Chính quyền ông Biden làm gì để khiến lệnh trừng phạt Nga 'không thể đảo ngược'?

Chính quyền ông Biden làm gì để khiến lệnh trừng phạt Nga 'không thể đảo ngược'?
8 giờ trướcBài gốc
Ngăn đảo ngược các lệnh trừng phạt Nga
Mỹ đã áp lệnh trừng phạt lên hơn 250 mục tiêu, trong đó có một số mục tiêu có trụ sở ở Trung Quốc được cho là có liên quan đến việc Nga trốn tránh lệnh trừng phạt, cùng với các cơ sở công nghiệp quân sự của Moscow.
Là một phần của động thái này, Bộ Tài chính Mỹ đã áp đặt các hạn chế mới với gần 100 thực thể đã bị trừng phạt, có khả năng làm phức tạp thêm bất kỳ nỗ lực nào trong tương lai nhằm gỡ bỏ các biện pháp đó.
Ảnh minh họa: Reuters
Đại sứ quán Nga tại Washington chưa trả lời ngay lập tức các yêu cầu bình luận. Trong một tuyên bố, Bộ Tài chính cho biết Washington đang áp đặt các lệnh trừng phạt mới với gần 100 thực thể quan trọng của Nga - bao gồm các ngân hàng và công ty Nga hoạt động trong lĩnh vực năng lượng, trước đây từng bị Mỹ trừng phạt. Bộ Tài chính cho biết động thái trên làm tăng nguy cơ trừng phạt thứ cấp với các thực thể này.
Các lệnh trừng phạt mới được ban hành theo một sắc lệnh hành pháp mà một quan chức cấp cao của Bộ Tài chính cho biết cần phải thông báo cho Quốc hội trước khi có thể đảo ngược bất kỳ hành động nào.
Jeremy Paner - đối tác tại công ty luật Hughes Hubbard & Reed cho biết các hành động "chống Trump" này sẽ ngăn chặn việc đảo ngược các lệnh trừng phạt bổ sung mà không có sự chấp thuận của Quốc hội.
"Sẽ không thể sử dụng một nét bút để xóa bỏ những gì đang được thực hiện", ông Paner nói.
Cựu quan chức Mỹ Edward Fishman - hiện là học giả nghiên cứu tại Đại học Columbia gọi đây là "hành động rất quan trọng".
"Nó bảo vệ các lệnh trừng phạt này khỏi bất kỳ quyết định phù phiếm nào nhằm dỡ bỏ chúng. Nó mang lại cho chính quyền mới của ông Trump nhiều đòn bẩy hơn với Nga".
Nhóm chuyển giao của ông Trump đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận. Hiện không rõ ông Donald Trump - người kế nhiệm Tổng thống Biden vào 20/1 sẽ tiếp cận vấn đề trừng phạt Nga như thế nào. Ông Trump từng thân thiện với Tổng thống Nga Vladimir Putin và cho biết hôm 13/1 rằng ông sẽ cố gắng nhanh chóng gặp nhà lãnh đạo Nga để thảo luận về tình hình Ukraine. Khi được hỏi về chiến lược chấm dứt xung đột, ông Trump trả lời: "Chỉ có một chiến lược và điều đó tùy thuộc vào ông Putin. Tôi không nghĩ ông ấy sẽ phấn khích về cách thức thực hiện bởi mọi chuyện cũng không mấy suôn sẻ với ông ấy".
Tiếp tục muốn dồn ép Nga bằng lệnh trừng phạt
Theo Reuters, Washington cũng đã có hành động chống lại một kế hoạch nhằm thoát khỏi trừng phạt được thiết lập giữa các bên ở Nga và Trung Quốc, nhắm vào các nền tảng thanh toán khu vực tại 2 quốc gia mà họ cho là đã hoạt động để cho phép các thanh toán xuyên biên giới đối với các mặt hàng nhạy cảm. Bộ Tài chính Mỹ cho biết, một số ngân hàng Nga bị trừng phạt cũng là những bên tham gia.
"Trung Quốc kiên quyết phản đối bất kỳ lệnh trừng phạt đơn phương bất hợp pháp nào", Người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington Lưu Bằng Vũ cho hay trong một tuyên bố. Theo ông: "Các trao đổi kinh tế và thương mại bình thường giữa Nga và Trung Quốc không nên bị can thiệp hoặc gián đoạn và không nên được sử dụng như một công cụ để bôi nhọ và kiềm chế Trung Quốc".
Cũng bị trừng phạt ngày 15/1 là Ngân hàng Keremet, một tổ chức tài chính có trụ sở tại Kyrgyzstan mà Bộ Tài chính Mỹ cáo buộc đã phối hợp với các quan chức Nga và một ngân hàng được Mỹ xác định là đã lách trừng phạt.
Bộ Ngoại giao Mỹ cũng áp lệnh trừng phạt với nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia do Nga kiểm soát - nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu.
Nhà máy này, nằm ở phía Đông Nam Ukraine, đã nằm dưới sự kiểm soát của Nga ngay sau khi nước này tiến hành chiến dịch quân sự năm 2022. Nhà máy đã đóng cửa nhưng cần nguồn điện bên ngoài để làm mát vật liệu hạt nhân và ngăn chặn sự cố tan chảy. Các hãng thông tấn Nga dẫn lời phát ngôn viên của nhà máy cho biết hôm 15/1 rằng, các lệnh trừng phạt sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động của nhà máy.
Chính quyền Tổng thống Biden đã áp đặt một loạt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga vì chiến dịch quân sự ở Ukraine vào cuối tháng 2/2022. Cách đây chưa đầy một tuần, chính quyền Mỹ đã áp đặt gói trừng phạt rộng nhất từ trước đến nay nhằm vào doanh thu dầu khí của Nga để tạo đòn bẩy cho Kiev và đội ngũ của ông Trump đạt được thỏa thuận hòa bình tại Ukraine.
Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo: Reuters
Nguồn VOV : https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/chinh-quyen-ong-biden-lam-gi-de-khien-lenh-trung-phat-nga-khong-the-dao-nguoc-post1149116.vov