Chính sách hỗ trợ cán bộ phù hợp sẽ đảm bảo tinh gọn bộ máy đạt hiệu quả cao nhất

Chính sách hỗ trợ cán bộ phù hợp sẽ đảm bảo tinh gọn bộ máy đạt hiệu quả cao nhất
3 giờ trướcBài gốc
Tinh gọn bộ máy hành chính và tinh giản biên chế hiện đang là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan công quyền.
Trao đổi với Báo Công Thương, Luật sư Nguyễn Lan Phương – Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH Đa Phương nêu ý kiến, trong bối cảnh hiện nay, tinh giản biên chế không chỉ đơn thuần là giảm số lượng mà còn là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đây là nhiệm vụ phức tạp, đòi hỏi sự kết hợp hài hòa giữa các chính sách nhân sự, pháp lý và tài chính, đảm bảo tính minh bạch, công bằng và nhân văn.
Tinh gọn tổ chức bộ máy, biên chế là vì lợi ích lâu dài của quốc gia. Ảnh minh họa: VGP
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cũng nhấn mạnh, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế suy cho cùng, là vì lợi ích lâu dài của quốc gia. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, nó có thể gây ra những khó khăn cho các cán bộ khi họ phải đối mặt với sự thay đổi trong công việc hoặc cuộc sống. Vì vậy, việc có chính sách hỗ trợ rõ ràng, cụ thể sẽ giúp giảm bớt tâm tư, lo lắng của họ, đồng thời tạo động lực để họ đón nhận sự thay đổi một cách tích cực hơn.
Hiện, Bộ Nội vụ đang được giao xây dựng cơ chế, chính sách đối với cán bộ, công chức bị ảnh hưởng khi tinh gọn tổ chức bộ máy được đánh giá là hết sức quan trọng, cần thiết. PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, đây không chỉ là trách nhiệm của cơ quan quản lý mà còn là yếu tố quan trọng để đảm bảo sự đồng thuận, chia sẻ và hợp tác từ những người trực tiếp chịu tác động.
Việc xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ không chỉ giúp giảm bớt tác động tiêu cực mà còn là cách để thể hiện sự tôn trọng, ghi nhận những đóng góp của cán bộ công chức, viên chức trong quá trình phát triển đất nước. Đây là một phần quan trọng để đảm bảo tinh gọn tổ chức bộ máy đạt được hiệu quả cao nhất, đồng thời giữ vững niềm tin và sự đoàn kết trong hệ thống chính trị”- PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.
Đề cập đến chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức bị ảnh hưởng khi tinh gọn tổ chức bộ máy, bà Nguyễn Lan Phương cũng cho ý kiến, chính sách tinh giản biên chế cần đi kèm với các gói hỗ trợ hấp dẫn, tạo điều kiện cho người lao động bị ảnh hưởng có thể ổn định cuộc sống và tiếp tục phát triển nghề nghiệp, cũng như cần đảm bảo đủ nguồn lực tài chính để chi trả các gói trợ cấp và hỗ trợ đào tạo nghề
Theo đó, Luật sư Nguyễn Phương Lan cho rằng, cần xây dựng cơ chế hỗ trợ đối với những người muốn chuyển sang làm việc tại các tổ chức không hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Trong đó, việc tạo điều kiện để họ tham gia vào khu vực tư nhân không chỉ giúp giảm gánh nặng ngân sách mà còn tăng cường tính cạnh tranh và hiệu quả kinh tế,
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến nêu rằng, việc đưa ra các chế độ chính sách đủ mạnh, nhà nước sẽ phải bỏ ra một khoản tiền khá lớn. Do đó, việc bố trí ngân sách để hỗ trợ chính sách tinh giản biên chế là rất quan trọng. Về vấn đề này PGS.TS Bùi Hoài Sơn bày tỏ, Nhà nước cần sử dụng nguồn lực tài chính một cách khéo léo, hiệu quả và cân đối. Đây là một nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi không chỉ sự đầu tư mà còn là sự minh bạch và trách nhiệm trong việc quản lý nguồn lực.
Đồng thời, để giảm áp lực lên ngân sách, cần tập trung vào việc tái cơ cấu chi tiêu công, cắt giảm các khoản chi không hiệu quả, lãng phí. “Việc này không chỉ giúp tiết kiệm mà còn tạo ra nguồn lực dồi dào để phục vụ các nhiệm vụ quan trọng như hỗ trợ cán bộ nghỉ hưu sớm, đào tạo lại, hoặc chuyển đổi nghề nghiệp”- PGS.TS Bùi Hoài Sơn nói.
Mặt khác, theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, việc huy động từ các quỹ dự phòng, như Quỹ bảo hiểm xã hội, cũng là một giải pháp phù hợp. Các quỹ này vốn được thiết kế để bảo đảm an sinh xã hội, và việc hỗ trợ cán bộ, công chức trong quá trình tinh gọn bộ máy hoàn toàn nằm trong phạm vi mục tiêu của quỹ.
Nhà nước cũng có thể khuyến khích hợp tác công - tư trong việc hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, đào tạo lại lao động. Các doanh nghiệp tư nhân, thông qua các chương trình hợp tác, có thể đóng góp một phần kinh phí, đồng thời hưởng lợi từ việc tuyển dụng những nhân sự có kinh nghiệm và trình độ.
Tinh giản biên chế là bước đi tất yếu để xây dựng một bộ máy hành chính tinh gọn, hiệu quả, với ý nghĩa này, Luật sư Nguyễn Phương Lan cho hay, thành công của chính sách phụ thuộc rất lớn vào việc bảo bảo đảm quyền lợi cho người lao động bị tinh giản, đồng thời duy trì sự ổn định xã hội.
"Các cơ quan chức năng cần phối hợp chặt chẽ, lắng nghe ý kiến từ người lao động và xã hội để chính sách đạt hiệu quả cao nhất. Kỳ vọng, với các cơ chế hỗ trợ phù hợp và cách thức triển khai đúng đắn, chủ trương tinh gọn bộ máy sẽ góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng hệ thống hành chính công của Việt Nam”- Luật sư Nguyễn Phương Lan chia sẻ.
Bảo Thoa
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/chinh-sach-ho-tro-can-bo-phu-hop-se-dam-bao-tinh-gon-bo-may-dat-hieu-qua-cao-nhat-364315.html