Xuất hiện trên kênh truyền hình Fox News cuối tuần trước, ông Navarro khẳng định quyết định tăng thuế đối với ô tô nhập khẩu của Tổng thống, có hiệu lực vào ngày 2/4 tới, sẽ mang về cho nước Mỹ 100 tỷ USD mỗi năm. Trong khi đó, một điều khoản thuế quan bổ sung, dù hiện nay vẫn chưa được công bố chi tiết, cũng góp thêm cho ngân quỹ Washington 600 tỷ USD mỗi năm, tương đương 6.000 tỷ USD trong thập kỷ tới.
Ông Navarro là một trong những tiếng nói cứng rắn nhất về thương mại trong nhóm thân cận của nhà lãnh đạo. Mỹ. Hiện vẫn chưa rõ liệu Cố vấn Nhà Trắng đang tiết lộ trước chính sách thuế quan của Mỹ hay lên tiếng thay một bên trong cuộc tranh luận nội bộ chưa có điểm dừng về chương trình nghị sự kinh tế dưới thời ông Trump.
Cố vấn Nhà Trắng Peter Navarro. Ảnh: The Washington Post
Dù nghiêng về vế nào, bình luận của ông Navarro chắc chắn sẽ làm rung chuyển thị trường Mỹ trong bối cảnh nỗi lo sợ về cuộc chiến thương mại toàn cầu đã rục rịch trở lại kể từ khi ông Trump nhậm chức vào tháng 1/2025. Thi trường chứng khoán Mỹ đang cho thấy những dấu hiệu không mấy khả quan khi chỉ số chuẩn S&P 500 đã giảm 5% trong quý đầu tiên của năm nay.
Thuế quan là thuế áp dụng đối với hàng hóa nước ngoài nhập khẩu vào Mỹ. Một chế độ thuế quan tạo ra 600 tỷ USD mỗi năm sẽ tương đương với mức tăng thuế lớn nhất kể từ Thế chiến II, theo nhận định của chuyên gia tài chính Jessica Riedl - thành viên cấp cao tại Viện Manhattan.
"Chúng tôi chưa bao giờ thấy một tổng thống đề xuất tăng thuế mạnh như vậy vào thời điểm không có tình trạng khẩn cấp quốc gia nào yêu cầu điều đó", bà Riedl cho biết.
Để so sánh, Mỹ dự kiến chi gần 900 tỷ USD cho Lầu Năm Góc trong năm nay. Việc gia hạn cắt giảm thuế năm 2017 của ông Trump được cho là sẽ tiêu tốn khoảng 4 nghìn tỷ USD trong thập kỷ tới, làm tăng thêm khoảng 400 tỷ USD nợ quốc gia mỗi năm.
Về mặt lý thuyết, việc tạo ra 600 tỷ USD doanh thu thường niên sẽ bù đắp cho chi phí cắt giảm thuế. Tuy nhiên, các nhà kinh tế cho rằng thuế mới ở mức độ đó cũng có thể làm gia tăng sự bất ổn trên Phố Wall và làm tăng thêm nguy cơ suy thoái kinh tế ở Mỹ.
Ông Navarro vẫn chưa đưa ra lời giải thích cho dự báo doanh thu khó tin của mình. Nhưng trong những ngày gần đây, ông Trump đã hồi sinh ý tưởng áp dụng một mức thuế suất chung duy nhất cho tất cả hàng nhập khẩu vào Mỹ, bất kể sản phẩm hay quốc gia xuất xứ. Vì Mỹ nhập khẩu hơn 3.000 tỷ USD hàng hóa mỗi năm, một phép tính đơn giản cũng đủ cho thấy thuế nhập khẩu 20% đối với tất cả các mặt hàng nhập khẩu có thể mang về 600 tỷ USD doanh thu thường niên. Trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2024, ông chủ Nhà Trắng cũng đề xuất mức thuế suất cố định lên tới 20%.
Các nhà kinh tế ở cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đều lên tiếng chỉ trích gay gắt mức thuế suất cố định này, cho rằng nó sẽ làm tăng giá hàng hóa một cách bừa bãi, thậm chí ảnh hưởng đến một số mặt hàng - chẳng hạn như thực phẩm và đồ điện tử không thể sản xuất tại Mỹ.
Tháng này, Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent đã phác thảo một cách tiếp cận ôn hòa hơn đối với ngày 2/4 - ngày mà chính quyền Trump gọi là “Ngày Giải phóng”. Ông Bessent kêu gọi Nhà Trắng xác định chính sách thuế quan mới cho từng đối tác thương mại chính của mình, tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán và thỏa thuận thương mại cho tương lai. Nhưng các cố vấn của chính quyền Trump dường như vẫn giữ nguyên quan điểm rằng chính sách tăng thuế là cần thiết để tạo đà phát triển kinh tế.
"Thuế quan là việc làm. Thuế quan là an ninh quốc gia. Thuế quan sẽ làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại", ông Navarro nhấn mạnh.
Diệp Thảo/VOV.VN (biên dịch) Theo The Washington Post