Tàu hàng bốc dỡ hàng hóa tại cảng Baltimore, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
"Ngày Giải phóng" - theo cách gọi của ông Trump - sẽ đến vào ngày 2/4 và có thể mang đến một đợt thuế quan mới. Ông Trump đã tuyên bố áp thuế 25% lên toàn bộ ô tô nhập khẩu và thuế "ăn miếng trả miếng" với từng quốc gia dựa trên chính sách thương mại của họ. Kế hoạch này có thể thay đổi hay không? Không ai biết chắc.
Điều này sẽ là tin xấu với giới doanh nghiệp Mỹ bởi họ không biết cuộc chiến thương mại sẽ leo thang đến mức nào. Người tiêu dùng Mỹ cũng lo lắng lạm phát sẽ "bóp nghẹt" túi tiền của họ.
Từ khi nhậm chức, ông Trump đã hai lần tuyên bố áp thuế đánh vào hàng hóa nhập khẩu từ Canada và Mexico, rồi lại lùi thời hạn thực thi. Mức thuế bổ sung 10% nhắm vào hàng hóa Trung Quốc nay tăng gấp đôi lên 20%. Các biện pháp thuế nhắm vào từng ngành cũng rất nhiều. Ông Trump đã áp thuế với nhôm, thép nhập khẩu và cam kết sẽ áp thuế lên chip, gỗ, dược phẩm. Giá đồng đã tăng chóng mặt khi có đồn đoán mặt hàng này sẽ là mục tiêu áp thuế tiếp theo.
Lý do ông Trump đưa ra cũng rất đa dạng: từ kiểm soát biên giới, chống buôn bán ma túy, thuế VAT, thâm hụt thương mại, đến cả thương vụ mua lại nền tảng TikTok. Mới đây, ông còn đe dọa áp thuế lên bất kỳ nước nào mua dầu của Venezuela.
Để xoa dịu ông Trump, giới doanh nghiệp đã đưa ra nhiều kế hoạch đầu tư. Nhưng khi báo cáo với cổ đông, họ lại phàn nàn về môi trường kinh doanh khó lường. Khảo sát cho thấy kế hoạch chi tiêu vốn đang giảm mạnh, trong khi Nhà Trắng tin tưởng rằng thuế đánh vào ô tô sẽ khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào Mỹ, giúp kinh tế tăng trưởng, tạo thêm việc làm và tăng thu nhập thực tế.
Nhưng chính sự bất ổn lại cản trở đầu tư, khi các nhà máy đâu phải xây xong trong một sớm một chiều. Việc đầu tư vào các nhà máy để đối phó với chính sách thuế dễ biến động của Tổng thống Mỹ khá mạo hiểm. Giới quan sát chỉ ra thuế quan mà ông Trump áp dụng trong nhiệm kỳ đầu tiên đã không thể cứu vãn được sự suy yếu của ngành chế tạo Mỹ. Ngược lại, chúng còn đẩy chi phí lên cao cho các doanh nghiệp sử dụng thép nhập khẩu.
Chắc chắn ngày 2/4 sẽ không phải thời điểm ông Trump chấm dứt chính sách thuế dễ biến động này. Khác với nhiệm kỳ trước, ông dường như không còn quan tâm đến việc thị trường tài chính lao dốc vì chính sách của mình. Ông chủ Nhà Trắng cũng không phải là người quá quan tâm đến chi tiết cụ thể, khiến thị trường và các nước phải chạy theo suy đoán.
Tuy nhiên, sự khó lường của ông Trump cũng một phần đến từ sự linh hoạt của ông. Đây là cơ hội để các cố vấn của Tổng thống Mỹ tìm cách "nắn" chính sách. Trong đó, một số người ủng hộ việc chỉ dùng quyền lực khẩn cấp như biện pháp tạm thời, rồi quay lại cách làm bài bản hơn như nhiệm kỳ trước - thuế chỉ được áp sau khi đã có cuộc điều tra kỹ lưỡng. Dù chỉ là một quy trình cơ bản, đó cũng sẽ là một cải thiện lớn.
Các đối tác thương mại của Mỹ cũng cần suy tính cách ổn định tình hình. Trả đũa vào ngày 2/4 là một lựa chọn và nhiều nước đã làm như vậy trước đây. Nhưng trả đũa cũng phải trả giá. Chúng gây thiệt hại kinh tế và có thể khiến Chính phủ Mỹ phản ứng mạnh hơn nữa. Với hầu hết các nước, trả đũa không phải lựa chọn khả thi. Ngay cả những nước đủ sức mạnh để phản kháng cũng phải cân nhắc kỹ lưỡng quyết định này.
Tốt hơn hết, hãy tìm cách giảm thiểu thiệt hại. Với chính sách "ăn miếng trả miếng" của Tổng thống Trump, một số nước có thể thuyết phục được ông bằng cách tự giảm thuế của mình. Các nước cũng có thể dỡ bỏ các rào cản thương mại giữa họ, tăng cường hội nhập khi ông Trump đưa nước Mỹ quay lưng với thế giới.
Những sóng gió từ chính sách thương mại của Tổng thống Mỹ có thể gây bất ổn, nhưng chúng không nhất thiết phải lan rộng ra toàn cầu.
Hương Thủy/TTXVN (Tổng hợp)