Cho thuê tài khoản ngân hàng: Trào lưu kiếm tiền dễ dãi hay 'giăng bẫy pháp lý'?
Trong thời buổi công nghệ số, chỉ cần vài cú click và lời mời ngọt ngào từ mạng xã hội, nhiều người sẵn sàng "cho mượn" tài khoản ngân hàng để đổi lấy vài trăm nghìn đồng. Những lời hứa hẹn mơ hồ như "giữ hộ tài khoản", "giúp người thân nhận tiền từ nước ngoài" hay "cho thuê tài khoản lấy hoa hồng",.... tưởng chừng là vô hại nhưng thực tế đang trở thành "chiếc bẫy pháp lý giăng sẵn".
Hàng loạt các vụ việc cho thấy, nhiều tài khoản ngân hàng được "thuê" không chỉ bị lợi dụng để rửa tiền, chuyển tiền bất chính, hỗ trợ lừa đảo online, mà chủ tài khoản dù vô tình nhưng cũng vẫn có thể bị xử lý hình sự với tư cách là đồng phạm.
Câu hỏi đặt ra: Phải chăng sự dễ dãi trong nhận thức về quyền sở hữu tài khoản ngân hàng đã biến một hành vi tưởng như "vô thưởng vô phạt" trở thành điểm yếu chết người trong hệ thống tài chính cá nhân?
Cho thuê tài khoản ngân hàng: Trào lưu kiếm tiền dễ dãi hay 'giăng bẫy pháp lý'?
Thời buổi càng phát triển, kẻ xấu càng 'cao tay'
Thực tế thời gian qua cho thấy, rất nhiều người đã trở thành "mắt xích" vô tình trong các đường dây lừa đảo, chỉ vì một lần nhẹ dạ cho thuê tài khoản.
Hiện cả nước có gần 183 triệu tài khoản thanh toán cá nhân và 120 triệu thuê bao di động. Tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng đang diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn mới rất tinh vi. Các đối tượng lừa đảo thường sử dụng các tài khoản ngân hàng do mua, bán để thực hiện giao dịch chuyển và nhận tiền của bị hại, sau đó rửa tiền bằng nhiều phương thức khác nhau.
Tháng 12/2024, Công an tỉnh Nghệ An đã triệt phá một ổ nhóm tội phạm do Vũ Trung Kiên, Phạm Hoàng Hiệp, Vũ Hoàng Nhã và Hoàng Xuân Trường cầm đầu. Nhóm này đã thuê, mua hơn 500 tài khoản ngân hàng từ người dân, đặc biệt là những người cao tuổi, sinh viên, người lao động có thu nhập thấp, với giá từ 500.000 đến 4.000.000 đồng mỗi tài khoản. Sau khi thu thập thông tin tài khoản, SIM điện thoại, email và video khuôn mặt của chủ tài khoản, các đối tượng sử dụng những tài khoản này để thực hiện hành vi lừa đảo và rửa tiền qua không gian mạng.
Tháng 1/2025, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TP Hà Nội phối hợp với Công an các quận Hoàng Mai, Hà Đông, Nam Từ Liêm đã kiểm tra, xử lý 5 đối tượng về hành vi mua bán SIM thuê bao đã được nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ di động. Tổng cộng, cơ quan chức năng đã thu giữ hơn 15.600 SIM như vậy. Qua kiểm tra, phát hiện hơn 900 SIM đã bị sử dụng vào mục đích vi phạm pháp luật, như lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đăng ký tài khoản ngân hàng, ví điện tử ảo để rửa tiền, đăng ký tài khoản mạng xã hội để hoạt động lừa đảo.
Thời buổi càng phát triển, kẻ xấu càng 'cao tay'.
Ngân hàng Nhà nước 'siết' chặt: Đề xuất phạt đến 200 triệu đồng với hành vi tiếp tay lừa đảo
Để ngăn chặn tận gốc hành vi tưởng chừng như vô hại này, Ngân hàng Nhà nước đã mạnh tay đề xuất mức xử phạt lên đến 200 triệu đồng đối với các đối tượng vi phạm.
