Sau hơn 2 tuần chuyển sang mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, TP HCM đang chứng kiến những chuyển động mạnh mẽ từ cấp cơ sở. Không chỉ bộ máy được tinh gọn, hiệu quả mà mỗi cán bộ, công chức cũng đang tự đổi mới mình để gần dân, sát dân và phục vụ tốt hơn.
Chủ động từng đầu việc
Ông Nguyễn Đức Trí, Chủ tịch UBND phường Tân Hưng, cho biết đặc thù của phường là đông dân với hơn 182.000 người và nằm ở vị trí thuận lợi để thực hiện các hồ sơ phi địa giới. Do đó, mỗi ngày, phường Tân Hưng tiếp nhận lượng hồ sơ rất lớn.
"Phường không chỉ tiếp nhận, giải quyết hồ sơ cho người dân trên địa bàn phường mà còn tiếp nhận, giải quyết hồ sơ cho người dân các địa phương lân cận. Trong những ngày đầu hoạt động, Trung tâm phục vụ hành chính công của phường cũng có lúc bị quá tải" - ông Nguyễn Đức Trí bày tỏ.
Để khắc phục, phường Tân Hưng đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có việc tăng số lượng quầy tiếp nhận hồ sơ từ 6 lên 14 quầy. Với những mảng có lượng hồ sơ lớn như nhà đất, phường bố trí thêm cán bộ để tiếp nhận, giải quyết.
Song song đó, phường tổ chức tập huấn, đào tạo đội ngũ cán bộ để đáp ứng được công việc. Đặc biệt, phường Tân Hưng đầu tư kinh phí để trang bị ki-ốt thông minh, hỗ trợ giải quyết thủ tục hành chính tiện lợi, dễ sử dụng.
"Việc người dân điền thông tin vào các biểu mẫu, tờ khai bằng cách viết tay sẽ tốn nhiều thời gian. Với ki-ốt thông minh này, người dân chỉ cần đưa CCCD gắn chip vào máy, hệ thống sẽ tự động nhận diện thông tin cá nhân, tự động điền các biểu mẫu, tờ khai cần thiết.
Thay vì tốn khoảng 15 phút theo cách truyền thống, người dân chỉ mất khoảng 1 phút là đã hoàn thành các biểu mẫu, tờ khai. Nhờ vậy, dù lượng người đến làm thủ tục đông nhưng không xảy ra tình trạng ùn ứ" - ông Trí nói.
Xã Tân Vĩnh Lộc có quy mô dân số khoảng hơn 180.000 người, chia thành 81 ấp. Theo ông Nguyễn Thành Nhân, Chủ tịch UBND xã, việc quản lý một xã lớn, đông dân hơn kéo theo khối lượng công việc tăng cao. Những ngày đầu sáp nhập, bản thân ông cũng có nhiều lo lắng, áp lực.
"Nhưng tôi hiểu đây chỉ là thời gian đầu, phải thay đổi bản thân để có sự thích nghi về lâu dài; phải luôn học hỏi không chỉ qua các lớp tập huấn, các khóa học dành cho cán bộ mà còn từ các cán bộ đi trước, lắng nghe tâm tư của anh em đơn vị, nỗi lòng của người dân…" - ông Nhân chia sẻ.
Cũng nhờ vậy, sau 2 tuần, với sự chủ động và điều phối hợp lý, ông cùng đội ngũ cán bộ xã Tân Vĩnh Lộc đã thích nghi nhanh chóng, duy trì hiệu quả năng suất làm việc.
Là một trong số hơn 30 cán bộ được TP HCM điều động về giữ vai trò lãnh đạo tại địa phương sau sắp xếp để "tiếp sức" cho bộ máy cơ sở, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Tân Hòa Phan Kiều Thanh Hương (nguyên Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP HCM) thừa nhận việc vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, một mô hình hoàn toàn mới, đặt ra nhiều khó khăn, thử thách cho bản thân bà. Dù vậy, ở vai trò mới, bản thân bà có nhiều thuận lợi hơn là khó khăn.
"Việc vận hành mô hình mới buộc người lãnh đạo phải mang trong mình nguồn năng lượng mới, chủ động, sáng tạo và tinh thần vững. Phải luôn trăn trở trước những vấn đề của địa phương để từ đó biến thành hành động thực tế, đưa ra các giải pháp để thực hiện đúng nguyện vọng, mong chờ từ người dân" - bà Hương nói.
Khối lượng công việc tăng cao, cán bộ công chức phải đổi mới cách làm để phục vụ người dân tốt hơn. Trong ảnh: Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Vũng Tàu. Ảnh: BÍCH NGỌC
Cập nhật kiến thức, nâng cao kỹ năng
Bà Nguyễn Thanh Xuân, Bí thư Đảng ủy phường Xuân Hòa, phân tích việc đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp là cơ hội để chính quyền địa phương cấp xã, nơi gần dân, sát dân nhất, có điều kiện mở rộng về quy mô tổ chức hoạt động.
