Vấn đề xử lý, sắp xếp tài sản công, trụ sở làm việc để tránh lãng phí là mối quan tâm chung của chính quyền và người dân ở những nơi có thay đổi về tổ chức hành chính. Ghi nhận tại nhiều xã, phường cho thấy, các đơn vị đã chủ động rà soát, đề xuất phương án bố trí, cải tạo trụ sở khoa học, hợp lý, đảm bảo sử dụng hiệu quả, tiết kiệm.
Người dân đến thực hiện các thủ tục hành chính tại Trung tâm phục vụ hành chính công phường Tây Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, sáng 1/7.
Bố trí trụ sở làm việc lấy người dân làm trung tâm
Xã Gia Lâm mới được thành lập trên cơ sở nhập nguyên trạng ba xã Gia Lâm, Xích Thổ và Gia Sơn, với tổng diện tích khoảng 37 km², dân số hơn 20.000 người. Sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Ninh Bình, chính quyền địa phương đã nhanh chóng ổn định tổ chức, vận hành theo mô hình mới.
Đối với tài sản công, xã đã và đang tiến hành bàn giao để thực hiện việc sắp xếp, bố trí hiệu quả hơn. Về trụ sở làm việc, khối Đảng được bố trí tại trụ sở xã Gia Lâm cũ; khối chính quyền gồm HĐND và UBND làm việc tại trụ sở xã Xích Thổ cũ. Cả hai trụ sở này đều được đầu tư xây dựng trong chương trình nông thôn mới và cơ bản đáp ứng điều kiện vận hành. Trụ sở xã Gia Sơn cũ được giao cho Công an xã quản lý, sử dụng. Việc phân bố chức năng tại các điểm trụ sở tạo thuận lợi cho người dân ở các vùng khác nhau tiếp cận dịch vụ hành chính, giảm chi phí, thời gian đi lại.
Ông Bùi Tuấn Vương, Chủ tịch UBND xã Gia Lâm cho biết, nơi đây có địa hình đồi núi, giáp tỉnh Phú Thọ, dân cư phân bố rộng, có đông đồng bào dân tộc sinh sống. Do đó, việc bố trí trụ sở làm việc phải bảo đảm hợp lý, hiệu quả, lấy người dân làm trung tâm, phục vụ tốt hơn. Xã căn cứ vào quy mô dân số, diện tích, khoảng cách giữa các vùng dân cư để sắp xếp trụ sở phù hợp, giúp người dân ở xa trung tâm vẫn thuận tiện khi cần giải quyết thủ tục hành chính.
Ông Vũ Văn Lai, người dân thôn Hạnh Phúc, xã Gia Lâm cho rằng, việc đặt Trung tâm phục vụ hành chính công tại trụ sở xã Xích Thổ cũ là hợp lý, vì nơi đây trước khi hợp nhất là xã có diện tích lớn, dân cư đông. Trung tâm được đặt tại đây đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc giải quyết công việc hành chính.
Tận dụng cơ sở hiện có, giảm chi phí đầu tư mới
Xã Gia Tường mới được thành lập trên cơ sở hợp nhất ba xã Gia Thủy, Gia Tường và Đức Long, gồm 31 thôn với hơn 19.500 nhân khẩu. Theo phương án sắp xếp, trụ sở UBND xã Gia Tường cũ được chọn làm nơi làm việc của HĐND và UBND xã mới, còn trụ sở xã Đức Long cũ được bố trí cho Đảng ủy xã. Trụ sở xã Gia Thủy cũ, sau khi rà soát, được chuyển giao cho lực lượng Công an xã sử dụng. Đến thời điểm này các trụ sở đã được sắp xếp khoa học, đảm bảo cho sự vận hành thông suốt của mô hình chính quyền mới.
Theo ông Phạm Văn Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Gia Tường, việc lựa chọn, sắp xếp trụ sở dựa trên điều kiện địa lý và thực tế vận hành, tuân thủ tinh thần tiết kiệm, chống lãng phí tài sản công. Các trụ sở không còn là trung tâm hành chính được khai thác hiệu quả để phục vụ nhiệm vụ khác, đồng thời công khai minh bạch quá trình sử dụng để nhân dân và các đoàn thể tham gia giám sát.
Các đơn vị hành chính của xã Gia Tường đều nằm trong vùng phân lũ, chậm lũ của tỉnh Ninh Bình, mỗi khi xảy ra mưa lớn thường bị ngập lụt, nên việc lựa chọn vị trí trụ sở được nghiên cứu kỹ, đảm bảo phù hợp với điều kiện thời tiết, địa hình, thuận tiện cho việc vận hành ổn định, lâu dài.
Việc hợp nhất các xã giúp mở rộng quy mô đơn vị hành chính, tăng hiệu quả quản lý nhà nước, thuận lợi trong hoạch định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và thu hút đầu tư. Tuy nhiên, tổng số đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Ninh Bình giảm từ 398 xuống còn 129, như vậy số lượng tài sản công cần sắp xếp sẽ rất lớn, nếu không quản lý tốt dễ dẫn đến lãng phí, thất thoát.
Tỉnh Ninh Bình đã chỉ đạo các sở, ngành phối hợp chặt chẽ với địa phương rà soát hiện trạng hạ tầng, đề xuất bố trí trụ sở phù hợp, đồng thời nghiên cứu phương án sử dụng cơ sở vật chất của các cơ quan cấp huyện cũ, sau khi bỏ cấp trung gian để phục vụ nhu cầu của chính quyền cấp xã hoặc các cơ quan, tổ chức có liên quan.
Việc bố trí, sử dụng tài sản công cần được đẩy mạnh hơn nữa nhằm bảo đảm lộ trình đúng quy định, phù hợp điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương cũng như tạo sự ổn định của đơn vị trong bối cảnh sắp xếp, tinh gọn bộ máy hiện nay.
Bài và ảnh: Thùy Dung (TTXVN)