Tại Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đề xuất tăng mức phạt đối với hành vi cho thuê tài khoản ngân hàng, tài khoản thanh toán so với mức phạt theo quy định hiện hành tại Nghị định 88/2019/NĐ-CP sửa đổi bởi Nghị định 143/2021/NĐ-CP. Theo đó, đề xuất phạt đến 200 triệu đồng hành vi cho thuê tài khoản ngân hàng. Cụ thể như sau:
Tại Nghị định 88/2019/NĐ-CP sửa đổi bởi Nghị định 143/2021/NĐ-CP
- Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi thuê, cho thuê, mượn, cho mượn tài khoản thanh toán, mua, bán thông tin tài khoản thanh toán với số lượng từ 01 tài khoản thanh toán đến dưới 10 tài khoản thanh toán mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
- Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi cho thuê, cho mượn từ 10 tài khoản thanh toán trở lên;
Tại Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng
- Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với một trong các hành vi mua, bán, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn tài khoản thanh toán hoặc mua, bán thông tin tài khoản thanh toán với số lượng từ 01 tài khoản thanh toán đến dưới 10 tài khoản thanh toán mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
- Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với một trong các hành vi mua, bán, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn tài khoản thanh toán hoặc mua, bán thông tin tài khoản thanh toán với số lượng từ 10 tài khoản thanh toán trở lên mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
Chia sẻ với PV Gia đình và Xã hội, chị Đ.Thị Định (sinh năm 1986 - Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: "Tôi đồng tình ủng hộ việc nâng mức phạt. Khi theo dõi các thông tin về lừa đảo trên cả nước qua các phương tiện truyền thông, tôi nhận thấy hầu hết các vụ lừa đảo qua mạng đều mua bán tài khoản cá nhân hay sim điện thoại của người Việt. Sau khi nạn nhân chuyển tiền thành công lập tức số tiền này cũng được chuyển khoản ra nước ngoài. Tôi cũng có một người bạn đã từng bị lừa đến gần 2 tỷ đồng".
Bộ Công an khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác để tránh tiền mất, tật mang
Thiếu tá Phí Văn Thanh (Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an ) cho biết: "Việc mua bán tài khoản ngân hàng để thực hiện hành vi lừa đảo là một vấn đề đáng báo động. Mặc dù cơ quan chức năng đã nhiều lần cảnh báo và triển khai các giải pháp ngăn chặn, tình trạng này vẫn thường xuyên xảy ra và ngày càng lan rộng.
Rất nhiều vụ lừa đảo trên không gian mạng thời gian qua đều có sự tham gia của các tài khoản ngân hàng được thuê hoặc mua lại từ người dân. Chủ tài khoản có thể không biết tội phạm dùng vào mục đích gì, nhưng khi tiền của bị hại đi qua tài khoản đó, thì người đứng tên tài khoản vẫn liên đới trách nhiệm và có thể bị xử lý hình sự."
Bộ Công an khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác để tránh tiền mất, tật mang. (Ảnh: TL)
Trước thực trạng nhiều vụ việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua tài khoản ngân hàng thuê/mượn, Bộ Công an đã có nhiều lần khuyến cáo người dân cần tuyệt đối không được cho thuê, bán, hoặc chuyển nhượng tài khoản ngân hàng của mình dưới mọi hình thức. Cụ thể:
- Tuyệt đối không cho người khác mượn, thuê tài khoản ngân hàng hoặc giấy tờ tùy thân.
- Không cung cấp video, ảnh chân dung, giấy tờ cá nhân để "xác minh hộ" dưới bất kỳ hình thức nào.
- Khi phát hiện tài khoản ngân hàng bị lợi dụng hoặc nghi ngờ bị sử dụng sai mục đích, cần báo ngay cho ngân hàng và cơ quan Công an gần nhất.
- Nếu mất căn cước công dân hoặc các giấy tờ định danh khác, phải chủ động khóa tài khoản liên kết để tránh bị kẻ gian sử dụng vào mục đích lừa đảo.
Bảo An