Thời điểm cận Tết cũng là lúc các hoạt động tổng kết, hội họp, liên hoan,… diễn ra triền miên. Nhiều người thường tìm cách giải rượu nhanh chóng, phần để tỉnh táo, phần để tham gia giao thông tránh bị xử phạt.
Tuy nhiên, một số mẹo giải rượu phổ biến được truyền miệng lại rất nguy hiểm, thậm chí có thể dẫn đến tử vong.
Đáng chú ý, nhiều mày râu có thói quen uống bia rượuvào buổi trưa, chiều tối lại đi tập thể dục thể thao, điển hình như chạy bộ, tennis, cầu lông, đá bóng. Họ cho rằng vận động sẽ giúp cơ thể đổ mồ hôi, lượng cồn trong cơ thể dễ dàng được bài tiết ra ngoài. Tuy nhiên, theo ThS.BS Đoàn Dư Mạnh - Phó Giám đốc Trung tâm Tim mạch và Đột quỵ Quốc tế Phương Đông, thành viên Hội Bệnh Mạch máu Việt Nam, đây là suy nghĩ cực kỳ nguy hiểm.
"Tập luyện thể dục khi trong người có cồn sẽ gây áp lực rất lớn lên tim và các mạch máu. Điều này rất dễ dẫn tới tình trạng vỡ mạch máu não, gây xuất huyết não hoặc đột quỵ.
Do đó, sau khi uống rượu bia, tuyệt đối không được tập luyện thể dục mạnh, kể cả chạy bộ. Chúng ta cần nghỉ ngơi, cơ thể tự đào thải cồn một cách tự nhiên là an toàn nhất”, BS Mạnh cho hay.
Chơi thể thao sau khi uống rượu bia tiềm ẩn nhiều nguy cơ (Ảnh minh họa)
Bác sĩ Mạnh cũng cho biết thêm, việc áp dụng bơi lội sau khi uống rượu bia để cơ thể bài tiết qua đường mồ hôi, từ đó giảm say, điều này hoàn toàn sai lầm.
Sau khi sử dụng đồ uống có cồn, các mạch máu giãn tối đa, nếu nhảy xuống hồ bơi, gặp nhiệt độ lạnh đột ngột sẽ gây co mạch, nguy cơ vỡ mạch máu hoặc hình thành cục máu đông, gây đột quỵ nhồi máu não. Chưa kể khi mạch máu đang giãn tối đa, việc xuống bơi khiến cơ thể dễ nhiễm lạnh, tăng nhịp tim, choáng váng, khó thở.
Ngoài ra, việc bơi lội có thể khiến hạ đường huyết và rất dễ bị ngất; hoặc khiến cơ thể hạ thân nhiệt, dễ trúng gió. Rượu bia làm suy giảm khả năng về trí tuệ và thể chất, do đó khi xuống hồ bơi sẽ dễ mất khả năng kiểm soát bản thân, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như bị thương hoặc đuối nước.
Nhiều trường hợp được sơ cứu kịp thời vẫn có thể xuất hiện hàng loạt biến chứng nghiêm trọng trên hệ hô hấp, tuần hoàn và thần kinh trung ương. Bên cạnh đó, người say rượu dễ nôn ói khi bơi dẫn đến sặc chất nôn và nước vào phổi, gây suy hô hấp cấp.
Để hạn chế tình trạng say rượu, tốt nhất không hoặc uống ít rượu. Một số loại thuốc tráng dạ dày (không phải thuốc giải rượu) có thể giúp hạn chế việc say xỉn. Cơ chế của những loại thuốc này giống như một lớp màng bảo vệ dạ dày, ngăn chặn sự tấn công trực tiếp của acid vào thành dạ dày và làm chậm quá trình hấp thụ rượu vào trong máu.
Một cách khác giảm say sau khi uống rượu là bù điện giải bằng uống oresol pha theo chỉ dẫn. Bổ sung nhiều nước sau uống rượu bia cũng là cách tăng bài tiết, giảm cảm giác say. Khi cơ thể bổ sung nhiều nước, đi tiểu nhiều thì nồng độ cồn sẽ giảm nhanh hơn, từ đó giảm say. Tuy nhiên, việc uống nước cần đúng cách, bổ sung từ từ và quan trọng nhất là lắng nghe cơ thể.
Thúy Ngà