Chuyển đổi số đang len sâu vào đời sống nông nghiệp, từng bước tạo ra cú hích trong tiêu thụ nông sản. Bà con nông dân không chỉ trồng giỏi, chăm tốt mà còn học cách bán hàng thông minh, đưa đặc sản địa phương lên các sàn thương mại điện tử, tiếp cận người tiêu dùng toàn quốc. Trong dòng chảy số hóa ấy, những vùng quê Gia Lai đang viết tiếp hành trình “thoát cảnh được mùa mất giá”, đưa nông sản bản địa chạm tay thị trường rộng lớn hơn bao giờ hết.
Từ chợ làng đến sàn số
Những ngày cuối tháng Tư, tại phiên chợ biên giới diễn ra tại Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai), tiếng nói cười rộn rã bên những sạp hàng nông sản của bà con địa phương. Mỗi túi cà phê, hạt tiêu, măng khô được bày bán giản dị như bao đời nay. Nhưng phía sau hình ảnh quen thuộc đó là một thực tế đang dần đổi thay: người nông dân giờ đây không chỉ bán hàng bằng “miệng”, mà còn biết dùng điện thoại thông minh, mã QR và livestream để kết nối cung – cầu.
Nông sản Gia Lai được hỗ trợ livetream bán hàng trên mạng xã hội
Chị H'len (xã Ia Nan, huyện Đức Cơ) trước đây quanh năm chỉ biết bán nông sản ở chợ làng. Trồng được bao nhiêu thì đem ra chợ bán, không thì chờ thương lái đến mua sỉ với giá rẻ. Nhưng giờ đây, gian hàng online của chị trên mạng xã hội Facebook đã có gần 20 mặt hàng là nông sản sạch do chính tay bà con trong làng làm ra, từ măng khô đến tiêu rừng, chuối sấy.
“Lúc đầu mình không biết làm đâu. Cán bộ Hội Phụ nữ xã đến hướng dẫn, cầm tay chỉ cách quay video, đăng bài, trả lời khách. Từ từ rồi quen. Giờ mình còn biết livestream nữa”- chị H'len cười nói, tay thoăn thoắt gói đơn hàng cho khách tận Đà Nẵng.
Tương tự, cuộc sống của chị Rơ Châm H’Liên (làng Ó, xã Ia Sao, huyện Ia Grai) đã bước sang trang mới kể từ khi có chiếc điện thoại thông minh. Từ những đoạn video ngắn về các món ăn thường ngày đăng tải trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook và TikTok thu hút hàng trăm ngàn, thậm chí hàng triệu view, chị H’Liên nổi lên như một hiện tượng.
Các video chế biến món ăn của chị H’Liên nổi lên như một hiện tượng
Hình ảnh chân thực về các món ăn dân dã, cách chế biến mộc mạc như muối cá trích, thịt heo nướng xóc muối sả, canh cà đắng, gà nướng, cà sóc… được cộng đồng mạng đón nhận tích cực.
Không chỉ góp phần giới thiệu, lan tỏa ẩm thực đặc trưng của dân tộc Jrai, chị H’Liên còn nhìn thấy hướng phát triển kinh tế thông qua các nền tảng mạng xã hội.
“Khi xem các video nấu ăn của tôi, mọi người bình luận rất tích cực. Đa số bày tỏ sự thích thú và đề nghị tôi bán sản phẩm để được thưởng thức. Từ đó, tôi nảy sinh ý tưởng bán các món như heo gác bếp, muối cá trích, muối kiến… Tôi thấy hiệu quả ban đầu khá tốt, hy vọng doanh thu sẽ khá hơn trong thời gian tới”- chị H'Liên bộc bạch.
Tư duy số - bước chuyển đổi không thể chậm trễ
Sự thay đổi ấy không chỉ là chuyện cá nhân, mà đang trở thành xu thế. Nhiều xã, phường ở Gia Lai đã xây dựng mô hình “tổ chuyển đổi số cộng đồng” để hỗ trợ người dân nắm bắt cơ hội mới. Các nhóm Zalo, Facebook của làng giờ không chỉ để trò chuyện mà còn là nơi chốt đơn, hỏi kinh nghiệm bán hàng, chia sẻ thông tin thị trường. Cả cộng đồng đang dần “số hóa” trong cách làm ăn.
