Chính sách giáo dục có hiệu lực từ tháng 5 năm 2025

Chính sách giáo dục có hiệu lực từ tháng 5 năm 2025
7 giờ trướcBài gốc
Thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh: Xuân Phú.
Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 06/2025/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non ban hành kèm Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 6/6/2022. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 5/5/2025.
Thông tư 06 có những điều chỉnh đáng chú ý như sau:
Theo Quy chế mới, sẽ không còn xét tuyển sớm. Quy chế mới cũng quy định khi sử dụng kết quả học tập cấp THPT để xét tuyển phải dùng kết quả học tập cả năm lớp 12 của thí sinh. Ngoài ra, nhằm bảo đảm sự đóng góp của kết quả học tập cả năm lớp 12 không quá thấp trong khi tính điểm xét, Quy chế quy định trọng số tính điểm xét của kết quả học năm lớp 12 không dưới 25%.
Quy chế mới quy định, cơ sở đào tạo sử dụng nhiều phương thức tuyển sinh phải xác định quy tắc quy đổi tương đương ngưỡng đầu vào và điểm trúng tuyển của các phương thức tuyển sinh, phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển theo hướng dẫn chung của Bộ GD&ĐT.
Bên cạnh đó, để bảo đảm cho thí sinh có đầy đủ thông tin trong quá trình đăng ký xét tuyển, Quy chế quy định quy tắc quy đổi tương đương phải được công bố công khai muộn nhất cùng thời gian công bố ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào.
Thí sinh không cần chọn mã phương thức, mã tổ hợp… chỉ cần xác định rõ chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo và cơ sở đào tạo mong muốn theo học để quyết định đăng ký. Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT sẽ sử dụng phương thức có kết quả cao nhất của thí sinh để xét tuyển.
Để bảo đảm cơ hội trúng tuyển cho học sinh đến từ các vùng, miền khác nhau, Quy chế bỏ yêu cầu chương trình đào tạo, mỗi ngành, mỗi chương trình có tối đa 4 tổ hợp xét tuyển; không giới hạn số tổ hợp xét tuyển.
Tuy nhiên, nhằm bảo đảm chất lượng và nền tảng kiến thức cần thiết để học bậc đại học, Quy chế quy định tổ hợp môn dùng để xét tuyển bao gồm ít nhất 3 môn phù hợp, trong đó phải có môn Toán hoặc Ngữ văn với trọng số tính điểm xét không dưới 25%. Từ năm 2026 số môn chung của các tổ hợp phải đóng góp ít nhất 50% trọng số tính điểm xét.
Một điểm mới khác là Quy chế quy định các trường có thể quy đổi các chứng chỉ ngoại ngữ thành điểm môn ngoại ngữ để đưa vào tổ hợp môn xét tuyển, nhưng điểm môn ngoại ngữ được quy đổi từ các chứng chỉ ngoại ngữ có trọng số tính điểm xét không được vượt quá 50%.
Quy chế mới cũng đưa ra giới hạn tổng điểm cộng không vượt quá 10% mức điểm tối đa của thang điểm xét tuyển (ví dụ với thang điểm 30, tối đa là 3 điểm) để tạo cơ hội công bằng hơn trong xét tuyển. Tuy nhiên, các cơ sở đào tạo vẫn có điểm cộng dựa trên đặc thù của cơ sở đào tạo, của yêu cầu đầu vào và khai thác tối đa thế mạnh riêng của thí sinh.
Mỗi thí sinh đều có cơ hội đạt mức điểm tối đa của thang điểm xét nhưng không có thí sinh nào có điểm xét (tất cả các loại điểm cộng, điểm ưu tiên) vượt quá mức điểm tối đa này.
Quy định liên kết đào tạo giữa cơ sở giáo dục đại học Việt Nam và nước ngoài
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 07/2025/TT-BGDĐT quy định về liên kết đào tạo giữa cơ sở giáo dục đại học Việt Nam và cơ sở giáo dục đại học nước ngoài trình độ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ.
Thông tư này có hiệu lực từ 5/5/2025 và thay thế Thông tư 38/2020/TT-BGDĐT ngày 6/10/2020 của Bộ GD&ĐT.
Một số điểm mới của Thông tư 07 liên quan đến phạm vi áp dụng, hình thức đào tạo, yêu cầu ngoại ngữ, chuyển chương trình, giảng dạy và tỷ lệ giảng viên nước ngoài, bảo vệ quyền lợi của người học.
Cụ thể, phạm vi áp dụng: Cập nhật quy định về các chương trình liên kết đào tạo giữa cơ sở giáo dục đại học Việt Nam và nước ngoài, làm rõ phạm vi và trình độ đào tạo.
Hình thức đào tạo: Cải thiện về tỷ lệ đào tạo trực tuyến trong các chương trình đào tạo liên kết (tối đa 50% cho kết hợp trực tuyến).
Yêu cầu ngoại ngữ: Cung cấp yêu cầu chi tiết về chứng chỉ ngoại ngữ hợp lệ, giúp minh bạch hóa quy trình tuyển sinh.
Chuyển chương trình: Làm rõ quy định về việc chuyển chương trình đào tạo và công nhận tối đa 50% tín chỉ.
Giảng dạy và tỷ lệ giảng viên nước ngoài: Thông tư yêu cầu giảng viên nước ngoài phải chủ trì ít nhất 25% tổng khối lượng chương trình.
Thông tư đồng thời cung cấp các quy định rõ ràng về bảo vệ quyền lợi khi chương trình đào tạo bị gián đoạn hoặc kết thúc trước thời hạn.
Chính sách cho trẻ em, học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Chính phủ ban hành Nghị định 66/2025/NĐ-CP quy định chính sách cho trẻ em nhà trẻ, học sinh, học viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo và cơ sở giáo dục có trẻ em nhà trẻ, học sinh hưởng chính sách. Nghị định có hiệu lực thi hành 1/5/2025.
Nghị định 66 mở rộng đối tượng hỗ trợ, bổ sung thêm các nhóm học sinh được hưởng chế độ hỗ trợ, áp dụng cho trẻ em nhà trẻ, học sinh bán trú, học viên bán trú tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên.
Các cơ sở giáo dục có tổ chức ăn, ở tập trung hoặc thực hiện nhiệm vụ giáo dục học sinh dân tộc nội trú cũng được hưởng chính sách.
Về mức hỗ trợ, học sinh bán trú và học viên bán trú được hỗ trợ tiền ăn lên đến 936.000 đồng/tháng, tăng so với các chính sách trước đây. Hỗ trợ tiền nhà ở cho học sinh tự túc chỗ ở là 360.000 đồng/tháng, áp dụng trong 9 tháng/năm học.
Học sinh bán trú lớp 1 là người dân tộc thiểu số có học tiếng Việt trước khi vào học chương trình lớp 1 thì được hưởng thêm 1 tháng các chính sách quy định trên. Mức trợ cấp cao hơn sẽ đảm bảo điều kiện học tập và sinh hoạt tốt hơn cho học sinh được hưởng chính sách.
Nghị định 66/2025/NĐ-CP cho phép các trường phổ thông dân tộc nội trú và các trường dự bị đại học dân tộc linh hoạt trong việc sử dụng kinh phí hỗ trợ, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương.
Nghị định cũng quy định rõ nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước, đồng thời khuyến khích sự tham gia của các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp nhằm huy động thêm nguồn lực xã hội cho giáo dục.
Hải Bình t/h
Nguồn GD&TĐ : https://giaoducthoidai.vn/chinh-sach-giao-duc-co-hieu-luc-tu-thang-5-nam-2025-post729427.html