Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4-2025

Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4-2025
một ngày trướcBài gốc
Thí điểm làm nhà ở thương mại theo thỏa thuận
Nghị quyết 171/2024/QH15 thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại qua thỏa thuận nhận quyền hoặc đang có quyền sử dụng đất.
Theo đó, từ 1-4, tổ chức kinh doanh bất động sản được nhận chuyển quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất đối với đất nông nghiệp để thực hiện dự án thí điểm nếu đáp ứng điều kiện:
Phạm vi khu đất, thửa đất thực hiện dự án phù hợp với quy hoạch sử dụng đất cấp huyện hoặc quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị; phù hợp với chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương đã được phê duyệt;
Phạm vi khu đất, thửa đất thực hiện dự án nằm trong danh mục các khu đất dự kiến thực hiện dự án thí điểm do HĐND cấp tỉnh thông qua;
Có văn bản chấp thuận của UBND cấp tỉnh về việc thỏa thuận nhận quyền sử dụng đất để thực hiện dự án thí điểm đối với dự án của tổ chức kinh doanh bất động sản nhận quyền sử dụng đất và dự án của tổ chức kinh doanh bất động sản đang có quyền sử dụng đất và nhận quyền sử dụng đất.
Quy định về tiền lương trong doanh nghiệp nhà nước
Chính phủ ban hành Nghị định số 44/2025/NĐ-CP, ngày 28-2-2025 quy định về quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng trong doanh nghiệp nhà nước.
Cụ thể, lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng trong doanh nghiệp được xác định gắn với nhiệm vụ, năng suất lao động và hiệu quả sản xuất, kinh doanh, phù hợp với ngành nghề, tính chất hoạt động của doanh nghiệp, hướng đến bảo đảm mặt bằng tiền lương trên thị trường; thực hiện cơ chế tiền lương phù hợp để doanh nghiệp thu hút, khuyến khích đội ngũ nhân lực công nghệ cao thuộc các lĩnh vực công nghệ cao được nhà nước ưu tiên phát triển… Nghị định 44 có hiệu lực từ ngày 15-4-2025.
Người dân, nhà đầu tư đang tìm hiểu một dự án bất động sảnẢnh: HOÀNG TRIỀU
Nguyên tắc phân bổ vốn đầu tư công
Nghị quyết số 70/2025/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2026 - 2030. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-4-2025.
Theo nghị quyết, việc phân bổ vốn phải bảo đảm tập trung, hiệu quả, không dàn trải, đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội quốc gia.
Nguyên tắc phân bổ gồm: Tuân thủ Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước; tăng cường huy động vốn ngoài ngân sách, giảm các thủ tục hành chính; ưu tiên các dự án quan trọng quốc gia, các công trình hạ tầng giao thông, kết nối vùng, chuyển đổi số, năng lượng, an ninh nguồn nước; bảo đảm tính công khai, minh bạch trong phân bố. Thứ tự phân bố vốn được xác định như sau:
Dự án đầu tư công khẩn cấp; chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia; hoàn trả vốn ứng trước, thanh toán nợ đọng xây dựng; dự án hoàn thành nhưng chưa được bố trí đủ vốn; chương trình sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi quốc tế; dự án PPP theo quy định về đầu tư đối tác công tư.
Nghị quyết cũng quy định các tiêu chí và định mức phân bổ vốn ngân sách Trung ương, vốn địa phương, vốn trong nước và vốn nước ngoài giai đoạn 2026 - 2030. Theo đó, các địa phương vùng miền núi, biên giới, hải đảo sẽ được ưu tiên phân bố vốn để thu hẹp khoảng cách phát triển.
Về định mức phân bố vốn giai đoạn 2026 - 2030, sẽ dành tối đa không quá 30% vốn ngân sách Trung ương để bổ sung có mục tiêu cho địa phương và được phân bổ theo ngành, lĩnh vực (không bao gồm vốn các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia và vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài).
Mức vốn ngân sách Trung ương còn lại được phân bổ cho các bộ, cơ quan Trung ương theo ngành, lĩnh vực. Các bộ, cơ quan Trung ương chịu trách nhiệm phân bổ cụ thể cho các chương trình, dự án theo đúng quy định của pháp luật và theo các nguyên tắc, thứ tự ưu tiên quy định tại nghị quyết này.
Cấp xã không còn ban hành văn bản quy phạm pháp luật
Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2025 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-4-2025 có nhiều điểm mới. Trong đó, điều 4 luật này quy định hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong đó không còn nghị quyết của HĐND cấp xã, quyết định của UBND cấp xã.
Như vậy, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2025 đã bỏ thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền cấp xã.
Do đó, kể từ ngày 1-4, HĐND cấp xã và UBND cấp xã không có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Trường hợp nào sinh viên sư phạm được miễn, giảm bồi hoàn?
Nghị định 60/2025/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 116/2020/NĐ-CP về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm, có hiệu lực từ ngày 20-4-2025 và áp dụng bắt đầu từ năm học 2025-2026.
Theo điều 1 nghị định này, sinh viên sư phạm sẽ được xóa kinh phí bồi hoàn nếu thuộc đối tượng bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên hoặc từ trần. Sinh viên sư phạm được miễn hoặc giảm mức bồi hoàn nếu thuộc đối tượng hưởng chính sách miễn hoặc giảm học phí theo quy định của Chính phủ.
UBND cấp tỉnh nơi sinh viên thường trú quyết định miễn, giảm hoặc xóa kinh phí bồi hoàn cho sinh viên sư phạm thuộc đối tượng chính sách.
BẢO NGỌC
Nguồn NLĐ : https://nld.com.vn/chinh-sach-moi-co-hieu-luc-tu-thang-4-2025-196250331204412132.htm