Cho vay thế chấp bằng tài sản số - nên hay chưa?

Cho vay thế chấp bằng tài sản số - nên hay chưa?
11 giờ trướcBài gốc
Việt Nam đang xây dựng lộ trình để hoàn thiện hành lang pháp lý về tài sản số theo hướng thừa nhận đây là đối tượng trong tài sản đảm bảo. Ảnh minh họa. Nguồn: ST
Nhiều nước cho vay thế chấp bằng tài sản số, Việt Nam thì sao?
Sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế số, cùng với xu thế chuyển đổi xanh toàn cầu đã và đang làm thay đổi căn bản diện mạo của thị trường tài chính. Theoông Giacomo Merello - Chủ tịch Hội đồng Thúc đẩy Kinh doanh tài sản Kỹ thuật số Antigua & Barbuda, đặc phái viên Kinh tế đặc biệt của Thủ tướng Antigua & Barbuda tại Singapore, trên thế giới, một số nước đã cho phép sử dụng tài sản số nói chung, tiền mã hóa nói riêng làm tài sản thế chấp tại các ngân hàng.
Tại một số nước trên thế giới, các loại tiền mã hóa được sử dụng để thế chấp tại ngân hàng là stablecoin (một loại tiền điện tử được tạo ra để theo dõi giá trị của một tài sản hoặc đồng tiền khác, thường tính theo đơn vị USD hoặc Euro, đơn cử như USDT, USDC...) hoặc một số loại tiền điện tử có giá trị lớn như bitcoin, ethereum.
Dẫn ví dụ điển hình, ông Giacomo Merello cho biết: Vào tháng 02/2023, Thụy Sĩ trở thành nước đầu tiên chấp nhận trái phiếu số Blockchain làm tài sản repo (thỏa thuận mua lại) cho Ngân hàng Trung ương. Đến tháng 02/2025, Sàn giao dịch SIX cũng ra mắt dịch vụ tài sản bảo đảm kỹ thuật số, cho phép thế chấp tiền mã hóa cùng với chứng khoán truyền thống. Ngoài ra, các ngân hàng như Bitcoin Suisse đã phát triển dịch vụ cho vay dựa trên tiền mã hóa với cơ chế lưu trữ an toàn.
Cùng với Thụy Sĩ, Malta là một trong những quốc gia đầu tiên thiết lập khung pháp lý cho tài sản số từ năm 2018. Quốc gia này cũng nhanh chóng nội luật hóa các quy định liên quan, đồng thời nghiên cứu cấp phép cho ngân hàng tiền mã hóa.
Singapore cũng thể hiện vai trò dẫn đầu khu vực với khung cấp phép rõ ràng dưới Đạo luật Dịch vụ Thanh toán (2019), yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ tài sản số phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về chống rửa tiền và tài trợ khủng bố. Tòa án Singapore đã công nhận tài sản số là tài sản hợp pháp, mở đường cho việc sử dụng chúng trong giao dịch bảo đảm.
Antigua & Barbuda và Vương quốc Anh cũng đã có những bước tiến mạnh mẽ trong việc công nhận tài sản số. Đặc biệt, Anh đã ban hành luật chính thức công nhận tiền mã hóa và NFT là tài sản cá nhân, tạo tiền lệ cho xu thế toàn cầu.
Trong khi đó, tại Việt Nam, với hơn 17 triệu người dùng tài sản số và giá trị thị trường trên 100 tỷ USD, nước ta đứng thứ 5 thế giới về mức độ quan tâm đến tiền điện tử.
Cùng với đó, Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số đã bước đầu xác lập khái niệm tài sản số và quyền sở hữu với tài sản này, mở đường cho việc xác lập và giao dịch bảo đảm đối với tài sản số trong tương lai. Bộ Tài chính đang xây dựng khung pháp lý về tài sản số.
Dù khung pháp lý hoàn chỉnh chưa hoàn chỉnh song một số quy định hiện hành đã manh nha định hướng cho việc này. Điểm 8, Nghị định số 21/2021/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ quy định tài sản bảo đảm bao gồm tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai, trừ tài sản đang bị cấm mua bán, cấm chuyển nhượng, cấm chuyển giao.
Câu hỏi đặt ra: Với số lượng người dùng tài sản số giá trị lớn như trên và một khuôn khổ pháp lý đang trong quá trình xây dựng, các ngân hàng có thể chấp nhận loại tài sản này là tài sản đảm bảo cho khoản vay hay không?
