Về quản lý, phát triển khu công nghệ cao (Điều 24)
Nghị quyết số 15-NQ/TW xác định:“ Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ hàng đầu của cả nước và khu vực với hạt nhân là Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, các viện nghiên cứu, trường đại học”.
Khu Công nghệ cao Hòa Lạc
Thể chế hóa định hướng tại Nghị quyết số 15-NQ/TW, để chính quyền TP Hà Nội có đủ thẩm quyền thực thi các chính sách, giải pháp đặc thù, nổi trội trong quản lý, phát triển khu công nghệ cao, Luật Thủ đô 2024 quy định phân quyền, phân cấp mạnh mẽ cho chính quyền TP Hà Nội. Đồng thời, cho phép áp dụng cơ chế phân cấp, ủy quyền của UBND TP cho Ban quản lý Khu công nghệ cao - một tổ chức hành chính trực thuộc UBND TP thực hiện một số nhiệm vụ quản lý tổ chức, hoạt động của khu công nghệ cao.
Cụ thể: Phân quyền cho UBND TP quyết định thành lập, điều chỉnh, mở rộng ranh giới khu công nghệ cao trên địa bàn TP; ban hành quy chế hoạt động của các khu công nghệ cao do UBND TP thành lập (khoản 1 Điều 24).
Quy định nhiều nhiệm vụ, quyền hạn cho Ban Quản lý khu công nghệ cao để thực hiện chức năng quản lý nhà nước trực tiếp các khu công nghệ cao trên địa bàn TP trong các lĩnh vực quy hoạch, đầu tư, chấp thuận nhu cầu sử dụng và cấp phép sử dụng người lao động nước ngoài làm việc tại khu công nghệ cao, cấp, điều chỉnh, thu hồi giấy phép xây dựng công trình trong phạm vi khu công nghệ cao (khoản 3 Điều 24).
Luật xác định vị trí đặc biệt của Khu Công nghệ cao Hòa Lạc là khu vực nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm, ứng dụng công nghệ cao, đào tạo nhân lực công nghệ cao, sản xuất sản phẩm công nghệ cao và đổi mới sáng tạo trọng điểm của đất nước và Thủ đô; là điểm thử nghiệm, thí điểm về cơ chế, chính sách cho việc phát triển công nghệ cao và các khu công nghệ cao trong cả nước (khoản 2 Điều 24).
Tương xứng với vị trí hạt nhân của Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Luật Thủ đô 2024 quy định các chính sách đặc thù, vượt trội áp dụng đối với Khu Công nghệ cao Hòa Lạc nhằm tạo cơ sở pháp lý, hạ tầng kỹ thuật và xã hội cần thiết thực hiện mục tiêu thu hút các tập đoàn đa quốc gia, các nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực công nghệ cao, thành lập các trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu phát triển đặt trụ sở tại Hà Nội. Luật Thủ đô 2024 quy định các chính sách đặc thù cho khu Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.
Theo đó, ngân sách TP bố trí vốn để đầu tư xây dựng và phát triển Khu Công nghệ cao Hòa Lạc; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, xây dựng nhà lưu trú phù hợp với quy hoạch để bố trí cho người lao động làm việc tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc thuê trong thời gian làm việc (điểm a khoản 2 Điều 24);
Nhà nước cho thuê đất không đấu giá quyền sử dụng đất đối với dự án thực hiện các loại hình hoạt động công nghệ cao có sử dụng đất (điểm b khoản 2 Điều 24);
Nhà đầu tư thực hiện dự án sản xuất sản phẩm công nghệ cao trong Khu Công nghệ cao Hòa Lạc được chuyển đổi một phần hoặc toàn bộ mục tiêu dự án sang nghiên cứu và phát triển công nghệ cao, ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao, đổi mới sáng tạo hoặc cung ứng dịch vụ công nghệ cao và tiếp tục sử dụng địa điểm đầu tư, quỹ đất đã được giao, cho thuê để thực hiện dự án theo mục tiêu chuyển đổi (điểm c khoản 2 Điều 24).
Thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, quản lý đất đai trong phạm vi Khu Công nghệ cao Hòa Lạc thực hiện theo phân cấp, ủy quyền của UBND TP (điểm b khoản 1 Điều 24).
Để tạo cơ sở pháp lý cho việc sử dụng, khai thác tối đa, kịp thời và hiệu quả tài sản công của các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trong Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Luật Thủ đô 2024 có những quy định có tính đột phá như quy định tài sản do tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài hiến, biếu, tặng, cho, đóng góp, viện trợ, tài trợ và hình thức chuyển giao quyền sở hữu khác cho Ban Quản lý Khu công nghệ cao hoặc đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trong Khu Công nghệ cao Hòa Lạc được xác định là tài sản công hợp pháp của đơn vị sự nghiệp công lập trực tiếp tiếp nhận, quản lý, sử dụng tài sản đó mà không phải thực hiện thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân (điểm đ khoản 2 Điều 24).
