Địa bàn quản lý thay đổi, quy hoạch nông nghiệp cũng cần điều chỉnh
Từ ngày 1/7, mô hình chính quyền địa phương hai cấp chính thức được triển khai trên phạm vi toàn quốc. Theo chỉ đạo của Trung ương, các tỉnh, thành phố đã hoàn tất việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp xã nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động của chính quyền cơ sở. Việc sáp nhập, điều chỉnh địa giới hành chính đã làm thay đổi toàn diện hệ thống quản lý ở cơ sở, với hàng chục xã và hàng trăm thôn, bản được tổ chức lại.
Sự thay đổi không chỉ dừng ở bản đồ hành chính mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến cấu trúc sản xuất nông nghiệp. Nhiều địa phương vốn sản xuất manh mún, phân tán nay đứng trước cơ hội quy hoạch lại vùng sản xuất một cách bài bản và hiệu quả hơn. Đây chính là lý do tại sao các chuyên gia gọi thời điểm này là “cơ hội vàng” để tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Nam đề nghị các địa phương xác định cây, con chủ lực và tích hợp đồng bộ vào quy hoạch tổng thể
Phát biểu tại Diễn đàn “Kết nối sản xuất và thương mại nông lâm sản các tỉnh Tây Bắc” tổ chức tại Sơn La, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Nam đặc biệt nhấn mạnh vai trò của quy hoạch trong giai đoạn sau sáp nhập: “Lãnh đạo các tỉnh Tây Bắc cần đặc biệt quan tâm đến công tác quy hoạch nông nghiệp sau sáp nhập đơn vị hành chính. Cần rà soát, quy hoạch lại từng xã để xác định các vùng trồng chủ lực, quy mô sản xuất phù hợp, từ đó định hướng lại và tích hợp vào quy hoạch tổng thể phát triển nông nghiệp địa phương”.
Không chỉ là yêu cầu về tổ chức sản xuất, việc tái quy hoạch vùng nguyên liệu cũng nhằm chuẩn hóa điều kiện sản xuất, phục vụ cho truy xuất nguồn gốc, tiêu chuẩn hóa sản phẩm để tham gia các chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế cũng là điều kiện bắt buộc trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng hiện nay.
Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng Thông báo và điểm hỏi đáp Quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động, thực vật Việt Nam (Văn phòng SPS Việt Nam) cho biết: “Các quy định 248 và 249 của Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) yêu cầu cập nhật chính xác thông tin vùng trồng và cơ sở chế biến. Nếu doanh nghiệp thay đổi địa chỉ hoặc người đại diện pháp luật mà không cập nhật lên hệ thống CIFER, hàng hóa có thể bị từ chối thông quan”.
Thực tế, đã có trường hợp doanh nghiệp nông sản Việt bị ách tắc tại cửa khẩu vì thông tin trên hệ thống không trùng khớp với thực tế sau khi địa bàn hành chính thay đổi.
Trước tình trạng đó, tại kỳ họp thứ 92 của Ủy ban SPS thuộc WTO diễn ra tháng 6/2025, phía Việt Nam đã chính thức làm việc với GACC để đề nghị tạo sự liên thông và linh hoạt trong cập nhật thông tin địa danh vùng trồng. Phía Trung Quốc đã cơ bản đồng thuận và cam kết thông báo đến các cơ quan chức năng liên quan nhằm đảm bảo duy trì chuỗi cung ứng nông sản song phương không bị gián đoạn.
Xác định cây, con chủ lực và tích hợp đồng bộ vào quy hoạch tổng thể
Thực tế, sau khi mô hình chính quyền hai cấp chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/7, các tỉnh Tây Bắc đã và đang chủ động triển khai rà soát lại vùng sản xuất. Tại Sơn La – một trong những địa phương đi đầu trong công tác quy hoạch lại vùng sản xuất – việc xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Tỉnh hiện có hơn 50.000 ha vùng nguyên liệu dứa và chanh leo đạt chuẩn, được đầu tư đồng bộ về giống, hạ tầng kỹ thuật và quy trình canh tác. Đây là kết quả của quá trình quy hoạch có tầm nhìn, xuất phát từ thực tiễn địa bàn sau sáp nhập và nhu cầu xây dựng chuỗi giá trị nông sản theo chuẩn xuất khẩu.
