Chợ cóc, chợ tạm: 'Điểm đen' vệ sinh môi trường

Chợ cóc, chợ tạm: 'Điểm đen' vệ sinh môi trường
2 giờ trướcBài gốc
Nhếch nhác chợ tạm
Đầu đường Trần Quốc Vượng (Cầu Giấy) lối rẽ vào từ Phạm Hùng là khu vực có biển “Cấm họp chợ”. Tuy nhiên, ghi nhận vào sáng 6/10, ngay sau tấm biển, dọc 2 bên vỉa hè con đường, những sạp hàng nông sản, thực phẩm vẫn được bày bán nhộn nhịp.
Người dân vẫn ngang nhiên họp chợ bất chấp biển cấm. Ảnh: Hiền Phương
Đáng nói, trong quá trình buôn bán, những người bán hàng tại đây còn có hành vi xả rác trực tiếp ra vỉa hè gây mất vệ sinh môi trường. Sau khi tan chợ, rác rau củ, cành hoa, vỏ quả, túi nilon ngổn ngang, thậm chí chất thành đống; nước thải hôi tanh từ hàng cá, tôm, gia cầm đổ ra hè phố. Tình trạng này cũng khiến khối lượng công việc của những nhân viên môi trường tăng lên.
Chị Nguyễn Thị Hoa, một công nhân môi trường tại khu vực, cho biết: “Vì đoạn đường có họp chợ thường khá mất vệ sinh nên công việc dọn dẹp hè phố ở đây của chúng tôi tốn nhiều thời gian và vất vả hơn những tuyến đường khác. Hôm nào cũng như hôm nào, không có cải thiện gì nên cũng đành chịu”.
Tương tự, tại Khương Trung, Thanh Xuân, chợ tạm Hoàng Văn Thái cũng là địa điểm họp chợ mà những người tham thường có hành vi xả thải ra môi trường không đúng qui định. Thể hiện rõ nhất là tình trạng nước thải từ các sạp hàng, đặc biệt là khu vực bán thực phẩm tươi sống, đổ ra lênh láng, gây bất tiện cho người dân di chuyển.
Ghi nhận thêm tại ngõ 402, Mỹ Đình, một khu vực họp chợ tự phát với nhiều sạp hàng bán đồ quay, nướng, khói than bao trùm, ô nhiễm không khí khiến ai đi qua cũng cảm thấy khó thở.
Cần sự quyết liệt của chính quyền địa phương
Việc hình thành chợ cóc, chợ tạm với hính ảnh nhếch nhác, ô nhiễm không chỉ gây ảnh hưởng tiêu cực tới mỹ quan đô thị mà còn ảnh hưởng tới vệ sinh môi trường. Bởi lẽ, khu vực họp chợ tự phát không có sự quản lý bài bản, quy hoạch của các cơ quan chức năng, người dân buôn bán cứ tiện đâu vứt đó, tiện đâu xả đó, chưa có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường chung.
Tan chợ, công nhân môi trường nhanh chóng dọn vệ sinh, đảm bảo khu vực sạch sẽ trở lại. Ảnh: Hiền Phương
Trong khi đó, nhiều chợ truyền thống đầy đủ cơ sở vật chất, đảm bảo vệ sinh môi trường đã được xây dựng và đi vào hoạt động nhưng “thành viên” chợ tạm lại không lựa chọn vì có thể vị trí quy hoạch chưa hợp lý, tiền thuê kiot và thuế cao nên người dân trong diện vẫn không mấy mặn mà. Trong khi đó, người mua hàng thì cứ tiện và rẻ là họ mua nên chợ tạm vẫn tồn tại như một nhu cầu thiết yếu.
Chia sẻ về tình trạng chợ cóc tự phát gây mất vệ sinh môi trường, ông Bùi Văn Trường (Tổ trưởng TDP 7, phường Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm) cho biết, họp chợ tạm, chợ cóc là thói quen từ xưa khi khu vực còn là làng xã, người dân mang hàng hóa tự sản xuất được ra cửa nhà, cửa ngõ trao đổi, buôn bán lâu dần tập trung thành chợ tự phát. “Chính quyền địa phương, tổ dân phố cũng thường xuyên nhắc nhở người dân dừng họp chợ để giữ gìn vệ sinh môi trường. Nhưng cứ vắng bóng lực lượng chức năng là họ lại bày hàng ra cửa bán” - ông Bùi Văn Trường nói.
Được biết, những chế tài xử lý đối với những hành vi xả thải vứt rác bừa bãi và họp chợ trái quy định đã được ban hành như: Theo Điều 25 Nghị định 45/2022/NĐ-CP ngày 7/7/2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường nơi công cộng, khu đô thị, khu dân cư; vận chuyển nguyên liệu, vật liệu, hàng hóa gây ô nhiễm môi trường qy định: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải trên vỉa hè, lòng đường hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt; đổ nước thải không đúng quy định trên vỉa hè, lòng đường phố… Tuy nhiên, thực tế có khá ít trường hợp vi phạm bị xử phạt theo quy định bởi những khu vực vi phạm nhỏ lẻ, trải rộng khắp địa Hà Nội khiến lực lượng cơ quan chức năng khó kiểm soát, quản lý.
Để khắc phục tình trạng này, theo nhiều chuyên gia môi trường, ngoài sự quyết tâm, nỗ lực của các cấp chính quyền, nhất là chính quyền cơ sở, trong việc thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm; rà soát, sớm cải tạo những chợ tạm chật hẹp, mất vệ sinh và nghiên cứu, bố trí quỹ đất xây dựng chợ dân sinh tập trung tại các vị trí phù hợp đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân; các cơ quan chức năng cần chú trọng vào công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức và thay đổi thói quen của người dân, thì mới mong xóa được chợ tự phát gây mất mỹ quan đô thị và gây ô nhiễm môi trường.
Hiền Phương
Nguồn KTĐT : https://kinhtedothi.vn/cho-coc-cho-tam-diem-den-ve-sinh-moi-truong.html