Đặc biệt là quy định về giao quyền cho Hội đồng quản lý hoặc người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập đối với nơi không tổ chức Hội đồng quản lý có cơ sở trong Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, bao gồm cả các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, được quyết định sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị phục vụ trực tiếp cho các hoạt động công nghệ cao, khởi nghiệp sáng tạo và hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (điểm d khoản 2 Điều 24); Hội đồng HĐND TP và các Bộ, cơ quan ngang Bộ quy định trình tự, thủ tục thực hiện các nội dung trên đối với các sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của mình (khoản 4, 5 Điều 24).
Mở ra kỷ nguyên mới cho sự phát triển khu công nghệ cao
Theo TS Lê Quốc Phương - nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), hơn 2 thập kỷ qua, sự ra đời của các khu công nghệ cao đã tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư công nghệ cao từ các doanh nghiệp, tập đoàn trong và ngoài nước, kết hợp có hiệu quả giữa sản xuất với nghiên cứu, chuyển giao, phát triển công nghệ cao và thu hút đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao. Tuy nhiên, thực tế việc phát triển các khu công nghệ cao vẫn chưa xứng tầm, chưa phát huy được như kỳ vọng, tỷ lệ lấp đầy thấp. Nguyên nhân là do mô hình quản lý vẫn chưa có nền tảng pháp lý vững chắc, chưa theo kịp tốc độ phát triển các khu công nghệ cao, vướng mắc kéo dài trong mô hình quản lý.
Một góc Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Cùng với đó, các cơ chế thu hút chưa đủ hấp dẫn doanh nghiệp. Các cơ chế chính sách cho phát triển khu công nghệ cao cũng chưa có nhiều vượt trội so với các khu công nghiệp thông thường, trong khi các dự án đầu tư tại khu công nghệ cao phải đáp ứng tiêu chí về công nghệ, sản phẩm, các quy định về dự án công nghệ cao và trải qua quá trình thẩm định mất nhiều thời gian theo quy định.
"Chúng ta cũng chưa có các chính sách chế độ đãi ngộ đặc biệt để thu hút các chuyên gia có trình độ chuyên môn cao đến làm việc tại khu công nghệ cao" - TS Lê Quốc Phương thông tin.
Theo TS Lê Quốc Phương, Luật Thủ đô 2024 phân quyền cho UBND TP Hà Nội được quyết định thành lập, điều chỉnh, mở rộng ranh giới khu công nghệ cao trên địa bàn TP là điều kiện rất tốt, mở ra kỷ nguyên mới cho khu công nghệ cao ở Hà Nội. Chính quyền TP phải nắm bắt tốt cơ hội này, hành động quyết liệt để khai thác tối đa hiệu quả các cơ chế thúc đẩy khu công nghệ cao trên địa bàn.
“Tôi đánh giá rất cao những nội dung được quy định trong Điều 24 Luật Thủ đô 2024. Việc phân quyền cho TP Hà Nội được tự quyết trong việc xây dựng, phát triển khu công nghệ cao còn giúp giảm bớt các thủ tục hành chính. TP Hà Nội có thể căn cứ vào năng lực, nhu cầu phát triển của Thủ đô để có những quyết định, điều chỉnh phát triển khu công nghệ cao phù hợp, phát huy hiệu quả cao nhất. Việc bổ sung, hoàn thiện các quy định mang tính đột phá, vượt trội của Luật Thủ đô 2024 giúp cho khu công nghệ cao có nhiều hơn nữa cơ hội, thuận lợi để phát triển” - TS Lê Quốc Phương nhấn mạnh.
TS Lê Quốc Phương cũng đặc biệt tâm đắc với nhóm giải pháp chính sách về quy định vượt trội bố trí vốn ngân sách của TP Hà Nội hỗ trợ khu công nghệ cao của TP nhanh chóng xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, đặc biệt là xây dựng khu nhà ở lưu trú cho người lao động thuê.
Bên cạnh đó, việc được phép ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi riêng, hỗ trợ đầu tư cao nhất theo quy định của Luật về công nghệ cao và quy định khác của pháp luật đối với dự án đầu tư và hoạt động tại khu công nghệ cao sẽ là lực hút doanh nghiệp đến đầu tư tại địa phương.
TS Lê Quốc Phương cũng chỉ ra rằng, việc phân quyền cho Hà Nội tự quyết trong việc phát triển khu công nghệ cao mang lại cơ hội, đồng thời cũng là trọng trách nặng nề với chính quyền Hà Nội. Bởi, đây rõ ràng là một nhiệm vụ mới, TP chưa có kinh nghiệm quản lý điều hành.
