Chính thức giảm phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp trực tuyến đến hết năm 2025

Chính thức giảm phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp trực tuyến đến hết năm 2025
5 giờ trướcBài gốc
Giảm 15 - 20% phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp trực tuyến
Thông tư số 16/2025/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp đối với trường hợp công dân Việt Nam, người nước ngoài yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp.
Chính thức giảm 15- 20% phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp trực tuyến.
Theo đó, mức thu phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp thực hiện như sau: Phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp: 200.000 đồng/lần/người; Phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp của sinh viên, người có công với cách mạng, thân nhân liệt sỹ (bao gồm cha đẻ, mẹ đẻ, vợ (hoặc chồng), con (con đẻ, con nuôi), người có công nuôi dưỡng liệt sỹ): 100.000 đồng/lần/người.
Trường hợp người yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp đề nghị cấp trên 02 Phiếu lý lịch tư pháp trong một lần yêu cầu, thì kể từ Phiếu thứ 3 trở đi tổ chức thu phí được thu thêm 5.000 đồng/Phiếu để bù đắp chi phí cần thiết cho việc in Phiếu lý lịch tư pháp.
Thông tư số 16/2025/TT-BTC nêu rõ, trường hợp công dân Việt Nam, người nước ngoài nộp hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp theo hình thức trực tuyến (bao gồm cả qua ứng dụng VNeID) thì kể từ ngày 24/4/2025 đến hết ngày 31/12/2025, mức thu phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp thực hiện như sau: Phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp: 170.000 đồng/lần/người (giảm 15%); Phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp của sinh viên, người có công với cách mạng, thân nhân liệt sỹ: 80.000 đồng/lần/người (giảm 20%).
Kể từ ngày 1/1/2026 trở đi, áp dụng mức thu phí 200.000 đồng/lần/người và 100.000 đồng/lần/người.
5 trường hợp miễn phí
Thông tư số 16/2025/TT-BTC cũng quy định các trường hợp miễn phí gồm: Trẻ em theo quy định tại Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; Người cao tuổi theo quy định tại Luật Người cao tuổi; Người khuyết tật theo quy định tại Luật Người khuyết tật; Người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định của pháp luật về chuẩn nghèo; Người cư trú tại các xã đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu theo quy định của pháp luật.
Đáng chú ý, theo quy định hiện hành, tổ chức thu phí được để lại 35% số tiền phí thu được để trang trải chi phí cho hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí theo quy định tại khoản 4 Điều 1 Nghị định số 82/2023/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 120/2016/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí; nộp 65% số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước.
Trường hợp tổ chức thu phí là cơ quan nhà nước không thuộc diện được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí theo quy định tại khoản 3 Điều 1 Nghị định số 82/2023/NĐ-CP thì phải nộp toàn bộ số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước. Nguồn chi phí trang trải cho việc thực hiện công việc và thu phí do ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán của tổ chức thu theo chế độ, định mức chi ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 24/4/2025 và thay thế Thông tư số 244/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp.
Thanh Hằng
Nguồn Tài Chính : http://tapchitaichinh.vn/chinh-thuc-giam-phi-cung-cap-thong-tin-ly-lich-tu-phap-truc-tuyen-den-het-nam-2025.html