Chất lượng, dịch vụ tốt hơn: Người dân Hà Nội đánh giá cao mô hình 2 cấp

Chất lượng, dịch vụ tốt hơn: Người dân Hà Nội đánh giá cao mô hình 2 cấp
6 giờ trướcBài gốc
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Hồng Hà trao đổi với người dân đến làm thủ tục hành chính tại Điểm số 1-Khu vực Tứ Liên. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)
Không có tình trạng quá tải tại các điểm phục vụ hành chính công nhờ bộ máy chính quyền tại các xã, phường được bố trí khoa học, thuận tiện...
Đây là điểm nổi bật sau một tuần vận hành bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Nhiều sự thay đổi đột phá
Xã Quảng Bị được thành lập trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của các xã: Tốt Động, Hợp Đồng, Quảng Bị, Hoàng Diệu và phần lớn diện tích tự nhiên và dân số của xã Lam Điền (thuộc huyện Chương Mỹ cũ). Trong những ngày qua, tại Điểm Phục vụ hành chính công xã Quảng Bị, mặc dù số lượng người dân đến làm các thủ tục hành chính rất đông song mọi công việc đều được giải quyết nhanh chóng.
Ông Tạ Văn Khuê, chuyên viên lĩnh vực Tư pháp-Hộ tịch xã Quảng Bị cho biết rút kinh nghiệm từ quá trình vận hành thử nghiệm trước đó, cán bộ xã tại Điểm Phục vụ hành chính công đều nỗ lực làm việc với tinh thần vượt khó, phục vụ nhanh, thuận tiện không để người dân phải chờ đợi lâu, đi lại nhiều lần.
“Trước đây, xã nhỏ, số lượng hồ sơ của công dân ít, hiện nay sau sáp nhập, số lượng hồ sơ của công dân nhiều gấp 5 lần. Trong những ngày đầu vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, số lượng người dân đến giải quyết thủ tục hành chính nói chung và lĩnh vực Tư pháp-Hộ tịch nói riêng rất đông. Tuy nhiên chúng tôi đều nỗ lực cố gắng để giải quyết hồ sơ cho người dân được nhanh, thuận lợi nhất,” ông Tạ Văn Khuê chia sẻ.
Điểm Phục vụ hành chính công xã Quảng Bị. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Có thể thấy, sự phân cấp, phân quyền mạnh mẽ các thủ tục hành chính từ cấp tỉnh, huyện về cấp xã đã tăng tính chủ động và hiệu quả trong giải quyết công việc của chính quyền cấp xã, giúp giải quyết các công việc của người dân địa phương tốt hơn.
Ông Đào Văn Thành, Trưởng thôn Tân An, xã Đoài Phương đánh giá việc sáp nhập các đơn vị hành chính giúp quy mô xã lớn hơn, dân số đông hơn, nguồn lực dồi dào hơn, tạo điều kiện thuận lợi để địa phương phát triển nhanh, bền vững.
"Được thành lập trên cơ sở hợp nhất 3 xã: Kim Sơn, Sơn Đông và phần lớn diện tích tự nhiên, dân số xã Cổ Đông, thuộc thị xã Sơn Tây, song với bộ máy mới, nhân dân kỳ vọng tiếp tục nhận được sự quan tâm của trung ương và thành phố Hà Nội để hệ thống giao thông được đầu tư đồng bộ, giúp việc đi lại thuận tiện hơn, ông Đào Văn Thanh bày tỏ.
Còn theo ông Nguyễn Quang Tuấn, Bí thư Chi bộ 5, thôn Nghĩa Sơn, xã Kim Sơn cũ, nay là xã Đoài Phương, việc thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính không chỉ là một bước đi đúng đắn của Đảng và Nhà nước nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền, mà còn mở ra nhiều cơ hội để địa phương đổi mới, phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
“Tôi tin tưởng rằng, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước, cùng sự đồng lòng, đoàn kết của toàn thể nhân dân, xã Đoài Phương sau sáp nhập sẽ tận dụng được lợi thế về quy mô, nguồn lực để sớm trở thành một địa phương giàu đẹp, văn minh, hiện đại,” ông Nguyễn Quang Tuấn chia sẻ.
Sự hài lòng của người dân là thước đo hiệu quả công việc
Việc đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao trình độ và năng lực thực thi công vụ, tính chuyên nghiệp, tinh thần tận tụy phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô đã mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính.
