Tuy vậy, mức kỷ lục diễn ra trong bối cảnh thị trường chứng khoán giao dịch trầm lắng khiến nhà đầu tư không khỏi băn khoăn.
Quý 1 năm 2024, VnIndex đã tăng hơn 13,6%. Ba quý còn lại, thị trường đã thiêu rụi thành quả tăng điểm của quý 1. Tính đến cuối năm, VnIndex chỉ tăng 12,1%. Do đó, dù tăng điểm nhưng thị trường năm qua vẫn là một kỷ niệm buồn với nhiều nhà đầu tư.
Tuy nhiên, xét về tính thanh khoản thì thị trường năm 2024 không quá tệ. Tính tổng giá trị giao dịch trên sàn HoSE, kể cả khớp lệnh và thỏa thuận, năm 2024 đạt 4,66 triệu tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2023 và tăng 9% so với năm 2022. Mức thanh khoản chỉ thua 14% so với mức thanh khoản kỷ lục của năm 2021.
Thanh khoản thị trường tốt, người dân vay margin càng nhiều. Đó là lý do dư nợ margin của các công ty chứng khoán tính đến cuối năm 2024 đạt kỷ lục.
Năm 2024 là năm có kỷ lục buồn của thị trường chứng khoán Việt. Khối ngoại bán ròng trên 93.000 tỷ đồng. Khi khối ngoại rút, cần một lượng vốn tương đương của khối nội để bù. Với một số doanh nghiệp, khi khối ngoại rút lui đồng nghĩa với việc kết thúc một thương vụ đầu tư. Chủ doanh nghiệp hoặc nhóm cổ đông lớn của doanh nghiệp phải tìm cách để hấp thụ khối lượng cổ phiếu, đảm bảo giá cổ phiếu không bị rớt thảm.
Một trong những lý do dư nợ margin cao kỷ lục là hiện tượng một số các công ty chứng khoán đang bị “ngân hàng hóa”. Họ huy động vốn từ nhà đầu tư dưới danh nghĩa tiền gửi, thậm chí trả lãi suất cao hơn các ngân hàng thương mại trên thị trường. Một số công ty chứng khoán có chính sách thưởng lãi suất cho nhà đầu tư duy trì tiền mặt tại tài khoản chứng khoán từ 1 tỷ trở lên. Tiền đó họ dùng để cho vay, cầm cố bằng cổ phiếu. Về nghiệp vụ, đó như một khoản vay margin. Ủy ban chứng khoán nhà nước đã có văn bản gửi các công ty chứng khoán, đề nghị chấm dứt tình trạng này.
Vậy tại sao cũng cầm cố cổ phiếu để vay nợ mà người vay không vay ở ngân hàng, thay vào đó vay ở công ty chứng khoán với lãi suất vay margin?
Lãi suất vay margin cao hơn nhiều so với lãi suất các khoản vay tại ngân hàng thương mại. Nhưng nếu vay ở ngân hàng, người vay sẽ bị kiểm duyệt rất kỹ càng từ mục đích sử dụng vốn, rồi phương thức rót tiền. Ở công ty chứng khoán, vốn không phải là một tổ chức tín dụng, nên các quy định, quy trình này còn nhiều lỗ hổng.
Tóm lại, lý do khiến cho vay margin tại các công ty chứng khoán tăng mạnh vào năm 2024 đó là:
Thứ nhất, do thanh khoản thị trường năm 2024 cao hơn 23% so với năm 2023.
Thứ hai, do vốn ngoại rút đi kỷ lục, cần một lượng vốn nội tương đương bù đắp.
Thứ ba, nghiệp vụ cho vay cầm cố chứng khoán tại các công ty chứng khoán ít nhiều vẫn còn, dưới các hình thức khác nhau.
Cho vay ký quỹ đang trở thành nguồn thu chính của các công ty chứng khoán, thay thế mảng môi giới, là nghiệp vụ truyền thống.
Thống kê từ FiinPro cho thấy, doanh thu từ mảng cho vay ký quỹ quý 3 năm 2024 của các công ty chứng khoán đã cao gần gấp đôi doanh thu môi giới. Năm 2023, xu hướng doanh thu cho vay ký quỹ vượt doanh thu môi giới đã bắt đầu manh nha. Trên 79 công ty chứng khoán trên thị trường, năm 2023 doanh thu cho vay ký quỹ của họ chỉ vượt 8%.
Lê Thông