Chính trường châu Âu xáo động trước loạt bài gây tranh cãi của tỷ phú Musk

Chính trường châu Âu xáo động trước loạt bài gây tranh cãi của tỷ phú Musk
một ngày trướcBài gốc
Tỷ phú Mỹ Elon Musk phát biểu tại Krakow, Ba Lan. Ảnh: PAP/TTXVN
Theo tờ Wall Street Journal ngày 7/1, trong những ngày gần đây, tỷ phú công nghệ Elon Musk đã liên tục gây xáo động chính trường châu Âu thông qua loạt bài đăng gây tranh cãi trên mạng xã hội X. Từ việc ủng hộ đảng cực hữu ở Đức đến những tuyên bố nhắm vào các nhà lãnh đạo châu Âu, động thái của một trong những người giàu nhất thế giới đang tạo ra những thách thức ngoại giao mới cho các chính phủ châu Âu.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã bày tỏ sự lo ngại khi phát biểu: "Mười năm trước, ai có thể tưởng tượng được rằng chủ sở hữu của một trong những công ty truyền thông xã hội lớn nhất thế giới sẽ ủng hộ một phong trào cực hữu mới và can thiệp trực tiếp vào các cuộc bầu cử, kể cả ở Đức?".
Tại Đức, ông Musk đang gây chấn động khi công khai ủng hộ đảng cực hữu AfD trước thềm cuộc tổng tuyển cử vào tháng 2 năm nay. Trong một bài xã luận đăng trên báo Đức, tỷ phú Musk thậm chí còn gọi AfD là "tia hy vọng cuối cùng cho nước này".
Leif-Erik Holm, nhà lập pháp cấp cao của AfD, hoan nghênh sự ủng hộ của ông Musk, cho rằng đây có thể là "bước ngoặt thay đổi cuộc chơi". Ngược lại, Friedrich Merz, Chủ tịch đảng CDU trung hữu, chỉ trích đây là hành động không thể chấp nhận, đồng thời nhấn mạnh "chưa từng có tiền lệ can thiệp tương tự vào chiến dịch tranh cử của một quốc gia thân thiện trong lịch sử các nền dân chủ phương Tây".
Tại Anh, ông Musk đặt vấn đề với hơn 211 triệu người theo dõi trong cuộc khảo sát trực tuyến trên mạng xã hội X ngày 5/1: "Nước Mỹ có nên giải phóng người dân Anh khỏi chính phủ của họ". Bên dưới, ông để hai câu trả lời "có" hoặc "không" để người dùng lựa chọn.
Cuộc bình chọn trực tuyến được tỷ phú Musk thực hiện trong bối cảnh quan hệ giữa ông và chính phủ Anh gần đây trở nên căng thẳng, khi tỷ phú Mỹ liên tục đăng các bài viết chỉ trích Công đảng cầm quyền ở Anh cũng như các vấn đề chính trị ở nước này.
Ông Musk cũng cho rằng "không phải ý tưởng tồi" nếu Anh trở thành một bang của Mỹ. Văn phòng Thủ tướng Anh Keir Starmer hiện chưa bình luận về động thái của Musk.
José Ignacio Torreblanca, thành viên cao cấp tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu, nhận định rằng tỷ phú Musk dường như đang muốn mở rộng ảnh hưởng sang châu Âu. Tuy nhiên, ảnh hưởng của tỷ phú này đang gặp một số rào cản. Tại Anh, chỉ có 26% người dân có cái nhìn tích cực về ông, theo khảo sát của YouGov. Số lượng người dùng X trung bình hàng ngày ở Anh đã giảm từ 10,3 triệu người (tháng 5/2022) xuống còn 8,6 triệu người (tháng 5/2024). Toàn EU cũng ghi nhận sự sụt giảm khoảng 5 triệu người dùng từ tháng 10/2023 đến mùa hè 2024.
Trong khi đó, Ủy ban châu Âu (EC) đang cân nhắc mở rộng cuộc điều tra về X, bao gồm cả buổi phát trực tiếp sắp tới của ông Musk với đảng AfD. Theo Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số của EU, EC có thể đưa ra mức phạt lên tới 6% doanh thu toàn cầu của nền tảng này.
Nhưng trước bối cảnh Tổng thống đắc cử Donald Trump chuẩn bị nhậm chức ở Mỹ, nhiều nhà lãnh đạo châu Âu đang thận trọng trong việc công khai đối đầu với ông Musk, lo ngại điều đó có thể làm tổn hại mối quan hệ với chính quyền Trump sắp tới. Họ cũng lo ngại ông Musk có thể sử dụng nền tảng X để huy động những cử tri phản đối trong thời điểm kinh tế khó khăn hiện nay.
Điểm sáng hiếm hoi trong mối quan hệ giữa tỷ phú Musk và các nhà lãnh đạo châu Âu là Thủ tướng Italy Giorgia Meloni. Hai bên đã có nhiều cuộc gặp kể từ khi bà Meloni lên nắm quyền vào cuối năm 2022, với sự đồng thuận về các vấn đề như nhập cư và tỷ lệ sinh giảm.
Vũ Thanh/Báo Tin tức (Theo wsj.com)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/the-gioi/chinh-truong-chau-au-xao-dong-truoc-loat-bai-gay-tranh-cai-cua-ty-phu-musk-20250107185842262.htm