Chợ phiên - nét văn hóa truyền thống

Chợ phiên - nét văn hóa truyền thống
3 ngày trướcBài gốc
Ai về đi chợ cùng ta
Sự phát triển của thương mại - dịch vụ tưởng như đã lấy đi nét văn hóa độc đáo của người Hà Tĩnh nói chung, người Việt nói riêng, thế nhưng, cứ vào Chạp là lòng người lại xắm nắm nhớ nhung và náo nức đợi chờ những phiên chợ truyền thống. Mỗi vùng có những phiên chợ khác nhau, mang đậm nét văn hóa của địa phương.
Những buổi chợ phiên truyền thống vào tháng Chạp thường nhộn nhịp kẻ bán, người mua.
Người miền núi Hương Sơn nổi tiếng với phiên chợ trâu, chợ bò ở chợ Choi, chợ Gôi. Nói là chợ trâu, chợ bò nhưng đã từ lâu người ta không còn bán trâu, bò nữa, thay vào đó, phiên chợ như một điểm hẹn văn hóa để người đi xa hò hẹn nhau trở về, để trẻ con nô nức đến chợ, mua cho mình những con tò he xanh đỏ, những phong kẹo được người làng nấu riêng cho phiên chợ, để cầm trên tay những loại đồ chơi truyền thống riêng có của phiên chợ...
Người miền xuôi có chợ Giấy, chợ Trổ (Đức Thọ) nổi tiếng với món bánh gai, hến sông La; chợ Nhe (xã Khánh Vĩnh Yên, Can Lộc) nổi tiếng với các phiên chợ mua bán trâu, bò; các chợ phiên ở Thạch Hà như chợ Lù (xã Hồng Lộc) với đặc sản chè xanh, khoai sắn, chợ Huyện (xã Bình An) với món bánh dì, kẹo bột, mật mía, chợ Hôm (xã Thạch Kim) với các loại hải sản cá mực tươi ngon; chợ Cầu (xã Kỳ Châu, huyện Kỳ Anh) nổi tiếng có bánh đa, bánh mướt; chợ Điếm (xã Kỳ Thư, huyện Kỳ Anh) với các vật dụng làm nón Đan Du… Những đặc sản hàng hóa đặc trưng hấp dẫn và khung thời gian hoạt động đa dạng như có chợ họp vào buổi đêm, có chợ chỉ nhộn nhịp vào mỗi buổi sáng hay chiều, mỗi tháng họp vào ngày chẵn, lẻ hay quy định ngày nhất định… làm nên thương hiệu cho chợ phiên truyền thống tại các địa phương Hà Tĩnh.
Tùy vào vùng miền, các chợ truyền thống ở các địa phương bày bán những sản phẩm đặc trưng. Trong ảnh: Đặc sản cam luôn xuất hiện trong các chợ phiên ở Hương Sơn vào tháng Chạp.
Với thế hệ 7X, 8X trở về trước, hẳn hình ảnh những buổi chợ phiên vào tháng Chạp vẫn còn đằm sâu trong ký ức và nỗi nhớ. Riêng tôi, kỷ niệm về mỗi phiên chợ Huyện ở xã Bình An (Thạch Hà) lúc bấy giờ vẫn còn ăm ắp những sắc màu. Ngày ấy, chợ Huyện mỗi tháng chỉ họp 4 phiên, tháng Chạp nào tôi cũng háo hức chờ được theo mẹ, theo chị đi chợ. Để đến được chợ Huyện, tôi phải đi bộ suốt 5 km đường đất, có chỗ phải đi cầu tre qua sông nhưng tất cả mệt nhọc đều tan biến khi hòa mình vào không gian chợ phiên để được mua món kẹo bột, ăn món bánh dì...
Chợ phiên thường nhiều hàng hóa, các phiên chợ vào tháng Chạp lại càng nhộn nhịp và đa dạng hơn. Ngoài những mặt hàng thường ngày nhiều hơn, chợ tháng Chạp còn có nhiều thứ mà các tháng trong năm ít có như: các quầy tranh, ảnh, lịch, câu đối, hoành phi phục vụ Tết; các mặt hàng thực phẩm, gia vị, gừng, tỏi, hành tây, lá dong, hoa quả khắp mọi miền; còn có các loại dao, thớt, chổi lông, đồ sành sứ thờ cúng… Không chỉ các tiểu thương, chợ phiên tháng Chạp còn có sự tham gia của những người nông dân đưa nông sản nuôi, trồng của mình đi bán. Những buổi chợ phiên ngày ấy, mẹ tôi cũng mang sản vật của gia đình như chè hoặc gà, vịt bán lấy tiền sắm Tết…
Chợ phiên tháng Chạp có sự đa dạng về chủng loại hàng hóa mà chợ phiên các tháng trong năm ít có.
