Tỷ phú Elon Musk tại Paris, Pháp tháng 6/2023. Ảnh: Reuters.
Elon Musk, CEO của Tesla và SpaceX, đã được Tổng thống Donald Trump bổ nhiệm lãnh đạo một cơ quan mới dự kiến gọi là “Bộ Hiệu quả Chính phủ” (DOGE). Mục tiêu của cơ quan này là cắt giảm chi tiêu liên bang, tập trung vào việc tìm kiếm các lãng phí trong các bộ của chính phủ Mỹ. Ông Musk có thể đề xuất các biện pháp cắt giảm lên tới 2 nghìn tỷ USD, chủ yếu tác động đến các lĩnh vực như y tế và An sinh Xã hội, nhưng các đề xuất này vẫn cần được Quốc hội phê duyệt.
Trước đó, vị tỷ phú này đã thể hiện rõ khả năng tối ưu hóa nguồn lực bằng một quyết định khắc nghiệt - sa thải hàng nghìn nhân viên X (trước đó là Twitter) để giữ cho bộ máy tinh gọn nhất.
Môi trường cạnh tranh của những người giỏi nhất
Cuộc sa thải hàng loạt tại Twitter (hiện là X) dưới thời Elon Musk là một ví dụ điển hình về cách tiếp cận nhân sự mạnh tay, không khoan nhượng của tỷ phú này. Chỉ trong vòng vài tháng sau khi tiếp quản Twitter, ông Elon Musk đã cắt giảm gần 75% lực lượng lao động, từ 8.000 nhân viên xuống còn hơn 2.000 người, theo tiết lộ của nhà báo Walter Isaacson trong cuốn tiểu sử Elon Musk.
Đợt sa thải diễn ra ngay trước Lễ Tạ Ơn năm 2022, khi tỷ phú Elon Musk gửi email cho 50 kỹ sư thông báo rằng họ sẽ mất việc ngay lập tức do không đạt yêu cầu trong đánh giá lập trình. Những thay đổi này đã biến Twitter từ một môi trường làm việc dễ chịu, với các tiện nghi như bữa ăn miễn phí và phòng yoga, thành một nơi đầy căng thẳng, yêu cầu cống hiến cao, chỉ dành cho những người sẵn sàng đối mặt với thử thách.
Theo nhà báo Isaacson, ông Elon Musk tin rằng chỉ cần một đội ngũ nhỏ gồm những kỹ sư xuất sắc và đa năng có thể tạo ra hiệu quả cao hơn một tập thể đông đúc nhưng chỉ đạt mức trung bình. Ông ví những nhân viên còn lại như "tiểu đoàn lính thủy đánh bộ" được phối hợp chặt chẽ, sẵn sàng đối mặt với mọi khó khăn.
Chính vì vậy, ông Elon Musk đã yêu cầu nhân viên lập danh sách những người có năng lực trung bình để cắt giảm, đồng thời chỉ giữ lại các kỹ sư có thành tích nổi bật. Tư duy này không chỉ là chiến lược tiết kiệm chi phí mà còn là định hướng tái cấu trúc văn hóa làm việc tại Twitter, nơi mà các kỹ sư công nghệ sẽ thay thế vai trò của những nhà quản lý sản phẩm trong việc dẫn dắt công ty.
Cuốn tiểu sử Elon Musk của nhà báo Walter Isaacson. Ảnh: Tramdoc.
Để đảm bảo quá trình sa thải được thực hiện nhanh chóng, Musk đã yêu cầu các kỹ sư gửi những đoạn mã mới nhất để đánh giá. Trong một đêm, nhóm lãnh đạo đã phải xem xét hàng trăm email chứa mã nguồn để quyết định ai sẽ được ở lại. Chính sách này cho thấy nhà sáng lập SpaceX không ngại phá vỡ cấu trúc cũ và sẵn sàng thực hiện các quyết định đột phá nhưng có phần khắc nghiệt.
