Ảnh minh họa. (Nguồn: The Week)
Diễn viên Hàn Quốc Simon Lee đã “choáng váng” khi phát hiện khuôn mặt mình xuất hiện tràn lan trên TikTok và Instagram để quảng bá cho các sản phẩm y tế không rõ nguồn gốc.
Anh là một trong hàng chục diễn viên người đã ký hợp đồng cho phép công ty trí tuệ nhân tạo (AI) sử dụng hình ảnh và giọng nói, để rồi nhận ra rằng khuôn mặt mình giờ đây “sống một cuộc đời khác," bị lạm dụng vào quảng cáo sai sự thật, thậm chí cả tuyên truyền chính trị.
Simon Lee chia sẻ: “Nếu là quảng cáo đường hoàng thì tôi không phiền. Nhưng rõ ràng đây là lừa đảo." Tuy nhiên, anh không thể yêu cầu xóa video vì đã ký hợp đồng.
Kết quả, “Simon Lee phiên bản AI” đang rao bán từ trà chanh giảm cân đến nước đá chữa mụn - những phương pháp bị giới chuyên môn nghi ngờ nghiêm trọng về tính khoa học.
Không cần mô hình 3D phức tạp hay kỹ xảo tốn kém, các công ty hiện nay dùng công nghệ avatar lai người thật - tức là lấy hình ảnh, giọng nói của con người thật, rồi chỉnh sửa bằng AI để tạo ra video mới theo các kịch bản khác nhau - đa ngôn ngữ, đa cảm xúc, đa nội dung.
Ông Alexandru Voica - đại diện hãng Synthesia (Anh) - cho biết “biểu cảm thật của con người - từ giọng nói, nét mặt đến ngôn ngữ cơ thể - vẫn hơn AI rất nhiều," nhưng cũng chính vì vậy, việc “mượn gương mặt người thật” càng tạo cảm giác thuyết phục hơn cho khán giả.
Khách hàng chỉ cần chọn gương mặt, giọng điệu (vui vẻ hay nghiêm túc…), ngôn ngữ và nội dung cần truyền đạt, hệ thống AI sẽ lo phần còn lại. Gói dịch vụ cơ bản được cung cấp miễn phí, trong khi gói chuyên nghiệp chỉ vài trăm USD - rẻ hơn quay thật rất nhiều.
Vì cần tiền, nhiều người đã bán bản quyền hình ảnh và giọng nói của mình mà không hiểu hết các điều khoản pháp lý ràng buộc.
Diễn viên trẻ Adam Coy (29 tuổi) ở New York (Mỹ) từng bán quyền sử dụng hình ảnh và giọng nói cho một công ty AI với giá 1.000 USD trong vòng 1 năm. Sau đó, bạn gái anh tá hỏa khi thấy "Adam từ tương lai" xuất hiện trong video dự đoán tận thế. Nhưng hợp đồng mà Adam và nhiều người khác ký kết không cấm điều này mà chỉ cấm các nội dung khiêu dâm, rượu bia, thuốc lá.
Tương tự, Connor Yeates - người mẫu kiêm diễn viên Anh - ký hợp đồng 3 năm với Synthesia vào năm 2022, trị giá hơn 4.600 USD. Nhưng không ngờ, gương mặt anh sau đó bị sử dụng vào mục đích chính trị.
Synthesia sau đó thừa nhận từng tồn tại lỗ hổng trong kiểm duyệt nội dung “gây tranh cãi hoặc mang tính tuyên truyền," đồng thời cho biết họ đã siết chặt kiểm duyệt. Tuy nhiên, trên thị trường hiện nay, nhiều nền tảng AI mới ra đời với mức kiểm soát còn lỏng lẻo hơn rất nhiều.
Theo luật sư Alyssa Malchiodi, các hợp đồng nêu trên thường cài cắm những điều khoản như: quyền sử dụng toàn cầu, không giới hạn thời gian, không thể hủy bỏ và người bán không có quyền phản đối sau khi ký. Bà cảnh báo: “Công nghệ đang phát triển nhanh hơn cả luật pháp và hệ thống tư pháp có thể theo kịp."
Trong kỷ nguyên AI, khuôn mặt con người - thứ tưởng như riêng tư và dễ kiểm soát - lại trở thành món hàng bị mua bán, chỉnh sửa và thao túng dễ dàng. Với chỉ vài trăm USD, một “bản sao kỹ thuật số” có thể sống một cuộc đời hoàn toàn khác trước sự bất lực của bản gốc - người thật./.
(TTXVN/Vietnam+)