Chợ phiên tháng Chạp làm nên một cái Tết tươm tất cho cả người bán lẫn người mua, tạo nên không khí giao thương hàng hóa sôi động, thúc đẩy kinh tế phát triển.
Ông Lê Hữu Cừ (75 tuổi, ở phường Trung Lương, TX Hồng Lĩnh) cho biết: “Đối với người dân làm nghề rèn ở quê tôi, xưa nay các phiên chợ tháng Chạp vẫn mang lại nhiều niềm vui nhất. Thời điểm cuối năm, người dân có nhu cầu cao về các mặt hàng phục vụ sản xuất vụ xuân như cào, cuốc, ven, thuổng và dao, thớt phục vụ Tết… Bao nhiêu tinh túy của làng nghề cũng nhân dịp này được đưa ra phục vụ khách hàng muôn phương”.
Ông Lê Hữu Cừ (75 tuổi, ở phường Trung Lương, TX Hồng Lĩnh) có thâm niên bán hàng hơn 40 năm tại tại các chợ phiên truyền thống tại Đức Thọ, Can Lộc, Thạch Hà.
Chợ phiên tháng Chạp không chỉ để bán mua, còn là nơi để người dân các vùng miền quê giao lưu, hòa mình vào không gian nhộn nhịp. Với nhiều người, được ngắm nhìn hàng hóa, mua vài thức quà vặt, ăn 1 bát phở gia truyền, mua vài bát bánh đúc, vài phong kẹo lạc… là như thể dòng mạch văn hóa truyền thống cứ chầm chậm chảy vào tâm tư.
Giữ gìn chợ phiên truyền thống
Ngày nay, trong sự phát triển của xã hội xuất hiện nhiều hình thức giao thương đa dạng, nhiều mô hình kinh doanh mới mẻ và tiện lợi cho người dân như: Các siêu thị lớn nhỏ, bán hàng trực tuyến qua các sàn giao dịch điện tử hoặc các nền tảng mạng xã hội… Nhiều người thích ở nhà chọn hàng trên điện thoại và đặt giao ship tận nhà. Do đó, thị phần của chợ truyền thống nói chung bị chia sẻ, sức mua giảm khiến hàng hóa cũng không còn phong phú như xưa. Đã có nhiều chợ truyền thống một thời sầm uất kẻ bán, người mua thì nay thưa thớt, tiểu thương cũng dần thay đổi hình thức kinh doanh. Dẫu vậy, vẫn có nhiều nơi, chợ phiên truyền thống được duy trì hiệu quả. Nhất là mỗi tháng Chạp về vẫn rộn ràng kẻ bán, người mua.
Trước sự tác động mạnh mẽ của các hình thức thương mại hiện đại nhưng chợ Cồn (Thạch Mỹ, Thạch Hà) vẫn duy trì và phát huy tốt vai trò chợ phiên truyền thống.
Đến chợ Cồn (xã Thạch Mỹ, Thạch Hà) một ngày đầu tháng Chạp này, tôi được hòa mình vào không khí nhộn nhịp của chợ phiên truyền thống. Chợ Cồn có từ lâu đời, gắn với đời sống người dân Thạch Hà nói riêng và người dân Hà Tĩnh nói chung. Chợ họp vào ngày chẵn trong tháng với đủ loại hàng hóa, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân. Từ các mặt hàng nhu yếu phẩm hằng ngày như: thực phẩm tươi sống thịt, cá, hải sản, rau, củ, quả; các mặt hàng khô, quần áo, vải vóc… cho đến nông cụ sản xuất như: cào, cuốc, dao, liềm; các thức quà vặt như: bánh rán, bánh mướt, ram cuốn, giò lụa… Tháng Chạp đến, các mặt hàng càng nhiều, tất cả tạo nên một không gian chợ trù phú.