Ghi nhận tại Điểm Phục vụ hành chính công phường Ba Đình trong sáng 8/7, anh Nguyễn Hồng Điệp (phường Ba Đình) cho biết cán bộ tại phường đã giúp đỡ rất nhiệt tình để người dân tiếp cận và thực hiện các thủ tục hành chính được nhanh chóng, thuận tiện.
“Công chức hộ tịch-tư pháp tại điểm phục vụ hành chính công phường có chuyên môn cao, hướng dẫn và giải quyết các thủ tục nhanh gọn, giúp giảm bớt thủ tục và thời gian đi lại của người dân,” anh Điệp nói.
Cán bộ, công chức phường Giảng Võ hướng dẫn người dân giải quyết các thủ tục hành chính. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)
Để đáp ứng được chất lượng công việc, ông Bùi Thành Đạt, Chánh Văn phòng Hội đồng Nhân dân-Ủy ban Nhân dân phường Ba Đình, chia sẻ các bộ phận chuyên môn đã phối hợp chặt chẽ, bảo đảm hoạt động quản lý nhà nước được thông suốt, không gián đoạn. Hệ thống quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp, một cửa điện tử, hộ tịch điện tử… được đưa vào sử dụng hiệu quả, tạo nền nếp trong chỉ đạo, điều hành và xử lý công việc, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân và tổ chức.
"Điểm tiếp nhận, phục vụ hành chính công của phường được bố trí đầy đủ cán bộ, trang thiết bị, bảng biểu niêm yết công khai, thực hiện tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính theo đúng quy định," ông Bùi Thành Đạt nói.
Trong khi đó, tại trụ sở phường Tây Hồ, Điểm Phục vụ hành chính công được bố trí ở sát mặt đường Lạc Long Quân, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp khi tới làm thủ tục. Bên trong Điểm tiếp nhận, phường bố trí một cán bộ ở cổng tiếp đón để hỗ trợ, hướng dẫn cho người dân tới xử lý thủ tục hành chính.
Ông Nguyễn Thanh Tịnh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Tây Hồ cho biết việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính hiện nay được thực hiện ngay tại địa bàn phường. Trong những ngày đầu đi vào hoạt động, ủy ban nhân dân phân công trách nhiệm cho từng bộ phận, không để xảy ra tình trạng chồng chéo, gián đoạn công việc nhất là trong công tác giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.
Để vận hành trơn tru, trước đó phường đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức để người dân nắm được những thay đổi cần thiết, đồng thời chuẩn bị tốt về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và bố trí cán bộ có năng lực, có kinh nghiệm làm việc tại Điểm Phục vụ hành chính công, đảm bảo phục vụ tốt nhất nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.
Không chỉ tại các phường khu vực nội đô, các xã trên địa bàn Hà Nội cũng lấy “sự hài lòng của người dân” làm mục tiêu để nâng cao chất lượng thực thi công vụ.
Các Đoàn viên xã Minh Châu, thành phố Hà Nội hỗ trợ người dân đến làm thủ tục hành chính. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)
Theo ông Đinh Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Minh Châu, một tuần vừa qua, mặc dù số lượng người dân đến làm các thủ tục về chứng thực rất đông, song các cán bộ của Trung tâm Phục vụ hành chính công đều bố trí cán bộ tận tình giải quyết. Với những thủ tục chưa đủ giấy tờ để giải quyết ngay, các công chức của xã sẽ hướng dẫn, ghi số điện thoại lại trên giấy để người dân có thể nhận được hỗ trợ ngay mà không phải đi lại nhiều.
Ngoài ra, toàn xã có 142 đoàn viên tham gia chia ca, phân nhóm thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, hỗ trợ người dân làm thủ tục hành chính và định danh điện tử. Theo đó, ban ngày, Đoàn xã bố trí 2 nhóm tình nguyện viên trực tại trụ sở ủy ban nhân dân xã; buổi tối, các tổ thanh niên phối hợp cán bộ thôn đến từng hộ dân vận động, hướng dẫn cài đặt ứng dụng số và thủ tục cần thiết.
“Tại Minh Châu, doanh nghiệp rất ít, nên các thủ tục về đăng ký kinh doanh không nhiều, kể cả các thủ tục liên quan tới sổ đỏ, đất đai của người dân cũng chưa phát sinh những vấn đề khó, các trường hợp đến làm thủ tục đều được giải quyết nhanh chóng,” ông Đinh Anh Tuấn cho hay./.
(Vietnam+)
Nguồn VietnamPlus : https://www.vietnamplus.vn/chinh-quyen-moi-phuc-vu-tot-hon-nguoi-dan-ha-noi-danh-gia-cao-mo-hinh-2-cap-post1048533.vnp