Ảnh minh họa
Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa ban hành quy định về định mức kinh tế- kỹ thuật thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
Có hiệu lực từ ngày 6/2/2025, định mức kinh tế- kỹ thuật áp dụng đối với tổ chức, cá nhân, hộ gia đình có hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt và các tổ chức, cá nhân có liên quan trên lãnh thổ Việt Nam.
Cụ thể, Thông tư số 36/2024/TT-BTNMT về định mức kinh tế- kỹ thuật thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt quy định rõ định mức tiêu hao vật liệu, hóa chất; định mức sử dụng máy móc, thiết bị; lò đốt chất thải rắn sinh hoạt (đốt có phát điện và đốt không phát điện); định mức nhân công lao động; phương pháp định giá dịch vụ…
Định mức kinh tế- kỹ thuật thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt là mức hao phí cần thiết về lao động, máy móc, thiết bị, dụng cụ lao động, vật liệu, năng lượng, nhiên liệu để hoàn thành một nội dung công việc hoặc công đoạn trong hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ công tác chuẩn bị đến khi kết thúc ca làm việc theo quy trình kỹ thuật được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành.
Đồng thời, định mức được áp dụng đối với từng loại chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại; phương tiện, địa bàn thu gom; phương tiện vận chuyển; công suất của các cơ sở tiếp nhận chất thải rắn sinh hoạt theo quy trình kỹ thuật được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành.
Việc ban hành định mức kinh tế- kỹ thuật thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt là các đơn vị cung ứng dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt lập phương án giá gửi về cơ quan có thẩm quyền xem xét, thẩm định và ban hành mức giá tối đa dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; làm cơ sở để các địa phương đấu thầu lựa chọn đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
Theo thống kê, Việt Nam đang thải ra môi trường khoảng 60.000 tấn rác thải sinh hoạt mỗi ngày trong đó phần lớn là đến từ đô thị (60%). Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh là 2 đô thị có lượng rác thải lớn nhất. Dự báo đến năm 2030, lượng rác thải rắn sinh hoạt có thể lên mức 90.000 tấn/ngày.
Tuy nhiên, việc đầu tư xử lý rác thải hiện nay ở Việt Nam còn hạn chế, chưa đúng mức. Hiện có 2 hình thức xử lý rác truyền thống là chôn lấp và tiêu hủy. Có đến 70% rác thải rắn đô thị được xử lý theo hình thức chôn lấp, này, trong đó chỉ có 20% được xử lý chôn lấp hợp vệ sinh. Điều này đã ảnh hưởng lớn đến môi trường và cuộc sống của người dân xung quanh bãi chôn lấp rác.
Tùng Dương