Nhờ chính sách khoán bảo vệ rừng mới được điều chỉnh, tăng từ 300.000 đồng lên 500.000 đồng/ha/năm, hàng nghìn hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở Bình Thuận (cũ) vừa bảo vệ rừng hiệu quả, vừa ổn định sinh kế, cải thiện thu nhập.
Giữ rừng không chỉ là nhiệm vụ mà còn trở thành sinh kế gắn bó của nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại Bình Thuận (cũ). Với địa hình phức tạp, rừng nơi đây vừa là lá phổi xanh bảo vệ môi trường, vừa là “nguồn sống” của cộng đồng Raglai bao đời nay.
Đồng bào dân tộc thiểu số phối hợp với kiểm lâm đi tuần tra, bảo vệ rừng. Ảnh: Báo Lâm Đồng.
Những năm gần đây, nhờ chính sách giao khoán bảo vệ rừng, hàng nghìn hộ đồng bào đã được tạo điều kiện tham gia quản lý, chăm sóc và bảo vệ rừng, đồng thời có thêm nguồn thu nhập ổn định. Theo Nghị quyết 18 của HĐND tỉnh Bình Thuận (cũ), mỗi hộ dân được nhận khoán diện tích tối đa 30 ha, mức hỗ trợ trước đây là 300.000 đồng/ha/năm.
Tuy nhiên, do địa bàn rừng rộng lớn, đường sá hiểm trở, công việc tuần tra, bảo vệ rừng vất vả, mức hỗ trợ này chưa thực sự tương xứng với công sức mà bà con bỏ ra. Ông Mang Hanh, người đã có gần 30 năm nhận khoán rừng tại Phan Dũng (nay thuộc xã Tuy Phong), chia sẻ: “Chúng tôi phải đi tuần thường xuyên, kiểm tra khắp các khu vực để ngăn chặn nạn chặt phá, đốt rừng, lấn chiếm đất. Nhưng mức kinh phí trước đây còn thấp, chưa đủ để trang trải cuộc sống”.
Chính vì vậy, khi biết tin HĐND tỉnh Bình Thuận (cũ) vừa thông qua điều chỉnh nâng mức kinh phí khoán bảo vệ rừng lên 500.000 đồng/ha/năm từ cuối tháng 6/2025, nhiều hộ dân phấn khởi, cảm thấy được tiếp thêm động lực. “Bà con rất mừng. Nhờ khoản hỗ trợ tăng thêm, đời sống sẽ bớt khó khăn, có điều kiện chăm lo gia đình và yên tâm giữ rừng tốt hơn”, ông Hanh nói.
Theo Ban Quản lý rừng phòng hộ Tuy Phong hiện có 135 hộ dân tộc Raglai tham gia nhận khoán hơn 4.000 ha rừng sản xuất. Không chỉ tuần tra, bảo vệ, bà con còn tham gia phòng cháy chữa cháy rừng, trồng bổ sung cây rừng, duy trì độ che phủ. Ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Trưởng Ban Quản lý, cho biết: “Chính sách khoán giúp tăng cường lực lượng bảo vệ rừng tại chỗ, nâng cao ý thức của người dân. Nhờ đó, chất lượng rừng được cải thiện rõ rệt, số vụ vi phạm lâm luật giảm dần qua từng năm”.
Thực tế, trong năm 2024, toàn tỉnh Bình Thuận (cũ) có 1.665 hộ đồng bào DTTS nhận khoán bảo vệ gần 50.000 ha rừng, với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 17 tỷ đồng. Đây là con số minh chứng cho hiệu quả của chính sách này trong việc tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế và gắn kết cộng đồng với công tác bảo vệ rừng.
Đặc biệt, với diện tích rừng giao khoán chiếm khoảng 60% diện tích rừng toàn tỉnh, việc đồng bào tham gia bảo vệ rừng còn mang ý nghĩa lớn trong việc duy trì “lá chắn xanh” cho khu vực Nam Trung Bộ, hạn chế xói mòn, giữ nguồn nước và bảo vệ đa dạng sinh học.
Ngoài ra, Nghị quyết 18 còn gắn liền với các chính sách khác như Nghị quyết 04-NQ/TU của Tỉnh ủy, Chương trình mục tiêu Quốc gia (Chương trình 135), chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất cho vùng đồng bào dân tộc thiêu số,… Tất cả đã và đang từng bước giúp đời sống đồng bào có nhiều thay đổi tích cực. Theo Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Bình Thuận (cũ), sự kết hợp linh hoạt các chính sách đã giúp nhiều hộ Raglai từ chỗ thiếu đói, phụ thuộc vào nương rẫy nay đã có thu nhập ổn định hơn, trẻ em được đến trường, nhiều gia đình xây được nhà kiên cố, mua sắm phương tiện sinh hoạt.
Để tiếp tục phát huy hiệu quả, các cơ quan chức năng đang tích cực hỗ trợ tập huấn kỹ năng tuần tra, phòng cháy chữa cháy, hướng dẫn cách bảo vệ và phát triển rừng bền vững. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng khuyến khích bà con kết hợp mô hình kinh tế dưới tán rừng như trồng dược liệu, chăn nuôi gia súc nhỏ, phát triển du lịch sinh thái cộng đồng… Từ đó, không chỉ giúp giữ rừng mà còn mở rộng cơ hội sinh kế đa dạng, giảm dần phụ thuộc vào khoản khoán chính.
Nhiều người dân bày tỏ mong muốn chính sách này được duy trì lâu dài và tiếp tục điều chỉnh phù hợp thực tế, bởi rừng không chỉ là tài nguyên, mà còn là “mái nhà chung” bảo vệ cộng đồng trước biến đổi khí hậu.
Hoàng Việt - Cao Hiếu