Quy mô gói hỗ trợ lên tới 700 nghìn tỷ đồng
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) trong 6 tháng đầu năm 2025 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, tiếp tục kích cầu nền kinh tế phát triển.
Thông tin về tình hình triển khai các giải pháp hỗ trợ trong thời gian qua, Bộ Tài chính cho biết, trong giai đoạn từ năm 2020 - 2023, trước ảnh hưởng của dịch Covid-19 và tác động của các vấn đề kinh tế, chính trị quốc tế đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân, Bộ Tài chính đã chủ động nghiên cứu, đề xuất, trình cấp có thẩm quyền cũng như ban hành theo thẩm quyền các giải pháp trong lĩnh vực tài chính với tổng quy mô hỗ trợ khoảng 700 nghìn tỷ đồng.
Các giải pháp về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã và đang được thực hiện đã ngấm vào doanh nghiệp, tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển. Ảnh: TN
Trong đó, năm 2020 đã hỗ trợ khoảng 129 nghìn tỷ đồng, năm 2021 khoảng 145 nghìn tỷ đồng, năm 2022 khoảng 233 nghìn tỷ đồng và năm 2023 khoảng 196 nghìn tỷ đồng.
Đặc biệt là các giải pháp về gia hạn, miễn, giảm các khoản thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất (như gia hạn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế tiêu thụ đặc biệt và tiền thuê đất; miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường, cùng nhiều khoản phí, lệ phí và tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế.
Bộ Tài chính đã chủ động nghiên cứu, đề xuất, trình cấp có thẩm quyền cũng như ban hành theo thẩm quyền các giải pháp trong lĩnh vực tài chính với tổng quy mô hỗ trợ khoảng 700 nghìn tỷ đồng.
Trong năm 2024, Bộ Tài chính cũng đã tiếp tục chủ động nghiên cứu, đề xuất trình cấp có thẩm quyền cũng như ban hành theo thẩm quyền các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân gắn với công tác xây dựng, giao dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) hàng năm để bảo đảm khả năng cân đối của NSNN cũng như để các địa phương chủ động trong việc thực hiện dự toán cân đối ngân sách địa phương.
Các giải pháp về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã và đang được thực hiện cho đến hết năm 2024 với quy mô hỗ trợ khoảng 191 nghìn tỷ đồng (trong đó: số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn là khoảng 95 nghìn tỷ đồng; số tiền thuế, phí, lệ phí được giảm khoảng 96 nghìn tỷ đồng).
Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 63/2023/TT-BTC ngày 16/10/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của một số thông tư quy định về phí, lệ phí của Bộ Tài chính nhằm khuyến khích sử dụng dịch vụ công trực tuyến (có hiệu lực từ 1/12/2023 và áp dụng đến hết năm 2025). Với mức giảm phí, lệ phí từ 10% đến 50%, dự kiến thực hiện chính sách này sẽ hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khoảng 100 tỷ đồng/năm.
Ngoài ra, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 144/2024/NĐ-CP ngày 1/11/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2023/NĐ-CP ngày 31/5/2023 về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài ngạch thuế quan, trong đó có điều chỉnh chính sách thuế nhập khẩu, thuế xuất khẩu nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh.
Đồng thời, hiện nay Bộ Tài chính đang xây dựng hồ sơ trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định việc giảm tiền thuê đất năm 2024 nhằm tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế phục hồi, tăng trưởng, đặc biệt sau cơn bão số 3 (Yagi).
Bộ Tài chính cho rằng, việc ban hành và thực hiện các giải pháp nêu trên cũng đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao của cộng đồng doanh nghiệp, người dân; góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh để đóng góp vào kết quả tích cực về phát triển kinh tế - xã hội.
Cần thêm giải pháp hỗ trợ duy trì đà phục hồi
Bộ Tài chính đánh giá, có thể thấy trong thời gian qua nhiều giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất nhằm giảm nghĩa vụ đóng góp của doanh nghiệp, người dân được triển khai thực hiện với giá trị hỗ trợ lớn, phạm vi hỗ trợ rộng, đã góp phần vào những kết quả tích cực trong phục hồi và phát triển kinh tế xã hội cũng như hoạt động của doanh nghiệp, người dân, qua đó đóng góp trở lại cho NSNN.
Cần có thêm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế để có thể tiếp tục duy trì đà phục hồi và tăng trưởng. Ảnh: TN
Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố tích cực thì cũng tồn tại không ít thách thức, rủi ro có thể ảnh hưởng tới việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế của năm 2025 (kế hoạch là 6,5%-7%).
Kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt với nhiều thách thức có thể kéo lùi đà tăng trưởng, từ sự gia tăng bất ổn địa chính trị tại nhiều khu vực, cho tới việc các quốc gia tăng cường theo đuổi chính sách bảo hộ kinh tế.
"Các giải pháp về gia hạn, miễn, giảm các khoản thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất; đặc biệt là chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% đã tác động trực tiếp đến người dân, kích cầu tiêu dùng trong nước. Điều này có ý nghĩa lớn khi cùng với đầu tư và xuất khẩu, tiêu dùng trong nước là một trong 3 động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế" - TS. Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương.
Ở trong nước, tỷ lệ doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn có xu hướng cao; tiêu dùng, giải ngân đầu tư công chưa được như kỳ vọng; các yếu tố đầu vào trong sản xuất gặp nhiều rào cản cũng như khó khăn trong chuyển dịch mô hình tăng trưởng; đổi mới môi trường kinh doanh và cải cách thể chế mặc dù đạt được một số tiến bộ, nhưng vẫn chậm, tiềm ẩn nhiều rủi ro trong đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân…
Bộ Tài chính cho rằng, thực tế này đang đặt ra nhiều thách thức đối với mục tiêu tăng trưởng của năm 2025 cũng như tác động không nhỏ tới hoạt động của doanh nghiệp, người dân là động lực của tăng trưởng. Do đó, đòi hỏi cần có thêm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế để có thể tiếp tục duy trì đà phục hồi và tăng trưởng./.
Văn Tuấn