Các dự án đoạt giải gồm: "Hầm tiêu tự hoại dùng cho hộ gia đình ở mé sông" của em Nguyễn Ðình Duy, Lớp 8F, đoạt giải Nhất; "Nghiên cứu sự thờ ơ của các bạn học sinh THCS Nguyễn Du với tác hại của thức ăn nhanh - Nguyên nhân và giải pháp" của 2 em Trần Ngọc Vốn và Nguyễn Ngọc Quỳnh Như, Lớp 9A, đoạt giải Ba; "Thực trạng và giải pháp để nâng cao ý thức tự chăm sóc sức khỏe thể chất của học sinh lớp 8 Trường THCS Nguyễn Du, TP Cà Mau" của em Phạm Thị Như Ý, Lớp 8F; "Một số giải pháp hạn chế hậu quả của việc nghiện điện thoại ở học sinh THCS Nguyễn Du, TP Cà Mau" của em Hoàng Ngọc Minh, Lớp 9A, đồng đoạt giải Khuyến khích.
Các slide thuyết trình được Trần Ngọc Vốn và Nguyễn Ngọc Quỳnh Như thực hiện chỉn chu.
Các dự án do học sinh tự chọn đề tài và từng bước thực hiện với sự hỗ trợ từ thầy cô. Xuất phát điểm của các dự án đều từ sự quan sát cuộc sống thực tiễn và thực trạng xảy ra xung quanh môi trường học đường.
Em Nguyễn Ðình Duy, Lớp 8F, cho biết, thấy được những khó khăn của các gia đình sống ở mé sông, em nhanh chóng quyết định khảo sát 15 hộ gia đình ở Ấp 1, nhờ sự giúp đỡ của Trưởng ấp để có thể nghiên cứu dự án hầm tiêu tự hoại hỗ trợ cuộc sống người dân tốt hơn. Hầm tiêu tự hoại làm bằng vật liệu nhựa PPC, sẽ có ngăn lắng và ngăn thải, cải tiến thêm một số thứ để chống chịu được tác động bên ngoài. Nó sẽ có thêm ống áp suất để chất thải xuống nhanh hơn, quá trình tự hoại cũng nhanh hơn. Vật liệu được thay thế rẻ hơn, tiết kiệm cho bà con.
Khâu khó khăn nhất với Nguyễn Ðình Duy là thiết kế lõi trong của hầm tiêu tự hoại. Em đã nhờ thầy dạy công nghệ và vật lý hỗ trợ thêm những kiến thức mà mình chưa thông.
Duy chia sẻ: "Ở mé sông, chất thải cứ nổi lên, vừa hôi vừa ô nhiễm môi trường nên em quyết nghiên cứu dự án này”. Nghiên cứu của Duy hoàn toàn có thể áp dụng vào thực tế, góp phần giải quyết khó khăn cho địa phương trong vấn đề vệ sinh môi trường, nhất là các hộ gia đình sống ở mé sông.
Mô hình hầm tiêu tự hoại dùng cho hộ gia đình sống ở mé sông của em Nguyễn Ðình Duy, Lớp 8F, đoạt giải Nhất.
Từ cậu học trò mê game, điện thoại, Nguyễn Ðình Duy đã dần thay đổi. Em dành nhiều thời gian xem tin tức, các chương trình khoa học thường thức và quan sát cuộc sống xung quanh. Duy tâm sự: “Em tập cho mình đam mê thể thao với môn đánh cầu và làm các mô hình, nên bỏ được điện thoại, game. Ði đâu em cũng tìm hiểu các khía cạnh mà mình chưa hiểu. Em thấy thú vị với những điều mình phát hiện ra. Em ghi lại và lên kế hoạch để mỗi ngày tìm thêm nhiều giải pháp, suy nghĩ thêm nhiều cách giải quyết vấn đề đặt ra”.
Tương tự, Dự án "Nghiên cứu sự thờ ơ của các bạn học sinh THCS Nguyễn Du với tác hại của thức ăn nhanh - Nguyên nhân và giải pháp" của hai em Trần Ngọc Vốn và Nguyễn Ngọc Quỳnh Như, Lớp 9A, cũng đi từ thực tế cuộc sống và sự tinh ý khi quan sát các vấn đề xung quanh học đường.
Quỳnh Như cho biết: “Mỗi khi tan trường, em thấy các bạn ăn vặt nhiều quá. Cha mẹ em dạy ăn vặt nhiều không tốt cho sức khỏe. Có lần được bạn mời ăn, em ăn và bị ngộ độc thực phẩm. Từ đó, mong muốn các bạn sẽ không ăn thức ăn nhanh nhiều, nên em nghiên cứu dự án này”.
Cả hai em được giáo viên hỗ trợ nhiều, như cùng thảo luận về dự án, cho phép sử dụng điện thoại để phỏng vấn và chụp hình các bạn... Ngoài ra, thầy hiệu phó và các cô cũng cung cấp thêm thông tin, chỉnh sửa những chỗ chưa phù hợp với đề tài.
Xuyên suốt quá trình nghiên cứu và đạt được kết quả, Vốn và Như đã phát hiện nhiều điều bổ ích. Trước đó, các em chỉ biết thức ăn nhanh sẽ gây đau bụng, ói mửa... Sau khi thực hiện dự án, các em biết thêm thức ăn nhanh sẽ gây ảnh hưởng tim mạch, ung thư... Các em cũng tìm hiểu sâu hơn về các chất bảo quản, chất phụ gia, chỉ số calo, chỉ số năng lượng... chứa trong thức ăn nhanh. Ðiều hay hơn nữa là các em nhận ra có nhiều cách giúp hạn chế dùng thức ăn nhanh, chứ không chỉ là hô hào, giáo dục kiến thức.
Quỳnh Như chia sẻ: “Chúng em đề nghị nhà trường tổ chức các trò chơi, các cuộc thi nhỏ, để các bạn vừa vui vừa tiếp thu thêm nhiều kiến thức. Trong các buổi sinh hoạt dưới cờ, nhà trường sẽ chia hai khối thành hai đội để tranh luận về lợi ích và tác hại của thức ăn nhanh”.
Cách học ngày nay dần thay đổi trong nhiều trường học, giúp học sinh chịu quan sát, nghiên cứu và dám nghĩ, dám làm. Chính sự trải nghiệm thực tiễn, mày mò đưa các em đến những kiến thức bền vững, hữu ích cho bản thân và mọi người xung quanh./.
Thanh Lam