Thủ tướng Anh Keir Starmer có thể theo đuổi chiến lược mềm mỏng, khéo léo đi cùng các cuộc đàm phán sau hậu trường với chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump để giải quyết vấn đề thuế quan. (Nguồn: Reuters)
Cách ứng phó tốt nhất với Tổng thống Trump và chính sách thuế quan cứng rắn của ông là gì? Theo bài báo có nhan đề "Tại sao chính sách ngoại giao thương mại của Thủ tướng Keir Starmer vẫn có thể mang lại kết quả mặc dù Anh bị áp thuế 10%?", câu trả lời là mềm mỏng, khéo léo và các cuộc đàm phán căng thẳng sau hậu trường.
Có những dấu hiệu cho thấy chiến lược này đang phát huy hiệu quả, khi vào tối 2/4, Tổng thống Trump gây ra "cơn địa chấn" toàn cầu khi tuyên bố áp thuế "có đi có lại" đối với nhiều quốc gia trên thế giới, song Anh chỉ phải chịu mức thuế 10% đối với hàng xuất khẩu từ nước này vào Mỹ.
Mức này thấp hơn mức 20% mà Liên minh châu Âu (EU) phải chịu và là mức thấp nhất mà ông Trump công bố, chỉ áp dụng cho một số quốc gia khác như Australia, Singapore và Brazil.
Bài báo cho rằng, đây có thể coi là kết quả từ chiến dịch "tấn công quyến rũ" của Thủ tướng Starmer, bao gồm cả việc mời Tổng thống Trump gặp Quốc vương Anh Charles vào tháng 6 tới.
Tuy nhiên, The Guardian cho rằng, điều này không có nghĩa London có thể thở phào nhẹ nhõm. Mức thuế 10% vẫn là tin xấu đối với nền kinh tế Anh và ưu tiên hàng đầu của Thủ tướng Starmer sẽ là đàm phán để giảm hoặc gỡ bỏ thuế quan này.
Cơ hội cho Anh
Cho đến tận sáng 2/4, Văn phòng Thủ tướng Anh đã dường như chấp nhận việc nước này sẽ không thể "thoát" khỏi làn sóng áp thuế mà ông Trump công bố tại Vườn Hồng ở Nhà Trắng vào tối cùng ngày.
Dù vậy, Thủ tướng Starmer có cơ sở để lạc quan khi ông chuyển trọng tâm sang kỳ vọng vào việc ký kết một thỏa thuận kinh tế với Mỹ, mặc dù cho đến nay, các bộ trưởng Anh vẫn chưa đạt được thỏa thuận dù đã đề xuất nhượng bộ về thuế đối với các tập đoàn công nghệ lớn và thuế nhập khẩu đối với thịt và cá.
Theo bà Leslie Vinjamuri, Giám đốc chương trình Mỹ và châu Mỹ tại Viện nghiên cứu Chatham House, London đã "chơi bài rất tốt" và có khả năng cao sẽ sớm đạt được thỏa thuận với Washington.
Bà Vinjamuri nhận định, Tổng thống Trump đã tự đưa mình vào thế khó khi buộc phải công bố thuế quan chung trước khi có thể đàm phán song phương với từng nước song có dấu hiệu cho thấy, Anh sẽ là một trong những quốc gia đầu tiên đạt thỏa thuận.
"Nếu Anh quyết định rút lại thuế đánh vào các tập đoàn công nghệ Mỹ, đó sẽ là một chiến thắng lớn đối với ông Trump và còn tốt hơn nếu ông ấy có thể tuyên bố điều đó sau khi đã áp đặt mức thuế trừng phạt", bà nói.
Giới chức Anh khẳng định, thỏa thuận kinh tế với Mỹ về cơ bản đã sẵn sàng và có thể hoàn tất trong vài ngày tới. Thành công của chiến lược của ông Starmer sẽ được đánh giá dựa trên tốc độ đạt được thỏa thuận này – trong khi đó, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia cũng đang chạy đua để ký kết các thỏa thuận tương tự với Mỹ.
Bộ trưởng Kinh doanh và Thương mại Anh Jonathan Reynolds nhấn mạnh, chính phủ sẽ "giữ bình tĩnh và kiên trì theo đuổi thỏa thuận này để giảm thiểu tác động của chính sách thuế mới của Mỹ."
Rủi ro từ chiến lược
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, cách tiếp cận của Thủ tướng Starmer có thể ẩn chứa rủi ro. Việc ông tìm cách thu hút sự chú ý của Tổng thống Trump có thể khiến Mỹ đưa ra những yêu cầu nhượng bộ mà Anh lẽ ra không cần thực hiện.
Chuyên gia tại Trung tâm Kinh tế chính trị quốc tế châu Âu David Henig đánh giá, chiến lược của ông Starmer là "vừa mềm mỏng, không mang tính đe dọa, nhưng cũng khá quyết liệt trong việc theo đuổi thỏa thuận - điều có thể khiến Mỹ soi xét kỹ hơn vào những điểm yếu của Anh".
Ông cảnh báo chính quyền Mỹ có thể nhắm đến các lĩnh vực như luật an toàn kỹ thuật số, tiêu chuẩn thực phẩm hoặc thuế VAT của Anh.
Trong khi đó, EU đã tuyên bố sẽ có biện pháp đáp trả mạnh mẽ đối với Mỹ. Thủ tướng Starmer cũng đang chịu áp lực từ một số bên yêu cầu có lập trường cứng rắn hơn. Lãnh đạo Đảng Dân chủ tự do Anh Ed Davey kêu gọi London hợp tác với EU và Canada để thành lập "liên minh kinh tế tự nguyện" nhằm đối phó với chiến thuật "chia để trị" của ông Trump.
Theo The Guardian, về phần Thủ tướng Starmer, chiến lược mà đội ngũ của ông thực hiện đã được định hình theo cách tiếp cận của cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump. Khi đó, ông Abe đã xây dựng được quan hệ tốt với ông chủ Nhà Trắng nhờ vào những lời khen ngợi có tính toán và chiến thuật ngoại giao khéo léo sau hậu trường.
"Theo đuổi một chiến lược trả đũa cứng rắn là sai lầm. Điều đó giả định rằng nếu trả đũa, bạn sẽ chiến thắng, nhưng thực tế là tất cả đều thua. Không ai muốn khuyến khích các đồng minh và đối tác của Mỹ trở nên quá xu nịnh, nhưng rõ ràng có rất nhiều lợi ích để theo đuổi và giành được", bà Vinjamuri nhận định.
Hoàng Hà