Chờ đợi 'cú hích' đưa thị trường chứng khoán bứt phá

Chờ đợi 'cú hích' đưa thị trường chứng khoán bứt phá
2 giờ trướcBài gốc
Tính từ đầu năm đến nay, thị trường chứng kiến hơn 1,73 triệu tài khoản mới được mở bởi nhà đầu tư cá nhân.
Số lượng tài khoản chứng khoán cá nhân tiếp tục tăng mạnh
Theo báo cáo từ Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (VSDC), tổng số lượng tài khoản chứng khoán tại cuối tháng 10/2024 đạt hơn 9,02 triệu. Trong đó, tài khoản cá nhân trong nước chiếm 8,96 triệu, tương đương khoảng 8,9% dân số. So với tháng 9, số lượng tài khoản cá nhân tăng thêm 156.568, đánh dấu một tháng tăng trưởng ổn định. Tính từ đầu năm đến nay, thị trường chứng kiến hơn 1,73 triệu tài khoản mới được mở bởi nhà đầu tư cá nhân. Sự gia tăng này phản ánh sự quan tâm ngày càng lớn của người dân với kênh đầu tư chứng khoán, dù thị trường đang trong trạng thái giằng co trước ngưỡng kháng cự quan trọng.
Về diễn biến thị trường, trong những phiên giao dịch gần đây, chỉ số VN-Index liên tục dao động quanh mốc 1.250 - 1.300 điểm, với những điều chỉnh giảm sau khi chạm ngưỡng kháng cự 1.300 điểm. Đáng chú ý, dòng tiền khối ngoại vẫn đang trong xu hướng bán ròng.
Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định rằng, tuy VN-Index đã giảm về dưới mốc 1.250 điểm, nhưng điểm tích cực là nhiều cổ phiếu đã rơi vào trạng thái quá bán. Cùng đó, sau kết quả kinh doanh quý III/2024, P/E của VN-Index đã về quanh ngưỡng 13 lần - vùng định giá tương đối hợp lý. Do đó, trong ngắn hạn vùng 1.240-1.250 điểm sẽ là vùng hỗ trợ tạo cân bằng cho chỉ số. Trong kịch bản xấu, nếu VN-Index “thủng” 1.240 điểm, nhà đầu tư cần tính đến việc VN-Index sẽ về 1.225 điểm.
Có thể thấy, thị trường đang chịu áp lực từ nhiều yếu tố, bao gồm sự thận trọng của nhà đầu tư trước tình hình kinh tế toàn cầu còn nhiều biến số. Nhiều nhà đầu tư cũng như giới quan sát đều nói rằng, tâm lý chờ đợi thể hiện ở việc thanh khoản liên tục sụt giảm sâu khi VN-Index vẫn chật vật trước ngưỡng 1.300 điểm. Bên cạnh đó, việc các nhóm cổ phiếu phân hóa kéo dài và thiếu nhóm ngành dẫn sóng cũng khiến dòng tiền chán nản và hướng đến những kênh đầu tư có mức tăng trưởng mạnh khác như vàng.
Mặc dù vậy, trong bối cảnh các kênh khác đã có đà tăng nóng, chứng khoán đang là kênh đầu tư hợp lý. Theo đó, giá vàng thế giới sau khi chứng kiến chuỗi tăng mạnh sẽ có rủi ro phân kỳ và điều chỉnh trong thời gian tới. Kênh bất động sản cũng chưa thực sự hút tiền vì đất nền tăng mang tính chất đầu cơ nhiều hơn và khi lên đến đỉnh điểm sẽ có sự hụt hơi nhanh chóng.
Cùng với đó, dù khối ngoại tiếp tục duy trì xu hướng bán ròng, nhưng lượng mua ròng từ nhà đầu tư trong nước đã cân đối phần lớn lượng bán này. Việc nhà đầu tư trong nước duy trì giao dịch tích cực trong bối cảnh thanh khoản suy giảm là một nỗ lực đáng ghi nhận.
Tâm lý chờ đợi thể hiện ở việc thanh khoản liên tục sụt giảm sâu khi VN-Index vẫn chật vật trước ngưỡng 1.300 điểm.
Tiếp tục kỳ vọng
Nhiều chuyên gia kinh tế khẳng định rằng, để thị trường bứt phá, cần sự xuất hiện của dòng tiền mới hoặc các động lực mạnh mẽ hơn từ chính sách và niềm tin đầu tư.
Mới đây, ngày 2/11, Thông tư số 68/2024/TT-BTC của Bộ Tài chính chính thức có hiệu lực, mở ra những điều chỉnh quan trọng nhằm cải thiện tính hấp dẫn của thị trường chứng khoán Việt Nam. Thông tư này cho phép nhà đầu tư tổ chức nước ngoài mua cổ phiếu mà không cần đủ tiền khi đặt lệnh, đồng thời yêu cầu doanh nghiệp công bố thông tin bằng tiếng Anh.
Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT cho rằng, Thông tư số 68/2024/TT-BTC thể hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Đây được xem là một chất xúc tác quan trọng hỗ trợ quá trình nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam lên nhóm thị trường mới nổi, tăng cường sức hút đối với nhà đầu tư quốc tế.
Nhóm nghiên cứu của Công ty cổ phần Chứng khoán BIDV (BSC) cũng nhận định, các yếu tố nền tảng như vĩ mô ổn định, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, và sự mở rộng tầng lớp trung lưu sẽ tiếp tục là điểm tựa để thu hút dòng vốn ngoại. Dù vậy, trong ngắn hạn, những cải cách từ Thông tư số 68/2024/TT-BTC và việc duy trì các yếu tố ổn định vĩ mô vẫn được kỳ vọng sẽ tạo động lực lớn hơn cho thị trường.
Dù có nhiều yếu tố tích cực như giá cổ phiếu giảm về vùng định giá hợp lý với hệ số P/E quanh mức 13 lần, thị trường vẫn thiếu một cú hích đủ mạnh để thoát khỏi trạng thái tích lũy. Các chuyên gia nhận định, động thái nâng hạng thị trường và dòng tiền từ khối ngoại sẽ là những yếu tố quan trọng cần được kích hoạt trong thời gian tới.
Có thể thấy, thị trường chứng khoán Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để chuyển mình, nhưng thành công chỉ đến khi các chính sách hỗ trợ được triển khai hiệu quả và nhà đầu tư trong nước lẫn quốc tế có niềm tin vào tương lai dài hạn của thị trường.
Những nỗ lực nâng hạng của Việt Nam thời gian gần đây đã được các tổ chức xếp hạng thị trường công nhận dù còn một số hạn chế cần cải thiện để có thể được nâng hạng trong các năm tiếp theo. Trong báo cáo gần nhất, tổ chức chuyên về các dịch vụ chỉ số tài chính FTSE Russell vẫn duy trì Việt Nam trong danh sách tiềm năng (Watch list) nâng hạng lên thị trường mới nổi sơ cấp (Secondary Emerging market) kể từ tháng 09/2018.
Thùy Linh
Nguồn Tài Chính : http://tapchitaichinh.vn/cho-doi-cu-hich-dua-thi-truong-chung-khoan-but-pha.html?source=cat-76