Không có tình trạng ách tắc hoặc gián đoạn
Qua ghi nhận bước đầu, ông có thể chia sẻ về những kết quả đạt được sau 2 tuần vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp?
Chúng ta đều biết, từ ngày 1/7/2025, toàn bộ chính quyền địa phương của 34 tỉnh, thành phố và 3.321 xã, phường, đặc khu đã chính thức tổ chức hoạt động theo mô hình mới.
Qua báo cáo và nắm bắt thông tin triển khai thực hiện từ nhiều kênh khác nhau, như bằng văn bản, từ cổng thông tin điện tử, đường dây nóng, nhóm zalo… đồng thời, qua nắm bắt thông tin từ phương tiện thông tin đại chúng, trong hai tuần đầu triển khai vận hành chính quyền địa phương 2 cấp đã mang lại những kết quả tích cực.
Trong đó, Ban Thường vụ các tỉnh, thành phố đều thành lập các tổ công tác, phân công các Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, thành phố, lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra việc vận hành hoạt động của Đảng bộ, HĐND, UBND cấp xã. Việc triển khai công tác tổ chức bộ máy, xây dựng quy chế làm việc, chương trình công tác và các nội dung quan trọng khác cơ bản ổn định, thông suốt hoạt động ngay từ ngày đầu.
Ông Phan Trung Tuấn - Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương.
Tại các xã, phường, hoạt động tổ chức các hội nghị, kỳ họp diễn ra theo đúng tiến độ và trình tự thực hiện theo quy định. Công tác hành chính, tiếp nhận và xử lý văn bản, chỉ đạo điều hành, tiếp công dân và cung cấp dịch vụ công được tổ chức bài bản, bước đầu tạo sự đồng thuận, tin tưởng của nhân dân.
Bên cạnh đó, hoạt động của các phòng chuyên môn, bộ phận tiếp dân, giải quyết thủ tục hành chính đã được triển khai thực hiện nhiệm vụ ngay từ sáng ngày 1/7. Các phần mềm chuyên ngành, hệ thống văn bản điện tử được vận hành thông suốt, có sự hỗ trợ kịp thời của tổ công tác kỹ thuật cấp tỉnh.
Cùng với đó, công tác tiếp công dân, xử lý hồ sơ hành chính công và tương tác với các sở, ngành cấp tỉnh được duy trì ổn định, không có tình trạng ách tắc hoặc gián đoạn. Công tác giải quyết thủ tục hành chính, phục vụ người dân, doanh nghiệp được quan tâm chỉ đạo sát sao.
Cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc cũng như sự phối hợp của các cơ quan ra sao, thưa ông?
Theo số liệu báo cáo từ các địa phương và số liệu giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính trên Cổng Dịch vụ công quốc gia cho thấy, số lượng hồ sơ được đồng bộ qua Cổng Dịch vụ công quốc gia ngày càng tăng dần, đặc biệt là sự gia tăng đáng kể về số lượng hồ sơ trực tuyến.
Các địa phương có mức độ cải thiện số lượng hồ sơ trực tuyến tốt nhất là thành phố Huế (từ 882 hồ sơ trực tuyến vào ngày 7/7/2025 đã tăng lên 3.736 hồ sơ vào ngày 14/7/2025); tỉnh Hưng Yên (từ 1.841 hồ sơ trực tuyến vào ngày 7/7/2025 đã tăng lên 3.877 hồ sơ vào ngày 14/7/2025).
Trên cơ sở kiện toàn tổ chức, bộ máy, tính đến nay, các xã, phường, đặc khu tại các tỉnh, thành phố đã ban hành các nghị quyết, quyết định thành lập các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND cấp xã.
Đồng thời, cấp xã ban hành các quyết định, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các cơ quan, đơn vị; ban hành Quy chế làm việc của UBND cấp xã và các quy chế, quy định có liên quan khác nhằm đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả, thông suốt.
Các cơ quan, đơn vị của chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp xã cũng đã hoàn tất việc lập thủ tục bàn giao, tiếp nhận con dấu. Ngay sau khi kiện toàn tổ chức bộ máy, các cơ quan, đơn vị đều khẩn trương đi vào hoạt động, không có độ trễ, không làm gián đoạn công việc.
Cùng với đó, các địa phương đã tích cực triển khai rà soát, đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc; thiết lập quy trình xử lý công việc hành chính nhằm đáp ứng yêu cầu phục vụ người dân và doanh nghiệp trong giai đoạn mới.
Công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị tại cơ sở đang được củng cố nhằm đảm bảo hiệu quả quản lý nhà nước và thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương. Các địa phương duy trì chế độ theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá thường xuyên, liên tục; cấp tỉnh kịp thời hỗ trợ, giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện tại cấp xã.
