Doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư sản xuất vào Khu chế xuất Tân Thuận, TP Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu: Danh Lam/TTXVN
Tiên phong trong “xây tổ” hút “đại bàng”
Từ sau Luật Đầu tư trực tiếp nước ngoài ra đời năm 1987, TP Hồ Chí Minh đánh dấu một chương mới trong sự phát triển của TP Hồ Chí Minh và cả nước, đó là mở cửa, giao thương và hội nhập mạnh mẽ với thế giới.
Trong giai đoạn này, hàng loạt các tập đoàn lớn trên thế giới đã “để mắt” tới TP Hồ Chí Minh và nhanh chóng tìm kiếm cơ hội phát triển tại “miền đất hứa” này. Năm 1996, Tập đoàn Furukawa Electric của Nhật Bản đã chọn khu chế xuất Tân Thuận (Quận 7, TP Hồ Chí Minh) để xây dựng và đưa vào vận hành nhà máy sản xuất linh kiện đầu tiên tại Việt Nam.
Phát triển không ngừng cả về lượng và chất, đến nay Công ty TNHH Furukawa Automotive Parts Việt Nam đã trở thành trụ cột quan trọng của mảng kinh doanh ô tô của Tập đoàn mẹ tại Nhật Bản. “Đất lành” TP Hồ Chí Minh đã giúp sức doanh nghiệp hiện thực hóa mục tiêu phát triển tập trung vào chất lượng, hiệu quả và bền vững, đúng tiêu chí kinh doanh của cả tập đoàn.
“Sau gần 30 phát triển, công ty đã từng bước đa dạng sản phẩm, mở rộng quy mô sản xuất. Nguồn nhân lực tuyệt vời, môi trường đầu tư thuận lợi, hạ tầng hoàn thiện là yếu tố đã giúp chúng tôi phát triển đến hôm nay”, ông Hirobe Masao Tổng giám đốc Công ty chia sẻ.
Khu chế xuất Tân Thuận là một trong những khu chế xuất đầu tiên của Việt Nam, là mô hình thành công trong thu hút FDI lan tỏa ra nhiều địa phương cả nước. Sự bài bản về thiết kế hạ tầng và kinh nghiệm triển khai, mời gọi các nhà đầu tư của đơn vị quản lý khu chế xuất thời bấy giờ đã tạo ra bước tiên phong đột phá cho TP Hồ Chí Minh trong việc tiếp nhận hàng loạt các doanh nghiệp đến mở nhà máy sản xuất. Liên tiếp sau đó, khu chế xuất Linh Trung 1 và khu chế xuất Linh Trung 2 ra đời, hưởng trọn kinh nghiệm từ khu chế xuất Tân Thuận để thu hút đầu tư.
Đáng chú ý, dòng vốn FDI không chỉ chảy vào lĩnh vực sản xuất, tiêu dùng, thực phẩm, máy móc… mà TP Hồ Chí Minh còn hấp dẫn rất nhiều ngân hàng, định chế tài chính, quỹ đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường.
Ngân hàng Deutsche Bank của Đức là một ví dụ. Theo ông Huỳnh Bửu Quang, Tổng Giám đốc Ngân hàng Deutsche Bank tại Việt Nam, ngân hàng đã có mặt ở TP Hồ Chí Minh 33 năm và mong muốn sẽ tiếp tục phát triển lớn mạnh.
“Chúng tôi đã nhìn thấy nhiều tiềm năng của thị trường, từ đó không ngừng phát triển các sản phẩm tài chính phục vụ nhu cầu đầu tư, phát triển của các doanh nghiệp FDI. Ở thời điểm hiện tại, khi TP Hồ Chí Minh đang định hướng phát triển thành trung tâm tài chính quốc tế, thì cơ hội cho Deutches Bank càng lớn”, ông Quang chia sẻ.
Theo Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Trọng Hoài, Thành viên Hội đồng Khoa học TP Hồ Chí Minh, Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, việc thu hút FDI sớm nhất của cả nước là thành công bước đầu của TP Hồ Chí Minh, nhờ vào chính sách phát triển công nghiệp hướng đến các nhà đầu tư nước ngoài thập niên 90. Nhờ vậy, các doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài trong các khu chế xuất, khu công nghiệp đã tạo ra khối lượng việc làm lớn, không chỉ cho thành phố, mà còn nhiều tỉnh thành trong vùng, đóng góp không nhỏ vào thu ngân sách nhà nước.
“Điều quan trọng là các doanh nghiệp FDI đã tạo ra khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp trong nước, từ đó giúp các doanh nghiệp trong nước lớn lên và có cơ hội để bắt đầu tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu”, Giáo sư Hoài nhấn mạnh.
Nâng “chất” dòng vốn FDI
Sau Khu chế xuất Tân Thuận, việc ra đời Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh (SHTP) vào năm 2002 được xem bước tiến của thành phố trong mời gọi “đại bàng” đến đầu tư. Đây cũng là mốc thời gian dòng vốn FDI có sự chuyển biến mạnh mẽ về chất, từ dựa trên thâm dụng sức lao động chuyển sang ngành nghề thâm dụng công nghiệp, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Nhiều “đại bàng” không ngần ngại mở những nhà máy tỷ đô tại đây, như Nidec (Nhật Bản), Samsung (Hàn Quốc) và Tập đoàn Intel (Hoa Kỳ).
Năm 2010, Tập đoàn Intel chính thức đưa vào hoạt động nhà máy lắp ráp và kiểm định chip trị giá 1 tỷ USD tại SHTP, đánh dấu sự hiện diện của TP Hồ Chí Minh trên bản đồ điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư toàn cầu. Hoạt động ổn định và phát triển không ngừng của Intel thời gian qua là “trái ngọt” từ nỗ lực của thành phố khi thiết kế ra nhiều chính sách hấp dẫn về môi trường đầu tư, về hạ tầng, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp.
