Những tin tức về việc áp thuế rồi dỡ thuế với các nước của Tổng thống Donald Trump những ngày này đã trở thành một phần trong đời sống chính trị và kinh tế nước Mỹ, đến mức khiến công chúng quên mất lý do khởi phát của chính sách này.
Chính sách thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang đối mặt với nhiều nghịch lý nội tại Nguồn: Money and Banking
Tổng thống Donald Trump từng đưa ra nhiều lý do giải thích cho việc sử dụng thuế quan như một công cụ chính sách then chốt. Theo ông, thuế quan là một công cụ kinh tế “vạn năng”, giúp nước Mỹ: (1) khôi phục năng lực sản xuất; (2) tăng thu ngân sách; (3) cân bằng cán cân thương mại; (4) gây áp lực để các nước khác điều chỉnh chính sách có lợi cho Mỹ.
Trong những tháng đầu nhiệm kỳ hai, Tổng thống Donald Trump đã sử dụng thuế quan với mục tiêu đạt được cả 4 điều này. Và thời gian đầu, thuế quan dường như đã giúp ông ghi điểm. Cán cân thương mại Mỹ trong tháng 4 đã giảm một nửa - một mức giảm đáng kể. Nhiều quốc gia đã ngồi vào bàn đàm phán sau các lời đe dọa về thuế từ Washington.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng các kết quả này chủ yếu phản ánh cú sốc ban đầu, khi doanh nghiệp và người tiêu dùng chưa kịp thích nghi. Hiệu quả thực sự có thể không kéo dài lâu.
Những thực tế khác xa kỳ vọng
Phục hồi ngành sản xuất?
Ngay từ đầu, Tổng thống Donald Trump đã đặt kỳ vọng lớn vào việc thuế quan sẽ làm sống lại ngành sản xuất trong nước. Trên chuyên cơ Air Force One hồi tháng ba, ông tuyên bố: “Mọi người cứ chờ xem. Chúng ta sẽ có thêm nhiều việc làm, sẽ có nhiều nhà máy mở cửa. Sẽ rất tuyệt vời”.
Theo đó, chính sách thuế quan của ông được định hướng trên hai trục: giảm thuế trong nước để khuyến khích đầu tư, đồng thời đánh thuế cao với hàng hóa sản xuất ở nước ngoài nhằm nâng giá thành và giảm sức cạnh tranh của chúng trên thị trường Mỹ. Trong một phát biểu trước Quốc hội Mỹ, Tổng thống Donald Trump cảnh báo: “Nếu không sản xuất tại Mỹ, dưới thời của tôi, các công ty sẽ phải trả thuế, và có thể là mức rất cao”.
Phản ứng trước động thái này, một số doanh nghiệp đã có những đáp trả tích cực: Apple cam kết đầu tư 500 tỷ USD vào sản xuất tại Mỹ, GE Appliances cho biết sẽ chuyển nhà máy từ Trung Quốc về Mỹ để sản xuất máy giặt, General Motors công bố khoản đầu tư 4 tỷ USD để tăng sản lượng trong nước. Nhiều công ty khác cũng đã đưa ra những thông báo tương tự.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cũng cho biết các kế hoạch này được hình thành trước khi thuế quan được áp dụng, bởi việc xây dựng nhà máy thường mất nhiều năm.
Một vấn đề nan giải khác: Mỹ đang thiếu lao động tay nghề cao trong ngành sản xuất. Tháng 5, Bộ Lao động báo cáo có hơn 414.000 vị trí trống. Số việc làm trong lĩnh vực này không những không tăng mà còn sụt giảm. Sau mức tăng 9.000 việc làm trong hai tháng đầu nhiệm kỳ của ông Trump, con số này đã giảm liên tiếp, và hiện thấp hơn so với thời điểm ông nhậm chức.
Mức lương cao và chi phí lao động ở Mỹ cũng khiến giá thành sản phẩm tăng mạnh. Chẳng hạn, giá một chiếc iPhone có thể cao hơn tới 3.000 USD nếu được sản xuất hoàn toàn tại Mỹ.
Mặc dù chính sách thuế quan có thể giúp một phần sản xuất quay trở lại Mỹ, nhưng nếu doanh nghiệp làm theo lời ông, sản xuất nội địa, thì nguồn thu từ thuế nhập khẩu sẽ giảm.
Tăng thu ngân sách?
Tổng thống Donald Trump nhiều lần khẳng định rằng thuế quan có thể mang lại nguồn thu “khổng lồ”, thậm chí đủ để thay thế thuế thu nhập cá nhân. “Chúng ta sẽ kiếm được rất nhiều tiền và có thể cắt bỏ hoàn toàn thuế thu nhập, vì thuế quan sẽ đủ sức thay thế”, ông từng tuyên bố trên đường trở về từ lễ tang Giáo hoàng Francis.
Tuy nhiên, để hiện thực hóa điều này, mức thuế phải đạt mức trung bình 100% trên toàn bộ hàng hóa nhập khẩu - một con số gấp nhiều lần so với mức thuế hiện tại, vốn đã cao chưa từng có. Chuyên gia Torsten Slok, Kinh tế trưởng tại Apollo Global Management nhận định rằng, mức thuế có thể phải tăng lên đến 200% để đủ thay thế toàn bộ khoản thu gần 3.000 tỷ USD từ thuế thu nhập hàng năm.