Bên cạnh đó, tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn cả nước được giữ vững; không phát sinh các vấn đề lớn, phức tạp; chính quyền địa phương các cấp quyết liệt trong hoạt động chỉ đạo, điều hành; đội ngũ cán bộ, công chức tại các địa phương nỗ lực trong thực hiện nhiệm vụ.
Qua nắm bắt dư luận xã hội và thực tiễn tại các địa phương cho thấy, người dân, doanh nghiệp cơ bản đánh giá cao về kết quả vận hành chính quyền địa phương 2 cấp; tin tưởng vào chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Cán bộ, công chức cấp xã 'áp lực lớn'
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình vận hành bộ máy mới trong những ngày qua có gặp khó khăn, vướng mắc bước đầu gì không, thưa ông?
Quá trình vận hành, bước đầu cũng phát sinh một số vướng mắc trong việc kiện toàn tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan chính quyền địa phương 2 cấp. Một số địa phương chưa kịp thời ban hành các quy định về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp xã; chưa cập nhật, sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh.
Một điểm phục vụ hành chính công tại Hà Nội. Ảnh: Thanh Hiếu
Về thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương, một số công chức, nhất là ở bộ phận một cửa trung tâm hành chính công, bước đầu còn một số lúng túng trong tiếp cận quy trình xử lý hồ sơ dịch vụ công trực tuyến do mới tiếp cận công việc. Cán bộ, công chức cấp xã thực hiện khối lượng công việc lớn (hầu hết các nhiệm vụ của cấp huyện trước đây), vừa đảm trách công tác chuẩn bị, dẫn đến áp lực lớn và ảnh hưởng phần nào đến tiến độ giải quyết công việc.
Các nhiệm vụ, quyền hạn lần đầu tiên được phân cấp, phân quyền từ cấp trên, trong đó có các nhiệm vụ, quyền hạn của cấp huyện trước đây, nên một số chính quyền địa phương cấp xã phải rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh cho phù hợp.
Ngoài ra, một số địa phương chậm tiến độ trong việc số hóa và đưa vào lưu trữ tài liệu của cấp huyện trước sắp xếp do số lượng lớn, không có đủ máy móc, phương tiện, nhân lực thực hiện; một số địa bàn cấp xã gặp khó khăn do các trung tâm lưu trữ không đủ diện tích, điều kiện bảo quản.
Quá trình vận hành hệ thống quản lý văn bản điều hành tại một số địa phương (nhất là cấp xã) còn một số lỗi kỹ thuật; hệ thống đường truyền internet tại một số cấp xã khu vực miền núi không ổn định, ảnh hưởng đến việc truy cập, xử lý văn bản và thực hiện dịch vụ công.
Trong bối cảnh đó, Bộ Nội vụ và các bộ, ngành liên quan đãhướng dẫn và giải quyết khó khăn, vướng mắc của địa phươngqua các kênh nào, thưa ông?
Với vai trò là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nội vụ luôn duy trì việc tiếp nhận các phản ánh, kiến nghị, khó khăn, vướng mắc từ các địa phương, người dân, doanh nghiệp trong quá trình vận hành chính quyền địa phương 2 cấp.
Chúng tôi tiếp nhận phản ánh, kiến nghị, đề xuất của địa phương thông qua cơ chế báo cáo định kỳ hàng tuần gửi trên hệ thống qua zalo và hệ thống văn bản điện tử, trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Nội vụ.
Thống kê cho thấy, từ ngày 1 - 15/7, Bộ Nội vụ nhận được 67 phản ánh, kiến nghị, đã giải quyết và đăng tải công khai câu trả lời; đồng thời, đã gửi văn bản đến các bộ, cơ quan trung ương liên quan để nắm bắt thông tin và hướng dẫn theo thẩm quyền.
Trong thời gian tới, các bộ, cơ quan ngang bộ sẽ tiếp tục tăng cường hoạt động của các tổ thường trực, tổ công tác; đường dây nóng (zalo, điện thoại), chuyên trang, chuyên mục… để tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của địa phương.
Chúng tôi cũng sẽ chủ động giải quyết theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết, bảo đảm quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy, tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương 2 cấp thông suốt, ổn định, đúng tiến độ theo chỉ đạo của Trung ương.
Bộ Nội vụ đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tiến hành đánh giá, nắm bắt các khó khăn, vướng mắc tại một số địa phương: (Phú Thọ, Gia Lai, Hưng Yên, Vĩnh Long, Điện Biên, Cao Bằng, Ninh Bình, Đồng Tháp, Đồng Nai, Lào Cai, Bắc Ninh, Quảng Trị, Thái Nguyên, Sơn La, Nghệ An,…) liên quan đến thực hiện các thủ tục hành chính, trụ sở làm việc, trang thiết bị làm việc, xử lý cơ sở vật chất dôi dư, số hóa hồ sơ, tài liệu, vận chuyển tài liệu. Qua đó, kịp thời hướng dẫn địa phương trong việc tháo gỡ những khó khăn này.
Trân trọng cảm ơn ông!
Luân Dũng