Nhà cổ ở Hội Kỳ -Ảnh: THANH LỘC
1.Hải Lăng nói chung là vậy, nhưng nếu ai hỏi tôi về vùng đất nào ở quê lúa này làm tôi nhớ đến... ám ảnh thì câu trả lời ngay tắp lự sẽ là: Vùng Càng. Một nơi mà tôi tự gọi vui là: “Miền Tây của Quảng Trị”. Bởi đó là nơi chốn của mênh mang sông nước, của cá tôm ăm ắp và những con người chất phác.
Tôi sẽ nhớ về Càng là những rẻo đất xâm xấp nước hoặc chỉ cao hơn mặt ruộng vài chục centimet, nằm trơ trọi giữa đồng, cách xa làng mạc. Có tận mấy rẻo đất như thế, gồm An Thơ, Hưng Nhơn, Hội Điền, Câu Nhi (thuộc xã Hải Phong); Cây Da hay còn gọi là Diên Trường thuộc thị trấn Diên Sanh; Mỹ Chánh thuộc xã Hải Chánh và Trung Đơn thuộc xã Hải Định... Các Càng chỉ có vài chục hộ dân sinh sống, nhưng mỗi tấc đất ở đây đều được dựng xây bằng mồ hôi, bằng máu và chứng kiến biết bao câu chuyện bi hùng về nghị lực sống, chống chọi với thiên nhiên của con người.
Mỗi năm có gần 4 tháng mùa mưa (từ tháng 8 đến tháng 11), nhà cửa ruộng vườn của người dân vùng Càng lại ngập trong nước bạc, dân vùng Càng di chuyển bằng đường thủy, trên những chiếc đò lá tre tròng trành...
Vùng Càng thuở xa xưa là nơi cư ngụ của những người khốn khổ, tứ khố vô thân hay bị dân làng ghẻ lạnh... Họ phải đạp bùn lầy, khua nước bạc để kiếm lấy miếng ăn, bám trụ trên những vùng đất biệt lập này. Hết lớp người trước đến lớp người sau tiếp tục cõng bùn, đắp Càng. Để bây giờ, khi ngước nhìn về những “ốc đảo” như những chiếc càng cua, sẽ thấy những rặng tre xanh ngút, những mái nhà ngói đỏ bình yên và xóm đạo thanh bình...
Vùng Càng cũng đã từng được mệnh danh là xứ nhiều không (điện, đường, trường, trạm...). Nhưng đó chỉ là chuyện của quá khứ xửa xưa. Ghép nối mảnh ký ức ngày xưa của những người dân vùng Càng mà tôi đã gặp, có thể khẳng định một điều rằng, so với trước, vùng Càng đã đổi thay nhiều. Những ngôi nhà phên đất, tạm bợ dần được thay thế bằng những ngôi nhà gạch, xây nền rất cao để chống lũ. Lớn lao nhất đó chính là sự xuất hiện của 41 km đê bao vùng trũng Hải Lăng với số vốn đầu tư hàng triệu USD từ vốn của Ngân hàng thế giới. Bởi 41 km đê cũng là 41 km đường giao thông, làm cho vùng Càng “gần” hơn bao giờ hết.
Bình yên quê lúa Hải Lăng -Ảnh:THANH LỘC
Nhắc đến vùng Càng, ông Thịnh nhấn mạnh rằng, tỉnh Quảng Trị, huyện Hải Lăng đã thực sự đổ sức, đổ của để vực dậy vùng đất này. Về Càng bây giờ sẽ dễ dàng thấy những con đường bê tông đến từng ngóc ngách, những đường ống nước sạch được kéo đến tận nhà... Trường học cũng đã dựng lên rất nhiều ở Càng với kỳ vọng làm đổi thay đời sống từ thứ bền vững nhất: con chữ!