Những băn khoăn cần làm rõ
Theo ông Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật ANVI, tài sản số, tín chỉ carbon là một vấn đề mới và quan trọng đối với nền kinh tế nói chung cũng như ngành ngân hàng nói riêng trong tương lai. Mặc dù mới khởi đầu nhưng nếu không làm thì không biết bao giờ triển khai được.
Ông Đức cho hay, hiện chưa có luật nào ở Việt Nam cấm giao dịch, sở hữu hay lấy tiền ảo, tài sản số là tài sản bảo đảm. Tuy nhiên, ông Đức thừa nhận điều khó nhất ở đây: Nhận tài sản bảo đảm là để phòng ngừa, hạn chế, ngăn chặn rủi ro mà những tài sản trên hiện rất rủi ro cho ngân hàng. Những loại tài sản số, tín chỉ carbon sẽ có biến động về giá trị. Chưa kể đến việc vi phạm điều kiện cho vay, giá trị tài sản bảo đảm… sẽ kéo theo việc xử lý vất vả sau này.
Hệ thống pháp luật hiện hành mới chỉ xác định tài sản theo cách liệt kê (Điều 105 Bộ luật Dân sự 2015) mà chưa có sự mở rộng để bao gồm tài sản số hay tín chỉ carbon. Vì vậy, trong điều kiện thực tế, tài sản số tuy tồn tại và giao dịch phổ biến song vẫn chưa đủ cơ sở pháp lý để trở thành tài sản bảo đảm trong các giao dịch tín dụng ngân hàng. Thêm vào đó, sự thiếu vắng khung pháp lý không chỉ khiến các ngân hàng e dè trong việc nhận tài sản số làm bảo đảm mà còn gây khó khăn cho việc xác định giá trị, xử lý tài sản khi phát sinh rủi ro.
TS. Lê Thị Giang - Trường Đại học Luật Hà Nội
Từ góc độ đơn vị chuyên về xử lý nợ xấu, ông Đỗ Giang Nam - Thành viên Hội đồng thành viên Công ty TNHH một thành viên Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) - cho rằng, nguyên tắc nhận tài sản bảo đảm gồm 2 điều kiện: Về hành lang pháp lý - điều kiện cần, hiện nay, Việt Nam đang xây dựng lộ trình để hoàn thiện hành lang pháp lý về tài sản số và thị trường carbon theo hướng thừa nhận đây là đối tượng trong tài sản đảm bảo. Điều kiện đủ, ngân hàng nếu muốn nhận đảm bảo khoản vay bằng tài sản số hay tín chỉ carbon phải tính toán đến nhiều yếu tố, đặc biệt là khả năng quản lý, xử lý các loại tài sản này trong trường hợp xảy ra rủi ro với khách hàng vay vốn.
Quan tâm đối với vấn đề này, ông Nguyễn Kim Hùng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Kim Nam - đặt ra một loạt câu hỏi: Làm thế nào để đánh giá tài sản số khi giá trị của nó từ sáng đến tối đã có sự thay đổi? Một doanh nghiệp cung ứng phần mềm có được đưa vào hạch toán là tài sản hay không? Một doanh nghiệp có thể có nhiều tài sản số như sở hữu trí tuệ, thương hiệu doanh nghiệp… có được quy ra tiền hay không?
Khẳng định tính khả thi của việc đưa tài sản số làm tài sản đảm bảo nhưng ông Nguyễn Kim Hùng vẫn hết sức băn khoăn: Hiện một số quốc gia trên thế giới đã rất thành công trong việc nhượng quyền tài sản phi vật chất như thương hiệu... Tại Việt Nam, phân biệt sở hữu hay sử dụng, bao giờ có quyền sở hữu, bao giờ có quyền sử dụng. Giả sử một doanh nghiệp bán cổ phần nhưng chỉ được thanh toán 80%, còn thiếu 20% không được trả, vậy doanh nghiệp bán có được đòi lại không hay phải thực hiện kiện ra tòa. Tài sản số cũng như vậy và còn xảy ra nhanh hơn với giá trị nhiều hơn. Đây là những câu hỏi mà doanh nghiệp đang mong đợi lời giải đáp rõ ràng, theo ông Nguyễn Kim Hùng./.
THÀNH ĐỨC
Nguồn Kiểm Toán : http://baokiemtoan.vn/cho-vay-the-chap-bang-tai-san-so-nen-hay-chua-39885.html