Chính sách thuế quan của Tổng thống Trump đe dọa ngành sản xuất Mỹ

Chính sách thuế quan của Tổng thống Trump đe dọa ngành sản xuất Mỹ
7 giờ trướcBài gốc
Các đợt thuế quan kéo dài sẽ đẩy đồng USD mạnh lên, làm hàng hóa do Mỹ sản xuất khó cạnh tranh, gây hạn chế hoạt động sản xuất của quốc gia này. (Nguồn: Reuters)
Ngày 3/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố hoãn chính sách thuế quan 25% với hàng hóa từ Mexico và Canada một tháng. Tuy vậy, Washington vẫn tiếp tục áp dụng mức thuế quan 10% với hàng hóa Trung Quốc.
Các nhà kinh tế nhấn mạnh, việc đe dọa thuế quan kéo dài sẽ làm hạn chế hoạt động sản xuất. Mức thuế quan cao đẩy đồng USD mạnh lên làm hàng hóa của Mỹ khó cạnh tranh.
Nhà kinh tế trưởng Kathy Bostjancic của công ty Nationwide khẳng định: “Thuế quan là một cú sốc cung, gây tổn hại tới sản xuất và làm tăng giá sản phẩm”, đồng thời nhấn mạnh, các đợt thuế quan khác của Mỹ sẽ gây tác động tiêu cực tới lạm phát và tăng trưởng GDP.
Theo khảo sát công bố ngày 3/2 của Viện Quản lý cung ứng (ISM), tháng 1/2025, hàng tồn kho nguyên vật liệu có xu hướng giảm, trong khi giá cả sản phẩm tăng tháng thứ tư liên tiếp.
Cũng theo khảo sát, chỉ số sản xuất PMI tháng 1/2025 của Mỹ đạt 50,9 điểm, cao nhất kể từ tháng 9/2022, vượt mức 50 điểm, ngưỡng biểu hiện cho sự tăng trưởng. Trước đó, tháng 12/2024, chỉ số này là 49,2 điểm.
Ngành sản xuất của Mỹ hoạt động kém hiệu quả hơn kể từ sau khi Cục dự trữ Liên bang (Fed) thực hiện các đợt tăng lãi suất với tổng giá trị tăng lên tới 5,25% từ năm 2022-2023 nhằm kiềm chế lạm phát.
Tháng 9/2024, Fed bắt đầu chính sách nới lỏng để kích thích nền kinh tế. Tuy nhiên, trong phiên họp tháng 1/2025, cơ quan này đã tạm ngừng giảm lãi suất do lo ngại tác động kinh tế bất định từ chính sách mới của Tổng thống Donald Trump.
Theo dữ liệu của ngân hàng trung ương này, sản lượng ngành sản xuất của Mỹ giảm 0,4% từ quý IV/2023 đến quý IV/2024.
Nhà kinh tế Veronica Clark thuộc công ty dịch vụ tài chính Citigroup nhấn mạnh: “Việc đe dọa thuế quan kéo dài làm đồng USD mạnh hơn, gia tăng thêm áp lực cho ngành sản xuất, do gần nửa số hàng hóa sản xuất của Mỹ được xuất khẩu”.
Trong tháng 1/2025, có 8 ngành sản xuất tăng trưởng dương, gồm dệt may, kim loại cơ bản, máy móc và thiết bị vận tải. Ngược lại, 8 ngành công nghiệp ghi nhận tăng trưởng giảm, gồm sản xuất hàng hóa đa dạng, chế biến gỗ, máy tính và sản phẩm điện tử.
Chỉ số đơn đặt hàng mới tăng lên 55,1 điểm vào tháng 1/2025 từ 52,1 điểm của tháng 12/2024. Chi phí sản xuất tăng cao nhất trong 8 tháng, lên 54,9 điểm từ 52,5 điểm vào tháng 12/2024, vượt qua điểm dự báo 53,5 của các nhà kinh tế.
Dù vậy, hiệu suất giao hàng của nhà cung cấp có xu hướng giảm. Theo khảo sát, chỉ số này tăng lên 50,9 so với 50,1 điểm của tháng 12/2024 (thông thường, chỉ số trên 50 cho biết việc giao hàng chậm hơn).
Giám đốc Ủy ban khảo sát kinh doanh sản xuất của ISM giải thích, các công ty tham gia khảo sát có thể đã không nhận được nguyên vật liệu cần thiết cho sản xuất.
Cũng theo khảo sát, lượng hàng tồn kho ngành giảm, đồng thời, nhập khẩu trong ngành có xu hướng tăng do các nhà sản xuất nhập nguyên liệu trước ngày thực hiện chính sách thuế quan.
Lần đầu tiên kể từ tháng 5/2024, tuyển dụng việc làm tại nhà máy sản xuất tăng. Mặc dù vậy, tăng trưởng việc làm ngành sản xuất không tương xứng với bảng lương.
Như vậy, có thể thấy số liệu ngành sản xuất của Mỹ nhìn chung có xu hướng tăng so với thời gian trước, tuy nhiên, các con số này đang bị đe dọa bởi các đợt thuế quan mới.
(theo Reuters)
Hải Phương
Nguồn TG&VN : https://baoquocte.vn/chinh-sach-thue-quan-cua-tong-thong-trump-de-doa-nganh-san-xuat-my-303192.html