Chính sách cho dùng thử xe miễn phí 30 ngày của BYD sau gần 1 năm gia nhập thị trường nước ta đang gây xôn xao trong cộng đồng phương tiện. Ra mắt khách Việt vào tháng 7/2024 với định hướng phân phối sản phẩm thuần điện, BYD chưa thể đạt được thành công nhanh chóng như cách mà hãng xe này làm được ở các thị trường lân cận trong khu vực Đông Nam Á. Giá trị thương hiệu, định kiến của khách Việt hay câu chuyện hạ tầng trạm sạc là những yếu tố ít nhiều cản trở BYD.
Với doanh số và sức mua của khách hàng ảm đạm, èo uột, BYD đã triển khai một chương trình gần như có một không hai tại Việt Nam, cho phép khách hàng sử dụng xe miễn phí trong 30 ngày với xe BYD Dolphin, Atto3 và Seal. Hàng tháng, BYD sẽ bốc thăm chọn ngẫu nhiên 30 khách hàng từ danh sách đã đăng ký để tham gia chương trình sử dụng xe miễn phí. Thời gian 30 ngày thử xe được cho là vừa đủ để khách Việt trải nghiệm thực tế vận hành, dịch vụ hãng và nhất là sạc xe.
Nếu trước đây, mức bảo hành tiêu chuẩn tại Việt Nam thường dao động ở mức 3-5 năm hoặc 100.000 - 150.000 km, thì nay, nhiều tân binh đến từ Trung Quốc đã mạnh tay chơi lớn. Điển hình như Omoda và Jaecoo, hai thương hiệu mới nổi, đã gây ấn tượng mạnh khi công bố chính sách bảo hành động cơ lên tới 10 năm hoặc 1.000.000 km. Động thái này không chỉ khiến người tiêu dùng Việt Nam bất ngờ mà còn đặt ra nhiều câu hỏi về chất lượng và độ bền thực tế của các dòng xe này. Liệu đây có thực sự là một cam kết mạnh mẽ từ nhà sản xuất, hay chỉ là một chiêu thức marketing nhằm thu hút sự chú ý trong giai đoạn đầu thâm nhập thị trường?
Thực tế cho thấy, trong bối cảnh thị trường ô tô Việt Nam ngày càng cạnh tranh khốc liệt, đặc biệt là với sự góp mặt của nhiều thương hiệu đã có tên tuổi, các hãng xe Trung Quốc buộc phải tìm ra những lợi thế cạnh tranh khác biệt. Chính sách bảo hành dài hạn được xem là một "vũ khí" lợi hại, giúp các thương hiệu mới tạo dựng lòng tin và xóa bỏ những định kiến có thể có về chất lượng sản phẩm.
Đáng chú ý, Tập đoàn Chery, thông qua liên doanh Omoda & Jaecoo, với kế hoạch xây dựng một nhà máy lắp ráp quy mô lớn tại Thái Bình. Dự kiến khởi công vào Quý III năm nay và đi vào hoạt động giai đoạn đầu vào đầu năm 2026, nhà máy này hứa hẹn sẽ có công suất lên đến hàng chục nghìn xe mỗi năm. Cùng chung "tọa độ" Thái Bình, một "ông lớn" khác của ngành ô tô Trung Quốc là Geely cũng tuyên bố bắt tay với Tasco để xây dựng nhà máy lắp ráp. Việc các hãng xe Trung Quốc công bố kế hoạch xây dựng nhà máy mang đến những kỳ vọng về sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, tạo thêm công ăn việc làm và có thể mang đến những sản phẩm chất lượng với giá cả cạnh tranh hơn cho người tiêu dùng.
Câu hỏi đặt ra là: Liệu những kế hoạch này có thực sự khả thi và sẽ được hiện thực hóa một cách trơn tru? Để xây dựng một nhà máy ô tô đòi hỏi nguồn vốn đầu tư khổng lồ, một kế hoạch triển khai chi tiết và hiệu quả, cũng như sự phối hợp chặt chẽ với các đối tác và chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, các hãng xe Trung Quốc cũng cần phải xây dựng được một chuỗi cung ứng ổn định và vượt qua những rào cản về pháp lý, thủ tục đầu tư. Câu trả lời sẽ nằm ở những hành động thực tế trong tương lai.
Động thái mới đây nhất của TMT Motors đã thu hút sự chú ý lớn. Nhà phân phối chính thức của dòng xe điện Wuling tại Việt Nam vừa công bố kế hoạch đầy tham vọng: xây dựng 30.000 trạm sạc xe điện trên toàn quốc đến năm 2030. Không thể phủ nhận, việc phát triển hạ tầng trạm sạc là một yếu tố then chốt để thúc đẩy sự phát triển của thị trường xe điện. Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu tích cực, không ít người đặt ra nghi vấn về tính khả thi và động cơ thực sự của TMT Motors. Việc triển khai 30.000 trạm sạc trong vòng 5 năm tới là một mục tiêu không hề dễ dàng, đặc biệt trong bối cảnh TMT Motors vừa trải qua giai đoạn kinh doanh không mấy thuận lợi.
Có thể thấy, trong lần trở lại này, ô tô Trung Quốc đã thu hút được cái nhìn thiện cảm hơn từ phía khách hàng Việt Nam do nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, sự thành công thực sự và khả năng cạnh tranh lâu dài với các thương hiệu hiện có tại Việt Nam vẫn là một hành trình dài hơi và cần thời gian để chứng minh. Vấn đề then chốt không phải ở chất lượng xe mà nằm ở sự hoài nghi về sự đầu tư bền vững và cam kết lâu dài của phần lớn các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc tại thị trường Việt Nam. Nếu những kế hoạch được công bố chỉ là những lời hứa suông, những tuyên bố trên giấy, sẽ là một "chiêu trò" nhất thời, không mang lại giá trị thực sự cho thị trường và có thể gây mất lòng tin ở người tiêu dùng.
Đỗ Linh
Nguồn Hà Nội TV : https://hanoionline.vn/video/chinh-sach-uu-dai-khung-cua-xe-trung-quoc-co-thanh-cong-327375.htm