Nhiều hộ sản xuất đã biết ứng dụng chuyển đổi số vào kinh doanh để phát triển thị trường
Với mong muốn đưa nông sản “made in Chư Sê” vươn xa, chị Hồ Thị Hoài Thu (SN 1994, tổ 5, thị trấn Chư Sê) đã thành lập Công ty Truyền thông và Thương mại Chư Sê (Chư Sê Agency) để đồng hành cùng nông dân và doanh nghiệp tại địa phương bán hàng trên các nền tảng thương mại điện tử (TMĐT).
Tháng 3/2023, khi còn làm công tác nhập khẩu và phát triển nhãn hàng tại TP. Hồ Chí Minh, chị Thu đã xây dựng kênh TikTok “Cô gái Chư Sê” để chia sẻ các nội dung liên quan đến nông sản.
Nhờ kênh TikTok với gần 60.000 người theo dõi này, nhiều chủ thể sản xuất tại huyện Chư Sê và các địa phương trong tỉnh đã kết nối với chị Thu để giới thiệu, quảng bá sản phẩm. Chị cũng kết hợp với Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh trong các phiên live bán hàng OCOP của Chư Sê. Tuy nhiên, chị nhận thấy bà con nông dân, các hợp tác xã, doanh nghiệp gặp nhiều trở ngại khi đưa sản phẩm lên cửa hàng trên sàn TMĐT. Từ đó, chị Thu tranh thủ thời gian rảnh để hỗ trợ các đơn vị, cá nhân trong khâu thương mại hóa nông sản.
Với mong muốn đưa nông sản “made in Chư Sê” vươn xa, chị Hồ Thị Hoài Thu đã thành lập công ty để đồng hành cùng nông dân đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử
Chị Thu cho biết: “Sau 1 năm đồng hành với bà con nông dân và các hợp tác xã, mình thấy nhiều vấn đề mà đối tác, bà con nông dân còn chưa nắm rõ, làm chưa tốt như: làm sao để quay chụp sản phẩm thật phù hợp nhằm xây dựng thương hiệu, hay cách đăng tải video, tương tác với khách như thế nào, quy trình vận hành đơn... Đây cũng chính là lý do để mình thành lập Công ty Chư Sê Agency”.
Ông Đoàn Ngọc Có - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường cho biết: Việc ứng dụng công nghệ số từ sản xuất, chế biến, phân phối, tiêu thụ sản phẩm không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả quản lý mà còn giúp người sản xuất, kinh doanh nắm bắt nhu cầu thị trường. Đây là xu thế tất yếu để phát triển ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững.
Những năm gần đây, Sở đã tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật số tại cơ quan và các đơn vị trực thuộc; tuyên truyền cán bộ, công chức, viên chức của ngành sử dụng 45 nền tảng số ưu tiên sử dụng của tỉnh.
“Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Môi trường tiếp tục phối hợp với các đơn vị, các sở, ban, ngành của tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân tiếp cận công nghệ mới trong sản xuất, tiêu thụ nông sản. Áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc, gắn mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu. Xây dựng, quản lý thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh để đưa lên các sàn thương mại điện tử" - ông Có thông tin.
Tới đây, Sở Công Thương Gia Lai sẽ chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan thực hiện nội dung về ứng dụng thương mại điện tử để nâng cao năng lực cạnh tranh, quảng bá, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Trong đó, đơn vị sẽ tổ chức phiên livestream các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh để hỗ trợ các nhà sản xuất bán hàng. Đây là hướng đi mới nhưng đầy tiềm năng khi các sản phẩm nông nghiệp có thể tiếp cận người tiêu dùng cả nước. Mô hình này từng tạo đột phá ở nhiều tỉnh như Lâm Đồng, Sơn La, Bắc Giang… và đang được kỳ vọng sẽ tạo luồng sinh khí mới cho chuỗi tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của Gia Lai.
Bài và ảnh: Hiền Mai