Khuyên tai ngọc, hiện vật khai quật tại Vườn Chuối. (Ảnh: VƯƠNG ANH)
Nơi lưu giữ 3 tầng văn hóa
Nằm giữa một vùng trồng ổi, chuối trước đây, và nay là công trường thuộc dự án xây dựng khu đô thị Kim Chung (thuộc địa phận xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội) và dự án đường vành đai 3,5, khu di chỉ khảo cổ Vườn Chuối mang trong mình những giá trị vô giá, độc nhất vô nhị với 4 tầng văn hóa Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun và Đông Sơn cùng hàng nghìn hiện vật, mảnh hiện vật đủ các loại chất liệu, từ đồ đá, đồ đồng, cho đến đồ gốm, tre, gỗ, thậm chí cả ngọc với nhiều chủng loại, từ vũ khí, công cụ lao động, sản xuất, công cụ sinh hoạt cho đến đồ trang sức.
Những di tích, di vật thu được trong nhiều đợt khai quật đã bước đầu cho chúng ta một phác thảo về đời sống, xã hội con người qua nhiều giai đoạn lịch sử ở Vườn Chuối.
Các mộ táng được khai quật tại Vườn Chuối.
Báo cáo sơ bộ kết quả thăm dò khai quật nghiên cứu khảo cổ học cụm di chỉ Vườn Chuối của các nhà khoa học Viện Khảo cổ học cho biết, Vườn Chuối có đặc trưng nổi bật là khu di chỉ cư trú.
Ở các hố khai quật, các nhà khoa học đã phát hiện những dấu tích, di vật của giai đoạn Gò Mun và Đồng Đậu cũng như những mảnh gốm vụn thuộc giai đoạn văn hóa Đông Sơn. Các cuộc khai quật từ trước đến nay đã phát hiện nhiều di tích liên quan đến sinh hoạt hằng ngày của con người thời Tiền Đông Sơn – Đông Sơn.
Hiện vật chân gốm.
Nhiều loại hình di tích sinh hoạt cư trú như các khu bếp đun nấu, vết tích lò nấu đồng, các hố đất đen, hố chân cột, vết tích nền sân hoặc nền kiến trúc... thuộc nhiều giai đoạn văn hóa khác nhau từ Tiền Đông Sơn đến Đông Sơn đã được phát hiện ở đây.
Các di vật ở các địa tầng cho thấy có sự phát triển trực tiếp từ Gò Mun đến Đông Sơn ở Vườn Chuối.
Cuộc khai quật quy mô lớn cuối năm 2023 đã làm xuất lộ thêm nhiều dấu tích quan trọng của hai thời kỳ Đông Sơn và Phùng Nguyên, cho thấy ở khu vực này lưu giữ tới 4 thời kỳ văn hóa rực rỡ nhất của Việt Nam thời cổ đại.
Các cuộc khai quật cũng cho thấy những di vật, hiện vật độc đáo và có nhiều giá trị trong việc phác thảo những thời kỳ lịch sử tại khu vực này.
Các di cốt phát hiện tại Vườn Chuối.
Trước hết, đó là hơn 100 ngôi mộ táng thời Đông Sơn và Tiền Đông Sơn. Các mộ táng này đều có di cốt và đồ tùy táng, cho thấy sự phân tầng xã hội và vị trí của người được chôn trong mỗi thời kỳ lịch sử.
Ngoài ra, theo Giáo sư Lâm Mỹ Dung, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội - người nhiều lần khai quật Di chỉ Vườn Chuối, hệ thống di cốt trong các mộ táng thuộc các giai đoạn khác nhau vẫn còn được bảo tồn khá tốt, hứa hẹn sẽ đưa đến những hiểu biết sâu hơn khi nghiên cứu về nhân chủng học, về tập tục... của cư dân cổ. Qua nghiên cứu sâu các di cốt có thể thu được những tri thức về gien của người tiền Đông Sơn để tìm mối liên hệ với gien người Việt hiện nay.
