Quang cảnh cảng hàng hóa Long Beach ở California, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
Đại diện ngành công nghiệp may mặc của Sri Lanka cảnh báo rằng thuế quan cao từ Mỹ sẽ tác động tiêu cực đến ngành xuất khẩu lớn nhất của quốc đảo này và khiến hàng nghìn lao động có nguy cơ mất việc.
Ông Yohan Lawrence, người đứng đầu Diễn đàn Hiệp hội May mặc Sri Lanka (JAAF), cho biết mức thuế 44% mà chính quyền Tổng thống Donald Trump áp đặt đối với hàng hóa Sri Lanka là quá cao so với các đối thủ cạnh tranh trong khu vực như Ấn Độ (27%) hay Bangladesh (37%).
Theo JAAF, mức thuế này có thể gây gián đoạn nghiêm trọng đến ngành may mặc, vốn chiếm 2/3 tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này sang Mỹ. Năm ngoái, Sri Lanka xuất khẩu 3 tỷ USD hàng hóa sang Mỹ, trong khi nhập khẩu chỉ đạt 368 triệu USD, tạo ra thặng dư thương mại lớn có lợi cho Colombo.
Chính phủ Sri Lanka đã thành lập một ủy ban để đánh giá tác động của chính sách thuế mới này và tìm giải pháp ứng phó.
Trong khi đó, Chính phủ Ấn Độ tuyên bố đang nghiên cứu tác động của mức thuế 27% mà Mỹ áp đặt và cam kết thúc đẩy một thỏa thuận thương mại trong năm nay.
Dù Tổng thống Trump tuyên bố mức thuế dành cho Ấn Độ là 26%, nhưng theo lệnh hành pháp của Nhà Trắng, con số thực tế là 27%. Bộ Thương mại Ấn Độ đã bắt đầu thảo luận với các ngành công nghiệp trong nước để đánh giá cơ hội và thách thức từ quyết định này.
Mặc dù bị áp thuế, Ấn Độ vẫn có lợi thế cạnh tranh hơn một số quốc gia khác. Các ngành hàng điện tử (tổng giá trị 14 tỷ USD) và trang sức (9 tỷ USD) chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, trong khi ngành dược phẩm lại được miễn thuế, giúp duy trì dòng chảy xuất khẩu sang Mỹ, vốn chiếm một phần ba tổng doanh thu ngành dược của nước này. Hiện chính quyền của Thủ tướng Narendra Modi đang tìm cách đàm phán với Mỹ để giảm thiểu tác động tiêu cực từ thuế lên các ngành xuất khẩu chủ lực.
Còn tại Nam Phi, chính quyền nước này cảnh báo mức thuế 30% mà Mỹ áp dụng đối với hàng hóa nước này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quan hệ thương mại song phương, đặc biệt là ngành công nghiệp ô tô.
Tổng thống Cyril Ramaphosa nhấn mạnh cần thiết phải đàm phán một hiệp định thương mại mới với Mỹ để đảm bảo sự ổn định trong dài hạn. Mỹ hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Nam Phi, với ngành ô tô đóng vai trò quan trọng khi chiếm phần lớn xuất khẩu sang thị trường này.
Ngoài mức thuế 30%, Mỹ cũng áp đặt thuế 25% đối với ô tô và linh kiện nhập khẩu từ Nam Phi, tác động đến hơn 86.000 việc làm trong ngành sản xuất ô tô và 125.000 lao động trong chuỗi cung ứng.
Nam Phi hiện đang nỗ lực duy trì AGOA - Đạo luật Tăng trưởng và cơ hội châu Phi, cho phép các nước châu Phi tiếp cận ưu đãi vào thị trường Mỹ. Tuy nhiên, quan hệ giữa hai nước đã xấu đi đáng kể khi Mỹ cắt viện trợ tài chính và trục xuất đại sứ Nam Phi vào tháng trước.
Chính quyền Tổng thống Trump đang tiến hành áp đặt các mức thuế cao đối với hàng nhập khẩu từ nhiều quốc gia, với lý do giảm thâm hụt thương mại và bảo vệ ngành công nghiệp trong nước. Ngoài Sri Lanka, Ấn Độ và Nam Phi, Trung Quốc bị áp thuế 34%, trong khi Việt Nam chịu mức thuế lên đến 46%.
Các động thái này đã khiến thị trường chứng khoán toàn cầu biến động mạnh, với chỉ số chứng khoán châu Á giảm từ 1,5% đến 3%. Đồng rupee Ấn Độ giảm 0,3% so với đồng USD trước khi phục hồi nhẹ. Giá dầu thô giao kỳ hạn giảm hơn 5%.
Trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang, nhiều quốc gia đang tìm cách đàm phán lại các thỏa thuận với Mỹ để giảm thiểu tác động tiêu cực và bảo vệ ngành công nghiệp xuất khẩu.
Lan Phương (TTXVN)