Chớ coi thường 'chạy chọt' và những quy tắc ngầm trong bổ nhiệm, tuyển dụng

Chớ coi thường 'chạy chọt' và những quy tắc ngầm trong bổ nhiệm, tuyển dụng
16 giờ trướcBài gốc
"Cuộc cách mạng" tinh gọn bộ máy đang được triển khai rộng khắp nhằm tạo bước ngoặt trong việc đổi mới thể chế, đối mặt với các “nút thắt cổ chai” về hành chính, kinh tế và xã hội. Tuy nhiên, song hành với thể chế chính thức (cái mà dư luận chú ý rất nhiều) thì thể chế phi chính thức dường như ít được đề cập và đang tồn tại như một yếu tố ảnh hưởng lớn đến hiệu quả của các cải cách.
Cho dù thể chế phi chính thức đáp ứng nhu cầu tạm thời trong bối cảnh quy trình chính thức chưa hoàn thiện, tuy nhiên, nó đang tạo ra những rào cản đối với tiến trình tinh gọn bộ máy.
Ảnh minh họa: KT
Thể chế phi chính thức được hiểu là những quy tắc, chuẩn mực và hành vi ngầm hiểu mà không được quy định rõ ràng trong các văn bản pháp lý hay chính sách chính thức. Chúng bao gồm các tập quán, phong tục, quan hệ thân hữu, hệ thống “chạy chọt” và những quy tắc “ngầm” trong hoạt động của các tổ chức hay cơ quan. Tại Việt Nam, thể chế phi chính thức xuất hiện rõ nét trong các hoạt động quản lý công, tài chính và xã hội.
Một số tác động tích cực của thể chế phi chính thức bao gồm: tăng cường sự linh hoạt trong bối cảnh cơ chế chính thức còn phức tạp, giúp đạt được hiệu quả nhanh trong một số tình huống; kết nối xã hội, tăng cường lòng tin giữa các thành viên trong nhóm nhất định và giải quyết nhanh các vấn đề cấp bách trong những hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, những lợi ích này chỉ là ngắn hạn và không đủ để khắc phục những hạn chế trong thể chế chính thức và càng thắt “thòng lọng” chặt hơn với thể chế chính thức.
Tác động tiêu cực của thể chế phi chính thức thể hiện rõ trong những lĩnh vực như tuyển dụng, bổ nhiệm và quản lý tài sản công. Hành vi “chạy chức,” “chạy quyền” làm suy yếu tính minh bạch và công bằng trong xã hội. Quan hệ thân hữu giúp đạt lợi ích cá nhân thay vì đầu tư vào lợi ích chung, cản trở cải cách có hệ thống. Những nhóm lợi ích dựa vào thể chế phi chính thức để duy trì vị thế, ngăn cản việc tinh gọn bộ máy tại các cơ quan nhà nước. Trong bối cảnh cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, thể chế phi chính thức nếu không sớm loại bỏ sẽ có tác động tiêu cực không nhỏ đến tiến trình này. Cụ thể, sự chống đối, các thỏa thuận ngầm về lợi ích nhóm hoặc hiện tượng “chạy chọt” nhằm giữ lại biên chế cho những người không đủ năng lực có thể cản trở nghiêm trọng mục tiêu của cải cách.
Một hậu quả nghiêm trọng khác của thể chế phi chính thức là việc gia tăng chi phí không chính thức. Chi phí “bôi trơn” đang trở thành gánh nặng tài chính lớn đối với doanh nghiệp và người dân, làm “ô nhiễm” môi trường kinh doanh và suy giảm độ tin cậy vào các quá trình chính thức khác. Thể chế phi chính thức thời gian qua đã hoành hành xã hội ghê gớm, nhiều quan chức cấp cao đã bị kỷ luật hoặc bị mất chức do các mối quan hệ mờ ám với các doanh nghiệp như Việt Á, AIC, Thuận An, Phúc Sơn... Thực tế này phản ánh một cơ chế hoạt động phi chính thức đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát, gây nguy hại cho uy tín và hiệu quả quản lý nhà nước.
Trong bối cảnh này, các biện pháp khắc phục cần được triển khai một cách đồng bộ và cơ bản. Tăng cường minh bạch và giám sát là ưu tiên hàng đầu, nhất là trong phân bổ tài chính công, sắp xếp bộ máy, các quy trình tuyển dụng và bổ nhiệm. Xây dựng hệ thống pháp luật nghiêm minh và tổ chức đào tạo đối với cán bộ quản lý cấp cao để giảm thiểu nguy cơ vi phạm quy tắc.
Bên cạnh đó, cần thúc đẩy vai trò của công nghệ thông tin trong việc tăng cường tính công khai, minh bạch. Mặc dù còn phải cải thiện nhiều hơn, nhưng gần đây việc số hóa nhiều hoạt động giao dịch hành chính cho thấy có thể giảm thiểu tác động tiêu cực từ thể chế phi chính thức, đồng thời tăng cường lòng tin của người dân vào nhà nước. Thông qua những giải pháp này, chúng ta có thể hy vọng rằng, những rào cản từ thể chế phi chính thức sẽ dần được khắc phục, góp phần vào tiến trình hiện đại hóa và phát triển bền vững của đất nước.
Việc loại bỏ thể chế phi chính thức là nhiệm vụ cấp bách để đảm bảo hiệu quả cho "cuộc cách mạng" tinh gọn bộ máy. Chỉ khi xây dựng được một môi trường minh bạch, công bằng và tuân thủ pháp luật, Việt Nam mới có thể thúc đẩy cải cách thành công và tiến tới một nền quản trị hiện đại, bền vững và "cuộc cách mạng" tinh gọn bộ máy sẽ đạt được hiệu quả cao nhất.
TS. Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng, Bộ Giáo dục và Đào tạo
Nguồn VOV : https://vov.vn/chinh-tri/cho-coi-thuong-chay-chot-va-nhung-quy-tac-ngam-trong-bo-nhiem-tuyen-dung-post1147150.vov