Ô tô nhập khẩu được vận chuyển tại cảng Long Beach, California, Mỹ. Ảnh minh họa: Getty Images/TTXVN
Theo Art Wheaton, chuyên gia về các ngành công nghiệp vận tải thuộc Đại học Cornell (Mỹ), mức thuế 25% đối với ô tô và phụ tùng sẽ tạo ra sự tăng giá ngay lập tức và gây hỗn loạn cho các chuỗi cung ứng khi Mỹ nhập khẩu khoảng một nửa số xe và phần lớn phụ tùng bán trên thị trường. Do đó, chính sách thuế của ông Trump có thể làm tăng giá mỗi chiếc xe từ 10.000 đến 20.000 USD.
Còn theo kinh tế gia Michael Feroli của JP Morgan, điều này sẽ góp phần làm gia tăng lạm phát trong năm nay và làm giảm tăng trưởng tổng thể do tác động đối với người tiêu dùng, một viễn cảnh phù hợp với các dự báo gần đây về việc hạ thấp triển vọng của các nhà hoạch định chính sách thuộc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Các mức thuế có thể đẩy chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) - không bao gồm thực phẩm và năng lượng - tăng thêm 0,3 điểm phần trăm vào cuối năm, lên 3,1%, xa hơn mục tiêu 2% của Fed, đồng thời sản lượng kinh tế sẽ giảm 0,2 điểm phần trăm, xuống còn 1,3%.
Đối với Fed, các mức thuế sẽ khiến cơ quan này cảnh giác với lạm phát, điều có thể dẫn đến chính sách tiền tệ thắt chặt hơn và do đó làm tăng lãi suất vay mua xe - một cú đòn nữa đối với người tiêu dùng ngoài cú sốc giá xe. Chủ tịch Fed chi nhánh St. Louis, Alberto Musalem cho biết về lý thuyết, các mức thuế mới có thể gây ra một cú sốc về giá một lần, nhưng cũng có khả năng sẽ tác động lâu dài hơn. Theo đó, khi các doanh nghiệp nhập khẩu điều chỉnh, các nhà sản xuất của Mỹ có thể thấy cơ hội để tăng giá. Điều này có thể dẫn đến việc PCE tăng 1,2 điểm phần trăm với hơn một nửa trong số đó đến từ các tác động gián tiếp có thể kéo dài.
Cuối cùng, một hậu quả nữa có thể xảy ra là khả năng cắt giảm việc làm trong ngành ô tô. Theo Chủ tịch Fed chi nhánh Richmond, Thomas Barkin, khi phải đối mặt với các vấn đề về thuế, các doanh nghiệp sẽ phải cân nhắc về việc đẩy chi phí cho người tiêu dùng, hay giảm biên lợi nhuận của họ hoặc cắt giảm việc làm.
Hoàng An (TTXVN)