Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: REUTERS/TTXVN
Giới phân tích nhận định các biện pháp thuế quan được tân Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mới đây sẽ có tác động hạn chế đối với khu vực vùng Vịnh sau khi ông Trump đe dọa áp thuế tới 25% đối với Mexico và Canada vào ngày 1/2.
Ông Scott Livermore, nhà kinh tế trưởng về Trung Đông và Bắc Phi của hãng tư vấn kinh tế Oxford Economics, cho rằng vẫn còn nhiều điều không chắc chắn về chính sách sau khi ông Trump nhậm chức. Tuy nhiên, theo chuyên gia này, vùng Vịnh dường như chưa phải là một khu vực bị ảnh hưởng. Ông Livermore nói thêm: "Một số ít quốc gia ở Trung Đông, bao gồm Bahrain và Oman, sẽ được hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do toàn diện với Mỹ cũng như hầu hết các quốc gia bị thâm hụt thương mại với Mỹ. Tuy nhiên, các kế hoạch thuế quan được đề xuất của ông Trump chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng và nhu cầu toàn cầu. Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) có thể thua cuộc trong một thế giới ít toàn cầu hóa hơn khi các cơ hội thương mại và đối tác bị thu hẹp, yếu tố có khả năng làm suy giảm đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)".
Tổng thống Trump cho biết, ông có kế hoạch áp mức thuế lên tới 25% đối với Mexico và Canada vào ngày 1/2, sau khi ông tuyên bố hai nước này đang cho phép dòng người di cư bất hợp pháp xâm nhập nước Mỹ. Ông Trump cho hay ông cũng đang xem xét một mức thuế phổ quát đối với tất cả hàng nhập khẩu vào Mỹ.
Nhà kinh tế Livermore nói thêm trong Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS), các thuế quan tương lai có thể được áp dụng đối với Trung Quốc, điều có thể mang lại cơ hội cho một số quốc gia. Tuy nhiên, ông Livermore cũng cho rằng hầu hết các nền kinh tế ở Trung Đông khó có thể thu hút các nhà sản xuất dịch chuyển từ Trung Quốc do có dân số nhỏ và mức lương cao. Theo ông Livermore, Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ có thể khai thác một số cơ hội nhờ có vị trí địa lý gần gũi với châu Âu. Tuy nhiên, Ai Cập hiện có cơ sở hạ tầng yếu kém và gánh nặng hành chính cao, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ bị hạn chế bởi sự suy giảm khả năng cạnh tranh gần đây.
Trong khi đó, bà Monica Malik, nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Thương mại Abu Dhabi (Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất-UAE), đánh giá rằng tác động chính từ bất kỳ mức thuế tiềm năng nào của Mỹ đối với vùng Vịnh có thể sẽ là gián tiếp, thông qua tác động của chúng đối với tăng trưởng và nhu cầu năng lượng toàn cầu. Bà Malik nhận xét: "Thuế quan đối với Trung Quốc sẽ đặc biệt quan trọng do tầm quan trọng của nước này với tư cách là một nhà nhập khẩu năng lượng, trong khi bối cảnh nhu cầu yếu ở khu vực đồng euro sẽ chứng kiến những cơn gió ngược lớn hơn. Sự suy giảm thương mại toàn cầu cũng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động logistics trong khu vực vùng Vịnh".
Tuy nhiên, bà Malik cho rằng hội nhập kinh tế và thương mại toàn cầu của UAE sẽ tiếp tục gia tăng, qua đó thúc đẩy vị thế của nước này như một trung tâm thương mại và logistics cũng như trung tâm thu hút FDI. Theo bà, một tác động khác đối với vùng Vịnh sẽ là thông qua chính sách tiền tệ, với thuế nhập khẩu cao hơn, chính sách nhập cư thắt chặt hơn và chính sách tài khóa mở rộng làm tăng rủi ro đối với triển vọng lạm phát ở Mỹ. Điều này sẽ hạn chế tốc độ cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), điều chủ yếu phản ánh các động thái chính sách tiền tệ của Mỹ, trong khi triển vọng mạnh mẽ của đồng USD sẽ ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của hoạt động xuất khẩu phi dầu mỏ của vùng Vịnh.
Nguyễn Trường (P/v TTXVN tại Cairo)