Chính sách nhập cư của Tổng thống Trump đe dọa nguồn thu lớn của Đại học Columbia

Chính sách nhập cư của Tổng thống Trump đe dọa nguồn thu lớn của Đại học Columbia
5 giờ trướcBài gốc
Đại học Columbia tại New York, Mỹ. Ảnh: REUTERS/TTXVN
Theo tờ Politico ngày 17/5, sinh viên quốc tế chiếm khoảng 40% tổng số sinh viên tại Columbia, đứng thứ ba toàn quốc chỉ sau Đại học New York (NYU) và Đại học Northeastern. Với mức học phí trung bình hơn 70.000 USD/năm, nhóm sinh viên này mang lại cho Columbia tới 903 triệu USD doanh thu trong năm học 2023 - 2024, gấp đôi số tiền trường bị chính quyền Mỹ đóng băng trong quỹ nghiên cứu liên bang hai tháng trước.
Tuy nhiên, các động thái cứng rắn từ Nhà Trắng như bắt giữ người nước ngoài tham gia biểu tình ủng hộ Palestine và rà soát thị thực sinh viên quốc tế đang đặt Đại học Columbia vào thế rủi ro cao. Một số trường hợp đã bị thu hồi visa dù không tham gia biểu tình, gây tranh cãi pháp lý và làm gia tăng lo ngại trong cộng đồng sinh viên quốc tế.
Quyền Hiệu trưởng Claire Shipman bày tỏ lo ngại rằng tình hình hiện nay không chỉ tác động đến hoạt động của nhà trường mà còn ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia. Bà nhấn mạnh rằng các trường đại học Mỹ vốn thu hút nhân tài toàn cầu và việc mất đi nguồn lực này sẽ gây hệ lụy nghiêm trọng đối với kinh tế và xã hội.
Căng thẳng leo thang khiến nhiều sinh viên quốc tế bắt đầu cân nhắc rời Mỹ. Một nghiên cứu sinh chia sẻ với tờ Politico rằng đã chuẩn bị visa sang Canada sau vụ Columbia thu hồi thị thực của nghiên cứu sinh Ranjani Srinivasan. Các công ty tư vấn du học cũng đang chủ động cảnh báo khách hàng về rủi ro khi chọn Mỹ là điểm đến học tập.
Trong khi đó, nhiều quốc gia khác như Canada, Australia và các nước châu Âu đang tích cực thu hút sinh viên quốc tế giữa lúc Mỹ siết chặt chính sách. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen mới đây công bố chương trình “Chọn châu Âu cho khoa học” trị giá 500 triệu euro nhằm tranh thủ dòng nhân tài toàn cầu rời bỏ Mỹ.
Nhiều chuyên gia cảnh báo nếu xu hướng hiện tại kéo dài, Mỹ có thể mất dần lợi thế cạnh tranh học thuật toàn cầu. Luật sư giáo dục Jodie Ferise nhận định Canada và Australia đang sẵn sàng trở thành điểm đến thay thế cho sinh viên quốc tế.
Tính đến đầu tháng 5, Bộ Ngoại giao Mỹ đã hủy visa và xóa hồ sơ của hơn 1.600 sinh viên quốc tế. Dù phần lớn các trường hợp đã được tòa án tạm đình chỉ thi hành, nhưng các trường đại học như Columbia, Harvard hay MIT buộc phải tăng cường hướng dẫn sinh viên về an toàn thị thực và rủi ro phát sinh từ các hoạt động chính trị, kể cả trên mạng xã hội.
Tại Quốc hội, một số nghị sĩ Cộng hòa cho rằng việc siết kiểm soát visa là cần thiết để ngăn chặn tình trạng gia tăng chủ nghĩa bài Do Thái trong các trường. Hạ nghị sĩ Burgess Owens nhấn mạnh: “Nếu không tôn trọng văn hóa của chúng ta, họ nên trở về nước”.
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo tác động tiêu cực sẽ không chỉ giới hạn ở Đại học Columbia hay các trường đại học danh tiếng. Cựu quan chức Bộ Giáo dục Mỹ Diane Auer Jones cho rằng trong khi các trường tư có thể ít bị ảnh hưởng, thì các trường công lập sẽ chịu tác động nặng nề hơn nếu số lượng sinh viên quốc tế giảm sút.
Với hơn 13.700 sinh viên quốc tế trong năm 2024, Đại học Columbia đang đối mặt với bài toán giữ vững nguồn thu chiến lược trong bối cảnh chính trị nhiều biến động.
Hoàng Anh/Báo Tin tức và Dân tộc
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/the-gioi/chinh-sach-nhap-cu-cua-tong-thong-trump-de-doa-nguon-thu-lon-cua-dai-hoc-columbia-20250518155816883.htm