Theo ông Kenneth Tse, Phó Chủ tịch, Tổng Giám đốc nhà máy Intel Việt Nam, khi đầu tư vào TP Hồ Chí Minh, các nhà đầu tư có thể tận hưởng hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại và toàn diện nhất tại Việt Nam, bao gồm hệ thống giao thông và viễn thông. Cùng với các quy định và chính sách đầu tư cởi mở và hỗ trợ, thành phố cũng đang hướng tới việc tăng cường số lượng nhân sự có trình độ làm việc trong các lĩnh vực như công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin và các dịch vụ khác.
Nhà máy Intel tại Việt Nam sẽ chạm mốc 4 tỷ sản phẩm xuất xưởng vào tháng 4, một dấu ấn khẳng định vai trò của nhà máy lắp ráp và kiểm định của Intel tại Việt Nam trong chuỗi vận hành toàn cầu, cũng như vị thế của Việt Nam trên bản đồ công nghệ thế giới. Intel cũng cam kết đồng hành cùng sự phát triển của hệ sinh thái chuỗi cung ứng bán dẫn tại Việt Nam, một trong những lĩnh vực tiềm năng hứa hẹn bùng nổ trong tương lai. Sự “cất cánh” của các “đại bàng” cho thấy chiến lược phát triển và chọn lọc nhà đầu tư của TP Hồ Chí Minh ngày càng sắc nét, hội nhập, làm nên sức hút với các “ông lớn” toàn cầu.
Theo ông Michael Wekezer, Thành viên Ban lãnh đạo Hiệp hội các Doanh nghiệp Đức tại Việt Nam, các doanh nghiệp Đức có sự hiện diện mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực tại TP Hồ Chí Minh cũng như Việt Nam như: sản xuất, công nghệ cao, logistics, phân phối và dịch vụ.
“TP Hồ Chí Minh có sức hấp dẫn với nhiều doanh nghiệp Đức, bởi đây là một trung tâm kinh tế chiến lược, lực lượng lao động trẻ, có kỹ năng, môi trường kinh doanh thân thiện, cùng với lợi thế từ các hiệp định thương mại tư do thế hệ mới. Chúng tôi thấy nhiều cơ hội phát triển trong các lĩnh vực công nghệ cao, gia công công nghệ thông tin, phát triển phần mềm và các ngành công nghiệp tiên tiến khác”, ông Michael Wekezer cho biết.
Đánh giá về xu hướng đầu tư này, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Trọng Hoài cho rằng, trong 10 năm trở lại đây, khi chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trở thành trụ cột tăng trưởng mới, thì dòng FDI của thành phố hướng vào những tập đoàn công nghệ lớn, trong đó có bán dẫn và nhiều ngành nghề khác. Đây là nền tảng quan trọng để TP Hồ Chí Minh phát triển thành một siêu đô thị tầm cỡ quốc tế
“Những FDI này sẽ giúp TP Hồ Chí Minh gia tăng giá trị sản xuất, tạo ra liên kết về phát triển công nghiệp hỗ trợ giúp doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như thu hút các tài năng công nghệ trên thế giới về phục vụ mục đích phát triển của Thành phố”, Giáo sư, Tiến sỹ Hoài nhấn mạnh.
Nhìn lại suốt quá trình thu hút FDI của TP Hồ Chí Minh, Tiến sỹ Huỳnh Phước Nghĩa, chuyên gia kinh tế, Giảng viên Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng, có thể thấy sự hấp dẫn của thành phố với các dòng vốn thế hệ mới ngày càng lớn. Trong bối cảnh đó, sự hoàn thiện về thể chế, hạ tầng đô thị, logistics… là trợ lực để các nhà đầu tư tin tưởng lựa chọn.
Tuy vậy, sự chững lại trong xu hướng thu hút đầu tư vào thành phố cũng đặt ra thách thức mới cho TP Hồ Chí Minh trong thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao. Theo Tiến sỹ Huỳnh Phước Nghĩa, TP Hồ Chí Minh cần thiết kế lại bộ chính sách mới để thu hút FDI, bao gồm khung ưu đãi, chính sách thuế… phải thực sự sắc nét và có lợi thế cạnh tranh thì mới hấp dẫn các “ông lớn” công nghệ toàn cầu.
“Bộ chính sách này không phải chỉ đến từ cái khung của nhà nước mà có thể liên quan đến ưu đãi nhiều thứ, nhiều ngành nghề mang đặc thù của Thành phố và phải có sự khác biệt, độc đáo hơn so chính sách chính sách hiện nay”, Tiến sỹ Nghĩa phân tích.
Hiện TP Hồ Chí Minh đang có dự án chuyển đổi khu chế xuất, khu công nghiệp hiện hữu sang mô hình công nghệ cao, sinh thái… giúp các doanh nghiệp nâng cấp công nghệ. Các chuyên gia cho rằng, việc đẩy nhanh quá trình này sẽ tạo ra hệ sinh thái kết hợp giữa các FDI đang hoạt động, với các nhà đầu tư mới, mở ra giai đoạn mới trong thu hút cũng như giúp “đại bàng” cất cánh. Cùng với thể chế vượt trội Nghị quyết 98 và không gian TP Hồ Chí Minh mới tới đây sẽ tạo ra một hệ sinh thái kết hợp công nghiệp, công nghệ - một không gian phát triển rộng lớn hứa hẹn bùng nổ đầu tư FDI vào những lĩnh vực kỳ vọng như công nghệ bán dẫn, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, đổi mới sáng tạo… sẽ tạo ra xung lực tăng trưởng mới cho TP Hồ Chí Minh thời gian tới.
Hương Giang (TTXVN)