn lề phẳng, đẹp, hạn chế tối đa việc gạch xóa; khi ngắt đoạn nên lùi đầu dòng khoảng 2cm.
Một số lưu ý chung quan trọng
Không có “bí quyết” từ ‘trên trời” rơi xuống, bí quyết quan trọng nhất nằm trong nguồn năng lượng nội tại của mỗi học sinh. Xác lập được tâm thế đúng, tư duy và thái độ tích cực trong quá trình học sẽ là “bí quyết” cho các em thành công trong kỳ thi. Vì vậy, các em hãy:
Chủ động trau dồi tri thức, kỹ năng (bám sát yêu cầu được thể hiện trong SGK), chủ động thực hành, luyện tập và rút kinh nghiệm sau mỗi bài làm.
Không chủ quan, thiên lệch trong học, ôn tập: Ví dụ, học sinh có thể dự đoán đề khả năng cao viết bài nghị luận xã hội nên không tập trung ôn dạng bài nghị luận văn học. Cần học và ôn toàn bộ thể loại, kiến thức, kỹ năng, nhất là trong chương trình lớp 11, 12.
Chú trọng phát huy tư duy logic và tư duy phản biện. Đề thi theo Chương trình 2018 tập trung kiểm tra, đánh giá năng lực, phẩm chất của học sinh. Vì vậy, ngoài việc trau dồi ngôn ngữ, sự sáng tạo trong diễn đạt. Yêu cầu đầu tiên là các câu trả lời của học sinh phải đảm bảo hệ thống ý, các ý logic, biện chứng; sử dụng tư duy phản biện trong lập luận, biện giải các vấn đề một cách sâu sắc, trọn vẹn.
Với Chương trình Ngữ văn 2018, Bộ GD&ĐT đã nêu rõ mục tiêu và triển khai cụ thể nội dung chương trình (qua các bộ sách giáo khoa) và công bố rõ cấu trúc đề thi. Vì vậy, chắc chắn sẽ không xuất hiện đề thi “đánh đố” học sinh. Điều quan trọng là các em nắm chắc kiến thức cơ bản, học đúng, học sâu các nội dung trọng tâm, luyện kỹ năng thành thục và phát huy tối đa năng lực, dấu ấn cá nhân trong bài làm, các em chắc chắn chinh phục được môn Ngữ văn trong kỳ thi sắp tới.
Hải Bình