Ngoài ra còn có thể nghiên cứu tập tục mai táng, nghiên cứu liên ngành về môi trường sống, về dinh dưỡng, về sức khỏe, bệnh lý... để có cái nhìn rõ ràng hơn về người xưa.
Nằm sâu trong lòng đất là những hiện vật có niên đại hàng nghìn năm.
Bên cạnh đó, còn hàng nghìn hiện vật từ đá, đồng, gốm, sắt, xương động vật và các loại mảnh vỏ ốc, cùng với nhiều dấu tích liên quan đến sinh hoạt, đời sống xã hội của con người thời đó như bếp đun nấu, vết tích lò nấu đồng, các hố đất đen, hố chân cột, vết tích nền sân hoặc nền kiến trúc…
Những di vật, di tích được phát hiện ở đây cho thấy các cư dân cổ nơi này đã nắm vững và phát huy đến trình độ rất cao các nghề thủ công như chế tác đồ đá, đồ gốm, đồ gỗ, nấu đúc kim loại đồng, xe sợi dệt vải...
Những dấu tích vỏ trấu in trên một số mảnh gốm, mảnh đất nung cho thấy thông tin về nghề trồng lúa nước. Những mảnh xương trâu bò, lợn... cho biết về nghề chăn nuôi trên nền tảng nông nghiệp lúa nước của cư dân Vườn Chuối.
Nghề chài lưới, bắt cá được phản ánh qua những viên chì lưới bằng đất nung và những lưỡi câu đồng... Việc khai thác lâm thổ sản được thể hiện qua những mảnh tre, gỗ... được chế tác thành công cụ, còn giữ lại được cho đến nay nhờ lớp đất bùn đáy ao.
Những giá trị vô giá
Việc có một di chỉ khảo cổ với 4 giai đoạn văn hóa như vậy là vô cùng hiếm hoi đối với nhiều quốc gia trên thế giới. Phó Giáo sư Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam đã đánh giá di chỉ khảo cổ Vườn Chuối là “độc bản”, chưa từng có.
Giáo sư Lâm Mỹ Dung, người vô cùng tâm huyết và luôn trăn trở với Vườn Chuối cho rằng, Vườn Chuối như một điển hình của việc chúng ta đã cố gắng giữ và đã giữ lại được một di chỉ quý, trong tình trạng đô thị hóa mạnh mẽ như hiện nay. Giữ được Vườn Chuối cũng chính là giữ lại được một tài sản vô giá cho Hà Nội sau này.
Các nhà khoa học đầu ngành tại một hố khai quật ở Vườn Chuối.
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Quý, Viện Khảo cổ học, người trực tiếp tham gia cuộc khai quật từ nhiều năm qua cho biết, Vườn Chuối là một di chỉ khảo cổ độc đáo, vô giá với 4 tầng văn hóa cùng hàng nghìn hiện vật, di vật, giúp con người thời nay phần nào hình dung ra được cuộc sống xã hội của tổ tiên chúng ta cách đây hàng nghìn năm.
Các tầng văn hóa phát lộ trong hố khai quật.
“Di chỉ khảo cổ này nâng cao giá trị cho bất kỳ địa phương nào sở hữu nó. Nếu xây dựng một công viên khảo cổ ở đây, vừa để bảo tồn, giữ gìn những di sản trong lòng đất, vừa để công chúng thấy được những giá trị của di chỉ khảo cổ này, đây sẽ không chỉ là một điểm đến hấp dẫn, mà còn nâng cao giá trị cho cả khu đô thị và thành phố, bởi vì không phải nơi nào trên thế giới cũng sở hữu một di chỉ khảo cổ có niên đại lên đến 3000 năm và trải qua 4 giai đoạn văn hóa như Vườn Chuối” - Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Quý chia sẻ.
Chính vì thế, việc di chỉ khảo cổ Vườn Chuối được Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đề nghị xếp hạng di tích quốc gia là “trái ngọt” mà các nhà khoa học, những người dân yêu mến di sản của cha ông ở thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội, cũng như báo giới mong đợi đã lâu.
TUYẾT LOAN