Chị Tô Thị Tuyết (tiểu thương bán hoa quả) cho biết: “Tôi kinh doanh tại chợ Cồn đã 15 năm. Mặc dù gần đây xuất hiện nhiều hình thức kinh doanh mới… nhưng may mắn là các phiên chợ Cồn vẫn luôn nhộn nhịp khách hàng. Hằng năm, vào tháng Chạp, sức mua của người dân tăng lên từng ngày, vì trong tháng có nhiều ngày lễ như rằm, tết ông Công - ông Táo, nhiều dòng họ sửa sang nghĩa trang sắm lễ, đặc biệt là tết Nguyên đán. Vì vậy, chúng tôi cũng chuẩn bị hàng hóa gấp nhiều lần tháng bình thường trong năm. Để đáp ứng nhu cầu của người dân, tôi đã đặt mua các loại hoa quả từ những nhà vườn trong và ngoài tỉnh… Việc kinh doanh ở các phiên chợ truyền thống mang lại cho gia đình tôi cuộc sống ổn định”.
Chị Tô Thị Tuyết (tiểu thương bán hoa quả tại chợ Cồn - Thạch Mỹ) phấn khởi khi chợ phiên truyền thống được giữ gìn và phát huy.
Hòa mình vào những phiên chợ truyền thống, tôi thấm thía lời một nhà nghiên cứu văn hóa từng nói: “Muốn biết đời sống của người dân vùng quê nào đó như thế nào, hãy đến chợ truyền thống của họ và quan sát”. Người quê không phải ai cũng biết mua bán trực tuyến, hơn nữa, nhiều người vẫn mong muốn đến chợ như để tìm lại một chút gì đó của ngày xưa, như để duy trì một tập tục của quê hương. Với họ, chợ không chỉ để bán mua mà còn là không gian văn hóa mang tính cộng đồng.
Để giữ gìn và phát huy chợ phiên truyền thống trong bối cảnh mới, thời gian qua, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh cũng đã có những giải pháp hiệu quả như: tiến hành quy hoạch lại chợ, tạo không gian rộng rãi, sắp xếp bố trí các khu kinh doanh, gian hàng hợp lý. Bên cạnh đó, bàn giao cho các HTX, doanh nghiệp quản lý; thường xuyên tổ chức công tác kiểm tra nguồn hàng hóa đảm bảo chất lượng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tăng cường công tác đảm bảo an ninh, phòng cháy, chữa cháy… Đồng thời, quán triệt tới các tiểu thương về văn hóa ứng xử với khách hàng; bình ổn giá cả, qua đó, tạo niềm tin cho người dân tại địa phương và các vùng miền về mua bán, duy trì các phiên chợ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.
Một góc chợ Gôi (xã An Hòa Thịnh, Hương Sơn) ngày nay.
Ông Nguyễn Tiến Dũng - Phó Chủ tịch UBND xã An Hòa Thịnh (Hương Sơn) cho biết: “Từ năm 2016, chúng tôi đã bàn giao chợ Gôi cho Tập đoàn Sơn An Group quản lý. Bên cạnh được đầu tư cơ sở hạ tầng khang trang, thu hút đông đảo tiểu thương, người dân tham gia kinh doanh, buôn bán, chợ đã tăng số phiên họp từ 9-10 phiên/tháng lên 15 phiên/tháng. Đặc biệt, hằng năm vẫn duy trì đều đặn phiên chợ trâu truyền thống vào ngày 19 tháng Chạp, thu hút đông đảo người dân và du khách mọi miền về tham gia. Qua đó, tạo không khí vui tươi, giữ gìn nét văn hóa quê hương”.
Tháng Chạp về, ấy là lúc trong lòng nhiều người rộn ràng, háo hức tham gia các phiên chợ truyền thống, nhất là các phiên chợ giáp tết Nguyên đán, để được hòa mình vào không gian văn hóa mỗi vùng quê, để được mua sắm, thưởng thức sản vật của các vùng miền. Giữ gìn, phát huy chợ phiên không chỉ góp phần phát triển kinh tế mà còn giữ những nét văn hóa truyền thống của quê hương.
Thiên Vỹ
Nguồn Hà Tĩnh : https://baohatinh.vn/cho-phien-net-van-hoa-truyen-thong-cua-nguoi-ha-tinh-post280373.html