Cho vay không tài sản đảm bảo mới chiếm 20% tổng dư nợ tín dụng tam nông

Cho vay không tài sản đảm bảo mới chiếm 20% tổng dư nợ tín dụng tam nông
3 giờ trướcBài gốc
Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước.
Hiện nay, cả nước đã có trên 90 tổ chức tín dụng và gần 1.100 quỹ tín dụng nhân dân tham gia cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, với mạng lưới mở rộng, phủ khắp đến vùng sâu, vùng xa để giúp người dân tại các vùng kinh tế khó khăn tiếp cận được nguồn vốn vay và dịch vụ ngân hàng.
Tn dụng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn chiếm 25% tổng vốn tín dụng của toàn nền kinh tế; tăng gấp gần 4 lần sau 9 năm Nghị định 55 được ban hành. Với dư nợ doanh nghiệp khoảng 31,5%; dư nợ cá nhân, hộ gia đình, hộ kinh doanh khoảng 68,3%; dư nợ Hợp tác xã và đối tượng khác khoảng 0,25%.
Số liệu thống kê từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, bình quân giai đoạn 2016-2023, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng 16,27%, cao hơn mức tăng 14,91% của tín dụng chung toàn nền kinh tế.
Trong đó, dư nợ cho vay không có tài sản đảm bảo chiếm khoảng 20%-21% dư nợ nông nghiệp, nông thôn. Đến tháng 12/2023, dư nợ cho vay ứng dụng công nghệ cao nông nghiệp sạch đạt 27.649 tỷ đồng. Dư nợ cho vay liên kết, chuỗi giá trị trong nông nghiệp bình quân giai đoạn 2018-2023 tăng 13,42%/năm.
Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn cũng gặp phải một số khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư tín dụng vào lĩnh vực này.
Thứ nhất, các tổ chức tín dụng gặp khó khăn trong cung ứng nguồn vốn tín dụng dài hạn, giá rẻ cho khu vực nông nghiệp nông thôn do nguồn vốn chính để các tổ chức tín dụng thực hiện cho vay khu vực này hiện nay là vốn huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư (chủ yếu là tiền gửi); trong khi đây là những nguồn vốn có kỳ hạn ngắn, được huy động theo cơ chế thị trường.
Thứ hai, kết quả triển khai một số chính sách chưa được như kỳ vọng. Đơn cử, cho vay không có tài sản bảo đảm mới chiếm khoảng 20% dư nợ nông nghiệp nông thôn; Dư nợ tín dụng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đối với hợp tác xã còn thấp, hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn khó tiếp cận vốn tín dụng.
Dư nợ đối với lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết, chuỗi giá trị chưa có nhiều chuyển biến mặc dù Nghị định đã quy định đầy đủ các chính sách khuyến khích cho các lĩnh vực này.
Thứ ba, công tác thẩm định, xem xét cho vay, quản lý khoản vay trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn còn gặp một số khó khăn như: Chi phí quản lý khoản vay cao do các khoản vay trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đa phần nhỏ lẻ, số lượng khách hàng lớn, phân tán trên địa bàn rộng; Tài sản bảo đảm trong cho vay nông nghiệp, nông thôn là đất nông nghiệp có giá trị thấp, công trình xây dựng trên đất chậm được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, khó định giá; đối với tài sản bảo đảm là hàng tồn kho, khoản phải thu khó quản lý.
Thứ tư, các tổ chức tín dụng gặp nhiều khó khăn trong việc thu hồi và xử lý nợ vay trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn do đặc thù rủi ro của ngành chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh khiến người dân bị thiệt hại hoặc không còn khả năng tái sản xuất; sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, chính quyền địa phương, các đơn vị chức năng còn bất cập (ví dụ về xử lý quyền sử dụng đất, nhà ở để thu hồi nợ vay, chế tài bắt buộc người vay bàn giao tài sản cho ngân hàng hoặc ngân hàng có quyền phát mãi tài sản giữ hộ để thu hồi nợ).
Ngoài ra, ý thức của khách hàng vay, có tâm lý trông chờ, ỷ lại nhiều vào chính sách của Nhà nước.
Thứ năm, một số tổ chức tín dụng như Agribank đã phát triển phương thức cho vay thông qua các tổ vay vốn ủy thác qua 2 tổ chức chính trị - xã hội là Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam. Tuy nhiên, việc triển khai qua phương thức này còn một số khó khăn.
Thứ sáu, việc đầu tư tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn còn đối mặt với một số thách thức khác như: Đặc thù sản xuất ngành nông nghiệp phải đối mặt với nhiều thiên tai, dịch bệnh; giá cả, thị trường đầu ra chưa ổn định; ngành nông nghiệp phát triển chưa bền vững trong khi các sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp/công cụ phòng ngừa rủi ro tại Việt Nam còn chưa phát triển rộng rãi, chính sách bảo hiểm nông nghiệp còn chậm triển khai...
T.L
Nguồn Đầu Tư : https://baodautu.vn/cho-vay-khong-tai-san-dam-bao-moi-chiem-20-tong-du-no-tin-dung-tam-nong-d227025.html