Sự chuyển đổi văn hóa làm việc của Twitter gây ra không ít tranh cãi. Elon Musk đã tự tin đối mặt với làn sóng chỉ trích, thậm chí mỉa mai về khả năng Twitter có thể sẽ sụp đổ.
Tuy nhiên, dưới sự điều hành của tỷ phú Elon Musk và đội ngũ kỹ sư nhỏ gọn, Twitter không chỉ tiếp tục vận hành mà còn nhanh chóng triển khai nhiều tính năng mới. Như tác giả Walter Isaacson nhận xét, ông Elon Musk thực sự muốn xây dựng một nền tảng kỹ thuật số với cốt lõi là công nghệ, và quan điểm của ông là người lãnh đạo cần am hiểu về lập trình hơn là về nhu cầu xã hội.
Những đợt sa thải chóng vánh và không khoan nhượng của ông Elon Musk có thể mang lại hiệu quả ngắn hạn nhưng đồng thời cũng tạo ra môi trường làm việc khắc nghiệt. Chính sách nhân sự của Elon Musk thể hiện tư duy coi trọng những cá nhân tài năng nhất, sẵn sàng hy sinh số đông để đảm bảo tính hiệu quả cho công ty.
Trong quan điểm lãnh đạo của nhà sáng lập Space X, bước đi này là cần thiết để xây dựng Twitter thành một đế chế công nghệ, thay vì một nền tảng truyền thông thông thường.
Elon Musk có đang áp dụng quy tắc "hai chiếc bánh pizza"?
Chính sách nhân sự khắc nghiệt của Elon Musk tại X có một số điểm tương đồng với quy tắc "hai chiếc bánh pizza" nổi tiếng của Jeff Bezos, nhà sáng lập Amazon.
Theo quy tắc này, mỗi nhóm trong nội bộ Amazon phải đủ nhỏ để chỉ cần hai chiếc bánh pizza là có thể phục vụ cả nhóm, nhằm tạo điều kiện tối ưu cho sự linh hoạt và hiệu quả. Mô hình nhóm nhỏ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí và giảm thiểu các trở ngại về tổ chức, cho phép các nhóm nhỏ hoạt động với sự linh động cao hơn và tự chủ hơn, thúc đẩy hiệu quả làm việc trong mọi nhiệm vụ.
Biểu tượng và thương hiệu Twitter đã biến mất khi tỷ phú Elon Musk mua lại và đổi tên thành X. Ảnh: PBS.
Cũng như ông Bezos, tỷ phú Elon Musk nổi tiếng với việc tổ chức các nhóm nhỏ gọn, yêu cầu các thành viên phải đáp ứng khối lượng công việc lớn và có khả năng đưa ra quyết định độc lập mà không cần chờ phê duyệt từ cấp trên. Việc thanh lọc nhân sự X năm 2022 là một ví dụ
"Elon muốn đội ngũ của mình gắn kết, không chờ đợi, không đùn đẩy trách nhiệm", một cựu nhân viên Tesla chia sẻ. Lời nói trên cho thấy ông Elon Musk luôn đề cao tính chủ động và trách nhiệm cá nhân trong các nhóm làm việc. Tương tự Amazon, các nhóm nhỏ tại X cũng cho phép tỷ phú Musk kiểm soát và theo dõi hiệu quả công việc của từng thành viên một cách sát sao.
Trong một bài viết trên tạp chí Forbes, tác giả của cuốn sách Lãnh đạo tương lai, Jacob Morgan cũng đồng tình với quan điểm “hai chiếc bánh pizza”. Cây bút của Forbes chia sẻ: "Những nhóm nhỏ mang đến sự cam kết và hài lòng cao hơn từ nhân viên, nhờ vào sự rõ ràng và dễ quản lý trong các nhóm làm việc”.
Dù phương thức quản lý nhân sự của Elon Musk có vẻ khắt khe hơn, về mặt tinh thần, nó có nét tương đồng với triết lý "hai chiếc bánh pizza" của Bezos: duy trì đội ngũ nhỏ gọn, năng động, có tính chịu trách nhiệm cao và luôn sẵn sàng cho các thử thách khắc nghiệt.
Đức Huy