Trong 25 cầu thủ được HLV Shin Tae-yong triệu tập cho 2 trận đấu vòng loại World Cup với Nhật Bản và Saudi Arabia trong tháng 11, chỉ có 9 cầu thủ đang chơi bóng cho các CLB Indonesia. Ở đội hình xuất phát trong trận Nhật Bản, 9/11 vị trí là những cầu thủ mới nhập tịch, sinh và đang chơi bóng ở nước ngoài. Nói cách khác, cả nền bóng đá đồ sộ của đất nước hơn 200 triệu dân Indonesia gần như không đóng góp được gì cho đội tuyển quốc gia.
Nhưng điều đó chưa làm các CĐV xứ Vạn đảo cay đắng bằng cái cách mà đội tuyển của họ để thua Nhật Bản. Những gì tốt nhất của đội chủ nhà chỉ diễn ra trong 15 phút đầu trận, khi họ chủ động cầm bóng tấn công và Nhật Bản lại có dấu hiệu chủ quan. 3 cú sút trúng đích của Indonesia trong toàn bộ trận đấu đều rơi vào 15 phút này. Thế nhưng, họ đã thiếu sự chuẩn xác để đưa bóng vào lưới.
Trong khi đó, kể từ khi có bàn đầu tiên ở phút 35, trận đấu rơi hẳn vào tay người Nhật Bản. Họ gần như ghi liên tiếp thêm 3 bàn thắng, tung đến 13 cú sút, trong đó có 8 lần đưa bóng đi đúng hướng. Điều đáng nói là cả 4 bàn thua của Indonesia đều diễn ra khá đơn giản, xuất phát từ các lỗi cá nhân của những cầu thủ mang tiếng là đang chơi bóng tại Mỹ, Hà Lan, Italy. Tay bút chuyên bình luận bóng đá châu Á, Grabiel Tan của đài ESPN viết rằng: “Sai sót nhỏ nhưng đó là hố sâu khổng lồ giữa 2 nền bóng đá”. Tại Asian Cup 2023, Indonesia chỉ thua Nhật Bản 1-3, giờ đã là 0-4.
Đó chính là lý do khiến CĐV Indonesia nổi cơn thịnh nộ. Giới truyền thông nước này còn “châm dầu vào lửa” đòi HLV Shin Tae-yong từ chức vì lòng tự trọng. Họ cho rằng nếu đã sử dụng đến những nguồn lực quốc tế mà cũng vẫn mắc các sai sót cơ bản trong cả việc ghi bàn lẫn phòng ngự thì có khác gì đội tuyển Indonesia trước đây với phần lớn cầu thủ trong nước.
Đây là điều dễ hiểu, bởi bóng đá Indonesia đã quyết liệt theo đuổi chính sách nhập tịch cầu thủ gây nhiều các tranh cãi, bất chấp việc sử dụng quá nhiều cầu thủ có gốc Indonesia nhưng chủ yếu là sinh sống tại nước ngoài về lâu dài sẽ tổn hại nghiêm trọng đến bóng đá nội địa của họ. Cũng vì lý do này mà Indonesia không thể có đội hình mạnh nhất để dự AFF Cup vào cuối năm do các cầu thủ nhập tịch không được CLB cho về nước thi đấu. Trong khi đó, Indonesia lại chưa từng một lần vô địch Đông Nam Á. Nói cách khác, bóng đá xứ Vạn đảo đang đứng trước viễn cảnh “mất cả chì lẫn chài”.
Cho đến khi Indonesia nhận ra được bài học này từ 2 thất bại liên tiếp trước Trung Quốc và Nhật Bản, thì có thể nói, ngay đến chính sách nhập tịch để “đốt giai đoạn” cũng không thể thay đổi được thực tế về cái mà ESPN mô tả “Hố sâu tàn khốc” giữa bóng đá Đông Nam Á và tốp đầu châu lục. Những chi tiết nhỏ trong trận đấu, như sai sót trong phòng ngự, mất bóng khi triển khai tấn công, kỹ thuật cá nhân thua kém và tư duy trong di chuyển không bóng kém… là nguyên nhân khiến Indonesia thua đậm. Nói ví von là chớ thấy đỏ mà tưởng đã chín …
HỒ VIỆT