Tỉnh Hòa Bình đã quy hoạch vùng trồng nhãn chín muộn và bưởi đỏ Tân Lạc theo hướng hữu cơ. Tại Điện Biên và Lai Châu, những loại cây công nghiệp có giá trị như mắc ca, chè, cao su đang được định hướng trở thành cây trồng chủ lực phù hợp với điều kiện đất đai và khí hậu sau sắp xếp địa giới.
Tuy nhiên, đi kèm với cơ hội là không ít thách thức. Một trong những vấn đề nổi bật hiện nay là sự thay đổi mã địa lý và địa giới hành chính sau sáp nhập, gây khó khăn trong việc quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nhất là với các sản phẩm nông sản xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, nơi yêu cầu rất khắt khe về thông tin trên hệ thống CIFER.
Trước thực tế này, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị các địa phương cần tiếp tục tập trung quy hoạch lại từ cấp xã, làm rõ quy mô sản xuất, xác định cây, con chủ lực và tích hợp đồng bộ vào quy hoạch tổng thể nông nghiệp: “Các địa phương cần khuyến khích doanh nghiệp và nông dân hợp tác theo chuỗi sản xuất khép kín, đảm bảo tiêu chuẩn từ đầu vào đến đầu ra, thay vì chỉ ký hợp đồng mua bán đơn thuần”.
Bên cạnh việc tổ chức lại sản xuất, theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn là bước đi cốt lõi nếu muốn tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, bởi ai làm chủ được vùng nguyên liệu sẽ làm chủ được chuỗi giá trị nông sản.
Không chỉ giúp tăng sản lượng và chất lượng nông sản, vùng nguyên liệu tập trung còn là giải pháp căn cơ để các địa phương kiểm soát đầu vào, đầu ra, giảm phụ thuộc vào thương lái và hình thành các hợp đồng xuất khẩu ổn định, dài hạn. Từ góc độ thị trường, đây chính là cơ sở để đặc sản vùng cao tiếp cận hệ thống siêu thị, sàn thương mại điện tử và thị trường quốc tế một cách bền vững. Đồng thời, cần phát triển hệ thống sơ chế, đóng gói, kho lạnh ngay tại các hợp tác xã, tổ hợp tác và điểm thu gom, để rút ngắn thời gian lưu thông nông sản, hạn chế hao hụt và giữ chất lượng sau thu hoạch.
Người dân Lai Châu làm giàu nhờ trồng dược liệu dưới tán rừng.
Song song đó, các chuyên gia cũng cảnh báo không nên bỏ qua tiềm năng dược liệu tại Tây Bắc bởi đây là “kho báu” tự nhiên chưa được quy hoạch và khai thác xứng tầm. GS. Nguyễn Lân Hùng, Tổng Thư ký Hội Các ngành sinh học Việt Nam cho biết: “Tây Bắc có nguồn tài nguyên dược liệu phong phú nhưng chưa được tổ chức sản xuất chuyên nghiệp. Trong khi đó, nhiều nước như Singapore không có vùng trồng, nhưng lại đứng đầu thế giới về xuất khẩu dược phẩm. Vì thế, cần đặt mục tiêu mỗi héc-ta đất miền núi đạt thu nhập tối thiểu 100 triệu đồng/năm. Đây là tư duy sản xuất mới, phù hợp với thời kỳ hiện đại hóa nông nghiệp”.
Thực tế cho thấy, sáp nhập hành chính là bước đầu trong cải cách bộ máy, nhưng nếu không đi kèm với tái thiết sản xuất nông nghiệp, thì hiệu quả sẽ khó bền vững. Ngược lại, nếu tận dụng đúng thời điểm để quy hoạch lại vùng nguyên liệu, xác định đúng cây, con chủ lực và kết nối chặt chẽ với thị trường, thì đây chính là cơ hội có một không hai để nâng tầm nông nghiệp vùng cao Tây Bắc.
Từ cơ sở chính sách, điều quan trọng lúc này là sự vào cuộc đồng bộ: chính quyền các cấp, doanh nghiệp, hợp tác xã và cả người dân. Chỉ khi dữ liệu vùng trồng được minh bạch, thương hiệu OCOP được củng cố, công nghệ và thương mại điện tử được ứng dụng rộng rãi, thì đặc sản vùng cao mới có thể mở rộng kênh tiêu thụ, gia tăng giá trị và từng bước chiếm lĩnh thị trường trong nước lẫn quốc tế.
Vân Hồng/VOV.VN