Ảnh minh họa: Chip bán dẫn trên một bản mạch máy tính. Ảnh: REUTERS/TTXVN
Theo 5 nguồn thạo tin về vấn đề này, Bộ thương mại Mỹ đã đưa nhiều công ty Trung Quốc - bao gồm cả nhà sản xuất chip nhớ ChangXin Memory - vào "danh sách thực thể".
Một số nguồn tin cho biết Cục Công nghiệp và An ninh - cơ quan giám sát kiểm soát hoạt động xuất khẩu - đã soạn thảo một danh sách bao gồm các công ty con của Tập đoàn sản xuất chất bán dẫn quốc tế (SMIC) - nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc, và Công ty Công nghệ bộ nhớ Dương Tử (YMTC) - hãng sản xuất chip nhớ lớn nhất nước này. SMIC và YMTC hiện đã có tên trong danh sách thực thể.
Tuy nhiên, thời điểm công bố danh sách này trở nên khá phức tạp sau khi Trung Quốc và Mỹ mới đạt được thỏa thuận thương mại tại Geneva vào cuối tuần trước. Hai bên mới đồng ý hạ nhiệt các mức thuế trả đũa trong vòng 90 ngày để tạo điều kiện đạt được một thỏa thuận thương mại toàn diện hơn.
Một số quan chức trong chính quyền Tổng thống Trump cho rằng, việc áp đặt kiểm soát xuất khẩu đối với các tập đoàn công nghệ quan trọng của Trung Quốc vào thời điểm hiện tại có thể gây tổn hại đến các cuộc đàm phán.
Tuy nhiên, những người theo chủ nghĩa diều hâu với Trung Quốc từ lâu đã thúc đẩy nhắm mục tiêu vào CXMT – tập đoàn đang nhanh chóng mở rộng thị phần chip nhớ DRAM trên toàn cầu. Nhà sản xuất chip này cũng đang dẫn đầu các nỗ lực để trở thành một công ty phát triển bộ nhớ băng thông cao (HBM), một công nghệ quan trọng để vận hành các mô hình trí tuệ nhân tạo (AI).
Việc thêm các nhà sản xuất chip vào “danh sách đen” xuất khẩu là nỗ lực mới nhất của phía Mỹ nhằm kìm hãm việc Trung Quốc có thể sở hữu chip và công nghệ sản xuất chip tiên tiến của Washington, qua đó phần nào giúp hiện đại hóa quân đội của Bắc Kinh.
Nếu được phê duyệt, các công ty Mỹ sẽ không thể bán hàng cho các tập đoàn Trung Quốc có tên trong “danh sách đen” nếu không có giấy phép của chính phủ - loại thủ tục vốn ngày càng trở nên khó xin phê duyệt được.
Các quan chức an ninh Mỹ lo ngại rằng phía Trung Quốc có thể dễ dàng tiếp cận được công nghệ của Mỹ, cho phép quân đội nước này có thể mở rộng năng lực từ phát triển vũ khí siêu thanh đến mô hình hóa vũ khí hạt nhân.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ từ chối bình luận về vụ việc, nhưng cho biết: "Trung Quốc kiên quyết phản đối việc Mỹ kéo dài khái niệm an ninh quốc gia, lạm dụng kiểm soát xuất khẩu và cố tình ngăn chặn và đàn áp Trung Quốc".
Đến nay, Bộ thương mại và Nhà Trắng đều từ chối đưa ra các bình luận liên quan.
Bình Thanh/Báo Tin tức và Dân tộc