2.Nếu được quyền chọn ngôi làng nổi tiếng nhất ở Hải Lăng, tôi xin được phép chọn Hội Kỳ. Ngôi làng nằm bên sông Ô Lâu, thuộc xã Hải Chánh này có 1 thứ buộc người ta phải nhắc nhớ. Đó là những mái nhà thấp le te, nấp dưới lũy tre hoặc hàng chè tàu xanh mướt, được người dân nơi đây gìn giữ từ đời này sang đời khác như báu vật. Hội Kỳ bây giờ còn khoảng hơn 20 ngôi nhà cổ, có niên đại khoảng 100 năm và 5 ngôi nhà cổ đã bước qua tuổi đời hàng trăm năm. Đó là những ngôi nhà mang cốt cách, dáng dấp từ thời khai canh, lập ấp.
Các ngôi nhà rường cổ có kiến trúc nghệ thuật đặc trưng, được những người thợ mộc tài hoa ngày xưa dựng nên. Họ thậm chí không biết chữ nhưng với đôi tay của mình đã khiến cho người đời nay thán phục về tài nghệ dựng nhà. Bởi tất cả hệ thống cột, kèo... trong nhà đều được chạm trổ hoa văn tinh xảo dựa trên mô típ rồng bay phượng múa vô cùng điệu nghệ.
Hội Kỳ không chỉ có sự trầm mặc bởi cảnh quan, sự cổ kính đến từ nhà cửa, vườn tược. Con người nơi đây cũng giữ nhiều phần cốt cách thanh tao của lớp người cũ. Trừ phi phải đi đâu xa, còn thường ngày dân làng ít dùng đến phương tiện cơ giới, chỉ đi bộ nên chẳng mấy khi nghe tiếng động cơ. Nhẽ vì vậy nên nhiều người Hội Kỳ vẫn tự hào rằng chuyện ẩu đả, đánh nhau ở làng này là chuyện xưa nay hiếm, trộm cắp nếu có xảy ra thì cũng do người ngoài lẻn vào...
Vài năm trở lại đây, dân làng Hội Kỳ đã bắt đầu biết làm du lịch. Làng đặt ra phương châm “mỗi người dân là một đại sứ du lịch”, nụ cười luôn nở trên môi mỗi khi đón khách lạ. Có thể dân làng một chữ tiếng Tây bẻ đôi không biết nhưng họ sẽ làm du khách nhớ mãi về nụ cười của mình.
Món canh Ám làng Lam -Ảnh: THANH LỘC
Câu “Nhìn sang Phước Tích, tủi thân Hội Kỳ” không biết có tự bao giờ nhưng hễ nhắc đến, người dân Hội Kỳ nói riêng và người Quảng Trị nói chung có chút buồn mang mác. Nhưng ngày nay, với du lịch cộng đồng, người dân Hội Kỳ tin rằng mọi thứ sẽ khác.
3. “Hải Lăng, đất mẹ ngọt ngào”, câu slogan không biết được ai nói ra đầu tiên nhưng người viết hoàn toàn đồng ý với ngữ nghĩa này. Ngoài nghĩa bóng về một đất mẹ yêu thương trong tâm khảm thì Hải Lăng thật sự mang đến những ngọt ngào trong ẩm thực quê kiểng, riêng biệt của mình.
Nếu bạn là người đã từng đi Tây Tàu, dùng qua những món ngon vật lạ của bốn phương thì cũng hãy khoan tặc lưỡi với những món ăn dân gian của ông cha “sáng tạo” nên trong nền văn minh lúa nước. Có câu rằng: “Canh Ám làng Lam/Mắm đam Trà Trì” (về sau tôi mới biết Trà Trì là tên một ngôi làng của xã Hải Xuân cũ (nay là xã Hải Hưng) nổi tiếng với món làm mắm con đam (cùng họ với cua đồng) và làng Lam ở đây là làng Lam Thủy thuộc xã Hải Vĩnh cũ (nay cũng là xã Hải Hưng). Còn với cái tên canh Ám, thú thật là từ thuở cha sanh mẹ đẻ tôi chưa từng nghe một món ăn nào có cái tên nghe lạ lùng đến thế. Chính điều đó đã thôi thúc tôi đi tìm và thưởng thức cho bằng được...