Được trao quyền tự chủ, nhưng tổ chức triển khai như thế nào cho hiệu quả là một thách thức lớn. Vì thế, TP phải nắm bắt tốt cơ hội này, hành động quyết liệt để khai thác tối đa hiệu quả các cơ chế đặc thù được quy định trong Luật, gỡ vướng mắc thúc đẩy và phát huy những lợi thế sẵn có của khu công nghệ cao.
"Hà Nội phải xác định xem cần tập trung vào lĩnh vực gì để sử dụng những đặc quyền đó, đồng thời, xác định rõ lộ trình, phân công rõ rõ trách nhiệm đối với cơ quan, đơn vị liên quan để Luật đạt hiệu quả thiết thực ngay khi có hiệu lực”, TS Lê Quốc Phương kiến nghị.
Với Luật Thủ đô 2024, TS Lê Quốc Phương cho rằng, TP Hà Nội cần tăng tốc hơn, đẩy mạnh hơn để biến khu công nghệ cao của TP thành một điểm sáng, đầu tàu phát triển kinh tế của Hà Nội và cả nước. Khi thu hút được đầu tư chất lượng cao, đầu tư của các tập đoàn lớn, phát triển dịch vụ vào đó thì tôi cho rằng Hà Nội sử dụng được các cái quyền một cách hiệu quả sẽ tạo điều kiện được cho khu công nghệ cao phát triển mạnh.
Trong Luật Thủ đô 2024 cũng quy định rất rõ ràng, cụ thể những đặc quyền đối với Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Việc giao cho TP Hà Nội quy định cụ thể chính sách ưu đãi riêng cho Khu Công nghệ cao Hòa Lạc trong Luật Thủ đô 2024 thể hiện vai trò hạt nhân của Khu công nghệ cao này đối với việc phát triển đồng bộ các khu công nghệ cao trên địa bàn TP.
Đây cũng là bước tiếp nối các chính sách ưu đãi sau khi Bộ Khoa học & Công nghệ chuyển giao Khu công nghệ cao này cho UBND TP quản lý. Đây là điều cần thiết, thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ mạnh mẽ cho Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung. Khu Công nghệ cao Hòa Lạc sẽ được trao quyền tự chủ cao hơn trong quản lý Nhà nước, từ đó có thể chủ động trong việc thu hút đầu tư, phát triển kinh tế.
Quy định phân quyền, phân cấp cho Ban quản lý Khu công nghệ cao sẽ giúp tăng sự chủ động. Bởi, hiện nay ngoài các thẩm quyền được phân quyền tại Luật Đầu tư và Luật Xây dựng, Ban quản lý Khu công nghệ cao được quy định nhiều chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước nhưng trên thực tế việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ này gặp nhiều khó khăn do chưa được quy định trong pháp luật chuyên ngành và không được bảo đảm nguồn lực thực hiện.
Ngoài ra, việc công nhận Ban quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc là tổ chức hành chính thuộc UBND TP thực hiện chức năng quản lý Nhà nước trực tiếp đối với các khu công nghệ cao cũng là một đột phá, tạo cơ sở cho Ban quản lý chủ động điều hành khu công nghệ cao. Trong đó, có thể kể đến những đặc quyền như thẩm định, phê duyệt quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết xây dựng trong phạm vi khu doanh nghiệp và thực hiện việc giao đất, cho thuê đất, quản lý đất đai trong phạm vi Khu Công nghệ cao Hòa Lạc khi được UBND TP phân cấp, ủy quyền.
TS Lê Quốc Phương cũng kiến nghị TP Hà Nội quy hoạch tổng thể Khu Công nghệ cao Hòa Lạc như một quận lõi của TP, với định hướng phát triển TP thông minh theo hướng xanh, bền vững, có đầy đủ tiện ích hiện đại. Có như vậy mới thu hút được các nhà đầu tư lớn từ các công ty đa quốc gia trong lĩnh vực công nghệ cao.
Để làm được việc này, sắp tới Hà Nội phải nỗ lực có quy định để quản lý cho tốt, hoàn thiện hạ tầng hoàn chỉnh trong nội khu công nghệ cao, không đơn thuần là giao thông, điện, nước, viễn thông, mà phải là nơi đáng sống, có đầy đủ dịch vụ tiện ích như nhà ở, trường học, ngân hàng, cửa hàng, khu thể thao vui chơi… Đồng thời, bố trí nguồn lực để đầu tư hoàn thiện và nâng cấp cơ sở hạ tầng khu, chỉnh trang hạ tầng, cảnh quan, tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động của các nhà đầu tư”, ông nói.
"Ngoài ra, cần có chính sách thu hút FDI theo hướng chọn lọc về công nghệ cao trong các lĩnh vực bán dẫn, thiết kế chế tạo chip điện tử và vi mạch, trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, các lĩnh vực dịch vụ công nghệ cao..." - TS Lê Quốc Phương nhấn mạnh.
Hồng Thái