Đồng thời, tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc trong cơ chế, thẩm quyền của cấp xã khi thực hiện các công việc hành chính, giúp cho chính quyền thuận lợi hơn trong thực hiện các nhiệm vụ ở địa phương, phục vụ tốt nhất, nhanh nhất và hiệu quả nhất cho nhân dân.
"Việc sắp xếp đơn vị hành chính, tổ chức bộ máy thời gian qua đã góp phần nâng cao hơn ý thức trách nhiệm, sự tận tâm, chủ động, sáng tạo, nhiệt huyết của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đối với công việc nhằm hướng tới xây dựng địa phương phát triển bền vững, xây dựng chính quyền vì nhân dân phục vụ" - bà Xuân đánh giá.
Để triển khai có hiệu quả mục tiêu xây dựng chính quyền số, công dân số, hướng tới một xã hội số toàn diện và nhằm hưởng ứng tích cực phong trào "Bình dân học vụ số" của Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM, Đảng ủy phường Xuân Hòa đã xây dựng Đề án Trung tâm học tập cộng đồng trên nền tảng số.
Trên mặt trận thông tin, tuyên truyền, phường tiến hành xây dựng trang fanpage trên mạng xã hội Facebook, tài khoản chính thức Zalo và trang tin điện tử Đảng ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ phường Xuân Hòa, thống nhất các cơ quan, đơn vị của phường sử dụng chung các tài khoản để phục vụ cho công tác truyền thông, tuyên truyền những hoạt động của phường.
Là chuyên viên Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Bến Thành, chị Nguyễn Ngọc Cẩm cho biết hiện cấp phường được giao giải quyết 363 thủ tục hành chính, khối lượng công việc tăng lên đáng kể, đòi hỏi cán bộ, công chức không chỉ được tập huấn bài bản mà còn phải chủ động cập nhật kiến thức, nâng cao kỹ năng xử lý tình huống để phục vụ người dân tốt nhất.
"Mỗi cán bộ, công chức đều ý thức rất rõ vai trò của mình. Làm sao để người dân đến đây cảm thấy được lắng nghe, được giúp đỡ và quan trọng nhất là được phục vụ nhanh chóng, đúng quy định" - chị Cẩm bày tỏ.
Người dân được cán bộ hướng dẫn cách sử dụng ki-ốt tiếp dân thông minh tại Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Xuân Hòa. Ảnh: QUỲNH TRÂM
Tự tin nhờ kinh nghiệm tích lũy
Gắn bó với UBND quận 1 (cũ) hơn 20 năm trước khi chuyển về phường Bến Thành, chị Nguyễn Ngọc Cẩm kể nhờ có nhiều năm công tác ở cấp quận nên khi chuyển về cấp phường, chị không bỡ ngỡ với các thủ tục hành chính mới.
Thậm chí, với vốn kinh nghiệm tích lũy qua nhiều năm trực tiếp làm việc tại bộ phận một cửa của UBND quận 1 (cũ), chị nhanh chóng nắm bắt được sự thay đổi về thẩm quyền và quy trình công việc tại cấp phường.
Không chỉ tự tin trong xử lý hồ sơ, chị còn thường xuyên chủ động hướng dẫn, hỗ trợ đồng nghiệp mới trong việc giải quyết các thủ tục mới phát sinh, góp phần tạo nên sự phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả trong bộ máy hành chính tại địa phương.
"Mô hình chính quyền địa phương 2 cấp hướng đến hiệu quả, hiệu năng, gần dân, sát dân. Những người làm công vụ, vì vậy, cũng phải không ngừng học hỏi, năng động, sáng tạo hơn để đáp ứng yêu cầu công việc của bộ máy mới" - chị Nguyễn Ngọc Cẩm nói.
Đề xuất bố trí quầy tiếp nhận, trả kết quả
Theo ông Nguyễn Đoàn Tiết Phương, Phó Bí thư phường Phú Mỹ, đội ngũ cán bộ hiện nay có sự kết hợp giữa người đã có kinh nghiệm và những nhân sự mới được điều chuyển từ các địa phương khác. Điều này giúp cán bộ địa phương hỗ trợ nhau tốt hơn trong công việc.
Tuy nhiên, dù tinh thần làm việc rất khẩn trương nhưng khối lượng công việc quá lớn, cán bộ mong muốn được hỗ trợ thường xuyên các lớp tập huấn về nghiệp vụ; đồng thời bố trí nhân sự, quầy tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ chuyên ngành ngay tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của phường.
Việc này không chỉ giúp giảm tải cho bộ máy phường mà còn mang lại thuận tiện cho người dân cư trú tại địa phương trong việc giải quyết thủ tục hành chính.
(Còn tiếp)
__________
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 14-7
Nhóm Phóng viên