Hiện tại, thực tế còn xa so với kỳ vọng của Tổng thống Donald Trump. Theo Bộ Tài chính Mỹ, kể từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tổng doanh thu từ thuế quan mới đạt chưa đến 100 tỷ USD, với mức bình quân khoảng 20 tỷ USD mỗi tháng. Và ngay cả nguồn thu này cũng không ổn định lâu dài, bởi một số mức thuế cao hiện nay chỉ mang tính tạm thời, chẳng hạn như mức thuế 25% với Canada và Mexico nhằm gây sức ép trong cuộc chiến chống fentanyl, mà ông Trump cam kết sẽ gỡ bỏ nếu đạt được mục tiêu.
Ngoài ra, một số thỏa thuận thương mại hiện đang được đàm phán lại nhằm giảm thuế, không phải tăng.
Cân bằng thương mại?
Tổng thống Donald Trump nhiều lần nhấn mạnh rằng cán cân thương mại bất lợi cho Mỹ là bằng chứng cho thấy các nước đang “lợi dụng” nền kinh tế số một thế giới. Ông coi nước Mỹ như một “cửa hàng cao cấp”, nơi ai muốn kinh doanh phải trả phí - tức thuế quan.
Vì vậy, vào tháng 4, ông đã công bố loại “thuế đối ứng” (reciprocal tariffs), tính toán dựa trên mức thâm hụt thương mại của Mỹ với từng quốc gia, và áp thuế cao nhất với những nước xuất khẩu nhiều sang Mỹ nhưng nhập khẩu ít.
Tuy nhiên, các nhà kinh tế chỉ ra rằng cán cân thương mại không phải là khoản “lỗ” hay “trợ cấp” như Tổng thống Donald Trump tuyên bố. Trái lại, nhập siêu có thể là dấu hiệu cho thấy sức tiêu dùng nội địa mạnh. Ban đầu, thâm hụt thương mại hàng hóa đã giảm mạnh, từ 130 tỷ USD xuống còn 60 tỷ USD trong tháng 5, nhờ mức thuế 145% đã làm gián đoạn đáng kể dòng hàng từ Trung Quốc. Tuy nhiên, cán cân này đã nhanh chóng xấu đi trở lại sau khi một số mức thuế được nới lỏng.
Trong dài hạn, các chuyên gia cho rằng rất khó để thuế quan có thể duy trì hiệu quả trong việc thu hẹp việc nhập siêu, vì nhiều sản phẩm không thể sản xuất tại Mỹ, hoặc có chi phí quá cao so với sản xuất ở nước khác.
Tạo áp lực với các quốc gia khác?
Một trong những cách ông Trump sử dụng thuế quan hiệu quả nhất là như một công cụ gây sức ép trong đàm phán. Chiến lược này tỏ ra hiệu quả: chẳng hạn Canada đã rút lại kế hoạch đánh thuế dịch vụ kỹ thuật số, vốn bị xem là nhắm vào các công ty công nghệ Mỹ. Đổi lại, Mỹ cam kết tiếp tục đàm phán thương mại với Ottawa.
Tuy nhiên, không phải lúc nào thuế quan cũng phát huy tác dụng. Dòng chảy fentanyl vào Mỹ vẫn chưa dừng. Apple vẫn chưa chuyển sản xuất iPhone về nước. Hollywood không mở rộng sản xuất tại Los Angeles. Các nhà máy của hãng xe Mỹ vẫn hoạt động ở Canada và Mexico.
Một khi các quốc gia nhượng bộ, các mức thuế phải được gỡ bỏ, điều sẽ làm suy yếu mục tiêu tăng thu ngân sách.
Những nghịch lý nội tại
Dù giành được một số thành công bước đầu về cả chính trị lẫn kinh tế, chiến lược thuế quan của Tổng thống Donald Trump dường như đã bộc lộ nhiều nghịch lý ngay từ bên trong. Các mục tiêu của ông, nếu theo đuổi đồng thời, có xu hướng có thể “triệt tiêu” lẫn nhau.
Nếu thuế quan là công cụ gây sức ép, chúng phải được dỡ bỏ khi đàm phán thành công - nhưng như vậy sẽ không còn giúp cân bằng thương mại. Nếu nhằm thúc đẩy sản xuất trong nước, thì không thể đồng thời tạo nguồn thu ổn định cho ngân sách. Nếu người dân Mỹ chuyển sang dùng hàng nội địa, thì ai sẽ đóng thuế nhập khẩu?
Thuế quan, nếu được áp dụng đúng cách, có thể hỗ trợ sản xuất trong nước bằng cách làm tăng giá hàng nhập khẩu. Với quy mô nền kinh tế lớn và ít phụ thuộc vào thương mại, Mỹ có thể dùng thuế quan như một công cụ gây sức ép mà không sợ rơi vào suy thoái. Nhưng việc đạt được tất cả các mục tiêu chính sách cùng một lúc như ông Trump mong muốn, có lẽ là điều rất khó khăn.
Hồng Nhung