Chính sách thuế đối ứng của Mỹ: Nhiều nước Đông Nam Á chuẩn bị đàm phán với Tổng thống Trump

Chính sách thuế đối ứng của Mỹ: Nhiều nước Đông Nam Á chuẩn bị đàm phán với Tổng thống Trump
20 giờ trướcBài gốc
Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh về thuế quan đối ứng. Ảnh: The Economist/Hanoimoi
Theo Straitstimes, 6 trong số 9 quốc gia Đông Nam Á được đề cập đến trong kế hoạch thuế đối ứng của Tổng thống Trump đã bị áp mức thuế quan lớn hơn nhiều so với dự kiến, từ 32% - 49%, trong khi mức thuế đối với Liên minh châu Âu (EU) là 20%.
Việt Nam, nơi các công ty như Apple, Nike và Samsung Electronics đang tiến hành các hoạt động sản xuất lớn, dự kiến sẽ bị áp thuế đối ứng 46% đối với 90% tổng lượng hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ, cao thứ 2 trong số các nước xuất khẩu vào thị trường này. Được biết trong năm 2024, giá trị xuất khẩu sang Mỹ của Việt Nam đạt 142 tỷ USD, chiếm gần 30% GDP.
“Mô hình tăng trưởng dựa trên xuất khẩu của Việt Nam đã rất thành công, thu hút các công ty đa quốc gia... Tuy nhiên, mức thuế 46% của Mỹ sẽ là thách thức trực tiếp đối với mô hình này”, ông Leif Schneider, người đứng đầu công ty luật quốc tế Luther tại Việt Nam cho biết. Trong khi đó, Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Mỹ tại Hà Nội bày tỏ hy vọng sẽ tiếp tục có các cuộc đàm phán về các biện pháp giảm nhẹ tác động của mức thuế quan mới.
Với Campuchia, quốc gia này đang phải đối mặt với mức thuế quan cao nhất ASEAN - 49% đối với 97% tổng lượng hàng hóa xuất khẩu vào Mỹ. Mức thuế này sẽ gây tổn hại đến ngành may mặc và giày dép của Campuchia và dập tắt hy vọng có thể thu hút đầu tư chuyển về từ các quốc gia khác trong khu vực. Một cố vấn đầu tư tại Campuchia cho rằng “tình hình này rất, rất nghiêm trọng đối với nền kinh tế”.
Trong khi đó, Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra tuyên bố nước này đã chuẩn bị để ứng phó với tác động của mức thuế 36% mà chính quyền Tổng thống Trump áp đặt, đồng thời nói thêm rằng sẽ đàm phán với Mỹ để hạ mức thuế. Theo bà, do chính sách thuế quan mới này vẫn chưa có hiệu lực nên vẫn có thể đàm phán để đưa thuế xuống mức hợp lý hơn.
Bộ trưởng Thương mại Pichai Naripthaphan cho biết chính phủ Thái Lan đã chuẩn bị cho các cuộc đàm phán và rất hy vọng các cuộc đàm phán sẽ diễn ra suôn sẻ, dựa trên mối quan hệ tốt đẹp của Thái Lan với Mỹ.
Cũng trong sáng 3/4, Bộ Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia (MITI) khẳng định nước này sẽ tìm kiếm các giải pháp ngoại giao, ưu tiên đối thoại với chính quyền Mỹ về chính sách thuế quan, sau khi Washington dự kiến áp thuế quan 24% đối với hàng xuất khẩu của Malaysia sang Mỹ bắt đầu từ ngày 9/4 tới, theo các biện pháp thương mại mới nhất của Mỹ đối với các quốc gia có thặng dư thương mại lớn.
Mặc dù coi trọng các mức thuế quan, Malaysia tuyên bố sẽ không áp dụng các biện pháp trả đũa, đồng thời sẽ tích cực hợp tác với chính quyền Mỹ “để tìm kiếm các giải pháp duy trì tinh thần thương mại tự do và công bằng”.
Ở cấp độ khu vực, Malaysia sẽ sớm triệu tập cuộc họp đầu tiên của Lực lượng đặc nhiệm địa kinh tế ASEAN - được thành lập tại Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN hồi tháng 2 - để giải quyết vấn đề này.
TỐ QUYÊN (Lược dịch từ Straitstimes & Business Times)
Nguồn Thừa Thiên Huế : https://huengaynay.vn/the-gioi/chinh-sach-thue-doi-ung-cua-my-nhieu-nuoc-dong-nam-a-chuan-bi-dam-phan-voi-tong-thong-trump-152263.html