Qua đó, thể hiện rõ tầm nhìn chiến lược, tư duy đột phá và quyết tâm chính trị cao của Đảng, Nhà nước, sẵn sàng bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Tư duy chiến lược, hành động đổi mới
Cùng một thời điểm, một mô hình chính quyền đồng bộ được kích hoạt tại 34 tỉnh, thành phố - thể hiện quyết tâm đổi mới mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước, bắt đầu từ tầm nhìn chiến lược và tư duy đột phá của Trung ương. Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “Chúng ta bước vào giai đoạn phát triển mới không chỉ với niềm tự hào, mà với trách nhiệm lớn lao trước Tổ quốc và các thế hệ mai sau”. Thực tiễn đổi mới tổ chức bộ máy hành chính lần này là kết tinh trí tuệ, bước đi bản lĩnh nhằm hướng tới một nền hành chính phục vụ hiện đại, minh bạch, hiệu quả, phục vụ người dân tốt hơn, gần dân hơn và hành động thiết thực hơn.
Sự kiện công bố mô hình chính quyền địa phương 2 cấp tại thành phố mang tên Bác nhận được sự đồng thuận và kỳ vọng lớn từ Nhân dân; bà Nguyễn Thị Mai, cử tri phường Sài Gòn, phường mới phấn khởi chia sẻ: chúng tôi mong mô hình này sẽ mang lại bộ máy tinh gọn, giảm tầng nấc trung gian, để việc giải quyết công việc của dân nhanh hơn, thuận tiện hơn. Những cải cách này phải đi vào đời sống.
Trung tâm phục vụ hành chính công phường Bắc Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh bố trí đủ công chức phục vụ nhân dân kịp thời. Ảnh: B. Nguyên
Còn ông Trần Minh Khang, một doanh nhân tại phường mới Hòa Hiệp Bắc, thành phố Đà Nẵng đánh giá cao quyết sách này bởi không gian phát triển sẽ được mở rộng khi phường rộng hơn. Doanh nghiệp kỳ vọng sự chuyển mình từ mô hình tổ chức đến phong cách làm việc. Khi bộ máy rõ chức năng, vận hành linh hoạt, thì thủ tục hành chính sẽ minh bạch hơn, tạo môi trường đầu tư hấp dẫn và bền vững. Đặc biệt, điều nhiều doanh nghiệp quan tâm chính là không gian phát triển của địa phương. Hành lang pháp lý thông thoáng cùng với không gian phát triển rộng rãi hơn sẽ là “chìa khóa” để doanh nghiệp phát triển, hướng tới tham gia cùng Nhà nước quản trị xã hội, đóng góp tích cực vào công cuộc số hóa nền kinh tế, xây dựng chính quyền số, xã hội số.
Sự vận hành chính quyền địa phương 2 cấp tại các đô thị lớn, nơi dân số đông, mức độ đô thị hóa cao, yêu cầu cung cấp dịch vụ công nhanh và chính xác, sẽ là thước đo năng lực quản trị hiện đại của bộ máy hành chính. Đây cũng là phép thử cho năng lực của đội ngũ cán bộ - như lời Tổng Bí thư căn dặn: “Hãy để mỗi ngày làm việc là một ngày kiến tạo. Hãy để mỗi người là một chiến sĩ trên mặt trận đổi mới. Hãy để tinh thần cách mạng tấn công mạnh mẽ, quyết liệt và sáng tạo, thấm đẫm hồn dân tộc trong từng hành động, từng quyết sách và từng bước phát triển đi lên”.
Đến một nền hành chính phục vụ thực chất
Không thể có một nền hành chính hiện đại nếu thiếu cơ chế tổ chức linh hoạt, tinh gọn và lấy người dân làm trung tâm. Việc tổ chức lại đơn vị hành chính 2 cấp gắn với sắp xếp, tinh gọn bộ máy tại các địa phương là điều kiện để thiết lập nền tảng thể chế đồng bộ, khoa học và hiệu lực hơn.
Mô hình chính quyền địa phương 2 cấp được kỳ vọng sẽ mang đến ba chuyển biến lớn: tăng cường quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình; cải thiện hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực và nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân - từ những việc nhỏ nhất. Như Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: “Việc tổ chức lại địa giới hành chính, vận hành mô hình chính quyền địa phương mới là yêu cầu khách quan và tất yếu của sự nghiệp phát triển đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa, chuyển đổi số và cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư. Đây là cơ hội quý để chúng ta đổi mới tư duy lãnh đạo, đổi mới phương thức quản lý nhà nước, ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, nâng cao chất lượng quản trị quốc gia và tăng cường hiệu quả phục vụ nhân dân”.
Hành trình đổi mới mô hình chính quyền chính là đổi mới cách nghĩ, cách làm và cách phục vụ. Đây không chỉ là công việc của các cấp chính quyền, mà là nhiệm vụ chung của toàn dân, toàn hệ thống chính trị - mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, người dân đều có vai trò trong guồng máy cải cách mạnh mẽ này. Chính điều đó tạo nên “sức mạnh vô địch của nhân dân ta” - như Tổng Bí thư đã nhấn mạnh trong thông điệp gửi toàn dân tộc.
Là một trong số hàng triệu cán bộ, công chức tiếp tục được công tác, cống hiến tại cấp chính quyền gần dân nhất - cấp xã, bà Trần Thị Thu Huyền, công chức Văn phòng HĐND và UBND (phụ trách lĩnh vực tư pháp, hộ tịch) phường Nam Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh xúc động: tôi thấy vinh dự, tự hào nhưng cũng thấy rõ trọng trách lớn lao của mỗi một cán bộ, công chức cấp xã như tôi. Từ đó, xác định cho mình muốn không bị đánh bật ra khỏi hàng ngũ chỉnh tề ấy, phải trau dồi chuyên môn, đạo đức, vừa hồng, vừa chuyên để hoàn thành tốt nhiệm vụ cách mạng mới vinh quang, phục vụ Nhân dân tốt nhất.
Từ đồng bằng đến vùng cao, từ đô thị lớn đến các xã miền biển, từ người dân đến trí thức, doanh nghiệp, văn nghệ sĩ, lực lượng vũ trang - tất cả đều được truyền cảm hứng để cùng nhau góp sức, góp trí dựng xây nền hành chính mới, hướng đến mục tiêu cao nhất: phục vụ nhân dân, vì một Việt Nam dân chủ, công bằng, văn minh và hạnh phúc; đã đến lúc mỗi quyết định hành chính phải gắn với hiệu quả thực tế, mỗi cán bộ phải sát dân, hiểu dân và phụng sự dân. Chính quyền địa phương 2 cấp không phải là đích đến cuối cùng, mà là điểm khởi đầu cho một nền hành chính hiện đại, minh bạch và kiến tạo. Góp phần cùng dân tộc Việt Nam vững vàng bước tiếp trên con đường xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, văn minh, phồn vinh và hạnh phúc.
Hồng Lam