Suốt mấy ngày tìm kiếm, tôi gặp được mệ Chắt (ở thôn Lam Thủy) - người vẫn giữ cách nấu món canh Ám theo truyền thống. Tôi được thưởng thức món canh này. Thật ra đó là món canh được nấu bởi cá lóc, lá rau sôông (tiếng địa phương) mọc nơi mép nước, lõi chuối non cùng nhiều loại rau thơm mọc quanh quẩn trong vườn nhà...Canh có vị thanh ngọt. Đơn giản vậy nhưng đúng là “món canh có lịch sử mấy trăm năm giản dị đến mấy ăn cũng thấy khác biệt”. Không dễ để một món canh đi vào cả trong điệu hò: “Hò ơi/Vượt rú rậm Cu Hoan mà ăn mắm đam Trà Trì/Lội qua sông Vĩnh Định mà ăn canh Ám làng Lam/Ăn chi cũng nõ lấy làm sang/ Chỉ ăn canh Ám, mắm đam mới thèm...”.
4. Lan man về câu chuyện làng mạc, văn hóa và ẩm thực của một vùng đất có nhiều trầm tích văn hóa như Hải Lăng, cuối cùng vẫn dẫn dụ tôi trở về với cuộc trò chuyện nóng hổi thời sự trong ngày cuối năm với Chủ tịch UBND huyện Lê Đức Thịnh.
Trong đó, ông Thịnh không quên “flex” (ngôn ngữ của giới trẻ, hàm ý kiểu “khoe, tự giới thiệu”) rằng Hải Lăng ngày nay có nhiều thành tựu, qua những con số: tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2015-2020 đạt 12,05%; thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt 66,3 triệu đồng; tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 830.492,57 triệu đồng; Hải Lăng là “vựa lúa” của tỉnh Quảng Trị, năng suất bình quân hàng năm đạt trên 8,3 vạn tấn. Đến nay, toàn huyện đã có 15/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới...
Ông Thịnh cũng “phác thảo” qua hàng loạt hoạt động kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng huyện Hải Lăng 19/3 (1975-2025), 35 năm ngày lập lại huyện 1/5 (1990 - 2025) với nhiều hoạt động thể dục - thể thao trên địa bàn huyện; tổ chức thi biểu tượng của huyện Hải Lăng; Hội chợ thương mại huyện; lễ hội đua thuyền truyền thống trên hồ Khe Chè; xuất bản tập san truyền thống huyện; phát động phong trào xóa nhà dột nát cho người nghèo với mục tiêu là 33 căn, tổng trị giá khoảng 5 tỉ đồng. Đặc biệt, lễ kỷ niệm chính thức sẽ dự kiến diễn ra vào giữa tháng 3/2025 với chương trình nghệ thuật đặc biệt và màn bắn pháo hoa tầm thấp...
Ở tầm nhìn xa hơn, ông Thịnh bật mí rằng, huyện đặt ra mục tiêu xây dựng Hải Lăng trở thành huyện trọng điểm về phát triển công nghiệp của tỉnh, trở thành thị xã Hải Lăng trước năm 2040. Điều đó không phải là không khả thi bởi rất nhiều dự án động lực của tỉnh Quảng Trị đang triển khai ở Hải Lăng.
Rằng, Hải Lăng là địa phương nằm trong quy hoạch vùng lõi xây dựng Khu kinh tế Đông Nam, trong đó dự án Khu bến cảng Mỹ Thủy (giai đoạn 1) đã tổ chức triển khai thi công vào ngày 25/3/2024; dự án Khu công nghiệp Quảng Trị (QTIP) với diện tích 481,2 ha triển khai thi công giai đoạn 1 vào ngày 15/12/2023. “Hải Lăng bây giờ như một công trường lớn, máy xe rầm rập, gởi gắm vào đó bao mong ngóng của chính quyền, doanh nghiệp, người dân”, ông Thịnh chia sẻ.
Nên, hãy cùng chờ xem, chờ đến ngày được nhìn thấy vùng cát này nở hoa. Hy vọng rằng ngày đó sẽ không xa!
Nguyễn Phúc